Chính phủ sẽ không gánh các khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước để giảm nợ công và điều này tiệm cận hơn với quy luật của nền kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định như vậy tuần qua khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi. Ông nói với các đại biểu quốc hội rằng chính phủ sẽ không bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ và chỉ những khoản nợ do chính phủ bảo lãnh mới được coi là nợ công.
Theo ông Dũng, chúng ta luôn để mức bội chi rất cao, trong giai đoạn 2011-2015 tổng vay nợ khoảng 1,4 triệu tỉ đồng. Bội chi như vậy thì nợ công tăng rất cao.
Bộ Tài chính ước tính nợ công của Việt Nam chiếm 64,73% GDP vào cuối năm ngoái – gần chạm ngưỡng cho phép 65%. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 1 thừa nhận nợ công của Việt Nam đã vượt trần và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền của tài khóa quốc gia nếu tình trạng này không được chấm dứt.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định việc sửa đổi trong luật về nợ công sẽ giúp chính phủ minh bạch hóa và tạo ra cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. Chính phủ đang có những thay đổi về mặt quản lý nhà nước để tiệm cận với những thỏa thuận mà chính phủ Việt Nam đã thỏa thuận với các tổ chức quốc tế. Ví dụ như trong Hiệp định TPP mà chính phủ Việt Nam đã ký với 11 đối tác, Việt Nam cam kết minh bạch hóa quá trình quản trị doanh nghiệp nhà nước và không có những ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước thì việc chính phủ không bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước đã nằm trong lộ trình cam kết của Việt Nam.
Bộ trưởng Dũng nói nếu các công ty nhà nước không trả được nợ của chính họ thì phải tuyên bố phá sản. Báo Tuổi Trẻ trích lời bộ trưởng nói “sẽ không có cái gọi là nợ của các công ty nhà nước trở thành nợ quốc gia”.
Trước đây Tập đoàn Công nghiệp Vinashin đã trở thành doanh nghiệp nhà nước có khoản nợ lớn nhất không trả được là 4,5 tỉ USD và việc kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước này đã làm các nhà đầu tư vào Việt Nam lo lắng.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sĩ Kiêm nói rằng thông thường có ba cơ quan là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hoặc Chính phủ trực tiếp bảo lãnh nợ doanh nghiệp và trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì những cơ quan đó phải có trách nhiệm trả nợ. Điều đó lý giải tại sao nợ bảo lãnh chính phủ hiện đang ở mức 10,2% GDP.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết: “Trước đây vì Việt Nam quan niệm doanh nghiệp nhà nước là theo chủ sở hữu thì khi doanh nghiệp nhà nước đi vay vốn mà không trả được thì nhà nước – chủ sở hữu – phải trả khoản nợ đó”.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc không có chính phủ “chống lưng” sẽ buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thận trọng hơn trong việc tiếp cận vốn vay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cảnh báo việc doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ nước ngoài khi không có nhà nước chống lưng sẽ làm cho xếp hạng tín nhiệm và độ tin cậy về tài chính của Việt Nam với các đối tác nước ngoài xuống thấp. Nhưng ông Kiên nói điều đó không phải là một mối lo vì việc đánh giá của các cơ quan nhà nước đi vay sẽ thực chất hơn trước đây khi các công ty này phải nỗ lực để được đánh giá cao về khả năng hoàn trả nợ và xếp hạng tài chính.
Được biết dự thảo luật quản lý nợ công đang được quốc hội thảo luận và nếu được thông qua sẽ có hiệu lực vào 1-7-2018.
Trong một diễn biến liên quan đến nợ nần, “Tổ công tác liên ngành về xử lý nợ xấu” sẽ được thành lập nhằm hỗ trợ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đẩy nhanh quá trình xử lý các khoản nợ đang nằm trong “kho”.
Đây là một nội dung trong đề án nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020. Tổ công tác này gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương gồm: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tòa án, UBND thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và VAMC.
Tổ công tác chỉ đạo tiến hành thu hồi nợ bằng nhiều biện pháp, như đôn đốc thu hồi nợ, thu giữ, phát mại tài sản bảo đảm, bán nợ theo quy định của pháp luật thông qua đấu giá công khai, minh bạch. Những khoản nợ xấu là đối tượng xử lý của tổ công tác sẽ không xem xét cơ cấu nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp. Tổ công tác sẽ hoạt động trên tinh thần “các khoản nợ xấu VAMC đã mua là tài sản của Nhà nước, mọi tổ chức cá nhân không trả nợ, không hợp tác thì sẽ xử lý hình sự theo tội chiếm đoạt tài sản nhà nước”.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông cho biết, dự kiến trong năm 2017, VAMC mua khoảng 25.000 tỉ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và tập trung xử lý khoảng 33.000 tỉ đồng.
Dự kiến đến 2020, VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt với giá trị khoảng 150.000 tỉ đồng dư nợ gốc, có tính đến việc mua nợ của một số ngân hàng đang thực hiện tái cơ cấu và số dư nợ được cơ cấu lại.
Bên cạnh mua nợ, nhiệm vụ quan trọng là xử lý nợ. Kế hoạch VAMC và Ngân hàng Nhà nước đặt ra là đến hết năm 2020, VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng qua các hình thức đạt tổng giá trị dư nợ gốc là 400.000 tỉ đồng và thu hồi nợ đạt 100.000-150.000 tỉ đồng. Các biện pháp xử lý nợ cụ thể gồm: thu hồi nợ qua bán nợ (20.000-35.000 tỉ đồng), thu hồi nợ qua xử lý tài sản bảo đảm (30.000-45.000 tỉ đồng), thu hồi nợ qua đôn đốc khách hàng trả nợ (50.000-70.000 tỉ đồng).
Về lâu dài, theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, VAMC sẽ giữ vai trò trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, là tổ chức do Chính phủ quản lý có cơ chế đặc thù để đảm bảo xử lý nhanh và hiệu quả nợ xấu trong khuôn khổ các quy định pháp luật liên quan.
- Gia Minh
Xem thêm: