Người Việt xưa rất chú trọng đến việc thu thập các loài thảo mộc có tính dược liệu hay hương liệu để sử dụng trong việc nâng cao sức khỏe, phòng bệnh cũng như trong điều trị bệnh. Năm 1835, khi cho đúc Cửu đỉnh đặt tại Thế Miếu Huế, vua Minh Mệnh đã cho đúc nổi chín loại dược liệu quí tiêu biểu như sau:
1. Trầm hương
Còn có tên là cây dó bầu. Gọi là trầm vì khi bỏ xuống nước thì chìm. Chất dầu trầm rất thơm, được bào chế làm thuốc trị thấp khử tà, là dược liệu bổ dương. Ở miền rừng núi từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trở vào nam Trung Bộ các tỉnh đều có.
Trầm hương cũng được dùng để chế thuốc trị hen suyễn, tăng cường sinh lực.Trong Tây y, trầm là thành phần cơ bản để làm biệt dược điều trị chứng ung thư bàng quang. Thời trước, trầm hương nổi tiếng hơn cả là ở Vạn Giã, Khánh Hòa. Những năm tám mươi của thế kỷ XX, tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) có lúc xuất khẩu ra nước ngoài lên đến hàng trăm tấn, ngành xuất khẩu trầm bấy giờ được mệnh danh là “vua trầm” Việt Nam. Do cây trầm có nhiều lợi ích nên hiện nay, người dân các tỉnh miền Trung và Tây Bắc Việt Nam đều có trồng, có nơi trồng xen canh đến hàng chục hécta. Nhưng để cây có tinh chất làm dược liệu cao cấp thì cây cần phải sinh trưởng hàng chục năm sau.
2. Kỳ nam
Kì nam là một loại chất gỗ thơm chứa rất nhiều dầu, màu đen có vân, nhai thì dẻo và đắng, đốt cháy ra dầu có mùi thơm rất đặc trưng. Tinh chất cũng được tìm thấy như ở thân cây dó bầu, nghĩa là trong một thân cây dó bầu, thường có nhiều trầm hương và có thể có một ít kỳ nam. Người xưa ví trầm hương với kỳ nam như thủy tinh đối với ngọc thạch vậy.
Có người cho rằng gỗ trầm biến thành kỳ nam là do những phân chim rơi xuống ở những chạc ba làm cho cành cây bị bệnh. Ở những chỗ cây bị bệnh ấy, chất dầu tụ lại nhiều hơn để chống chọi với chứng bệnh, và do đó sinh ra kỳ nam. Cũng có người nói rằng, sự kết thành kỳ nam là do một thứ nấm làm cho chất gỗ nhẹ dần, thay màu sắc và tụ tập chất dầu lại nhiều, sự hội tụ dầu không nhất định ở một chỗ nào. Nó có thể ở phía dưới thân cây, gần gốc cây, ở chạc ba cành cây hoặc có khi chạy xuống đến tận rễ.
Thông thường, người đi tìm trầm phải làm cho cây bị thương tích như chặt vào đấy vài nhát. Hoặc cũng có khi do những con thú lớn như voi, cọp, trâu, bò rừng cọ vào làm cho cây bị thương tích. Ngay chỗ cây bị trầy xước ấy dầu bắt đầu tụ lại và dần dần thay hẳn tính chất của gỗ mà thành kỳ nam. Như vậy chất kỳ nam bám vào thân cây ở phía ngoài và dính một phần ở phía vỏ. Khi chất dầu tụ ở gốc cây hay ở rễ lớn thì thành ra trầm. Đến khi sự kết tụ dầu đủ mức độ, thì cây dó già rụi và chết, bấy giờ thân cây tự nhiên mục và hủy hoại rất mau, chỉ để lại những khúc trầm và những miếng kỳ nam quí hiếm.
Theo Đông y, kỳ nam để làm thuốc trị cảm, phong, kiết lỵ, trợ tim, có tính bổ dương, ngăn tiêu hao nguyên khí; dùng làm dầu chống nắng, trị các vết muỗi cắn.
3. Đậu khấu
Đậu khấu còn gọi là bạch đậu khấu. Đây là một loại cây đậu mọc nhiều ở miền Trung và Nam Bộ. Theo các nhà Đông y, đậu khấu có tác dụng rất tốt cho việc hành khí, ấm dạ dày, tiêu thực khoan trung, trừ hàn hóa thấp. Người ta thường dùng hoa và hạt của nó sao vàng hạ thổ, chiết tinh dược liệu chế biến để làm thuốc chữa đau dạ dày, đầy bụng, nôn mửa, ăn không tiêu và chữa các bệnh về phổi. Ngoài ra còn có các loại như thảo đậu khấu, hồng đậu khấu, nhục đậu khấu đều có giá trị cao trong y dược. Đậu khấu cũng là một loại cốc đáng quí của nước ta.
4. Tô hợp
Tô hợp hay tô hạp là một loại cây thân mộc cao chừng hơn 10 mét. Lá, hoa và gỗ của nó có thể lấy để chiết dầu. Ngày trước, cây tô hợp được trồng ở vùng Khánh Hòa, Phú Yên. Ở miền Bắc, một vài nơi ở Quảng Ninh, Điện Biên cũng trồng được loại cây này. Theo các nhà tân dược thì y học cổ truyền thường tô hợp để bào chế thuốc chữa viêm phế quản, chữa rận dương vật, làm chất sát trùng chữa ghẻ, làm lên da non và trị chứng đờm dãi. Trong hương liệu, tinh dầu tô hợp dùng để chế mùi thơm .
5. Quế
Quế còn gọi là mẫu quế. Hầu hết những loài cây thân mộc, giữa lá đều có một gân dọc, riêng lá quế có hai gân. Quế có công dụng làm chất dẫn được các vị thuốc khác. Ngày trước, cây quế được trồng nhiều ở các lăng vua; vị rất cay.
Tuy cùng sinh sản ở phương Nam, nhưng ngày trước quế tỉnh Thanh Hóa thì tốt hơn cả, thứ đến quế ở Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lá của cây quế dùng làm thuốc chữa bệnh phù thũng rất hiệu nghiệm. Ngoài những chất như tinh bột, chất nhầy, chất màu, đường trong quế, người ta còn ép dầu quế để làm hương liệu trong công nghiệp. Ngày nay các tỉnh miền núi, vùng bán sơn địa, nhiều nơi trồng được, nhưng nhiều nhất vẫn là các tỉnh miền Trung và vùng đất đỏ Tây nguyên. Quế trồng bạt ngàn thành rừng để xuất khẩu.
- Xem thêm: Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế
Trong Tây y, quế và tinh dầu của nó được coi là vị thuốc có tác dụng kích thích khí huyết lưu thông, hô hấp mạnh lên. Quế còn gây co mạch, sự bài tiết cũng được tăng lên. Nó còn là chất gây co bóp tử cung và tăng nhu động ruột. Tinh dầu quế có chất sát trùng mạnh.
Còn theo Đông y, quế là một vị thuốc bổ có thể chữa khỏi đau mắt, đau gân, nhức mỏi, tê bại, ho hen, kinh nguyệt bế, tiểu tiện bất lợi, bồi bổ cho phụ nữ sau sinh nở, trị được bệnh đau bụng đi tả nguy hiểm đến tính mạng.
6. Tân lang
Tức quả cau, còn gọi là tân môn. Chữ tân và chữ lang là tiếng xưng chỉ người khách quí nên ngày xưa bất kể sang hèn, khách đến nhà phải dọn vật này lên trước. Quả cau có nhiều dược tính, có thể làm thuốc chữa giun sán, hạ khí, lợi tiểu, viêm ruột, chữa bệnh trẻ con tróc đầu.Trái cau khô nhai với lá trầu là thứ thuốc phòng đau răng, nhưng ăn quá nhiều thì có nguy cơ dễ bị ung thư miệng.
Thành ngữ dân gian có câu: “Được mùa lúa, úa mùa cau” đó là kinh nghiệm của những người trồng trọt.
7. Phù lưu
Đây là cây trầu không, còn gọi là củ tương. Nước ta ở chỗ nào cũng trồng được. Lá trầu có nhiều dược tính, các nhà Đông y dùng làm thuốc chữa trị chứng trướng lệ, và trừ ác khí trong bụng. Ăn lá trầu với cau chống được sốt và làm tăng hơi thở, dùng nhiều thì ít bị sâu răng, từ đó có câu nói: “Tân lang phù lưu khả dĩ vong ưu” (Trầu cau làm quên ưu phiền). Cũng như quả cau, trầu là một vật phẩm truyền thống dùng để dâng cúng thần linh, tiếp khách mở đầu câu chuyện. Miếng trầu cau cũng là đầu mối xe duyên nên vợ nên chồng.
8. Tía tô
Còn gọi là tử tô hay xích tô. Lá có mùi thơm, dùng ăn sống; có thể trị được tất cả các chất độc của cá trạnh. Ngoài ra còn có một loại gọi là bạch tô, lá hai mặt đều trắng, giống rau húng. Lá tử tô dùng xào tái ăn, hoặc nấu chín ăn đều được, nhưng người ta thường dùng ăn sống nhiều hơn. Hạt tử tô nghiền lấy nước nấu cháo ăn cũng ngon. Các nhà Đông y cho biết, tía tô có dược tính điều hòa cơ thể để chữa ho, an thai, giải ngộ độc cua, cá… Tía tô dễ trồng, gieo bằng hạt, giữ ẩm một thời gian thì nẩy mầm. Ở Việt Nam, đất tỉnh nào trồng cũng được, nhưng hương vị ngon và chứa nhiều dược tính là tía tô miền Bắc.
9. Nam sâm
Tức sâm ta, thầy thuốc Đông y còn gọi là tục đoạn (do chữ tục nghĩa là nối; đoạn là đứt, vì họ tin rằng nó là vị thuốc có tác dụng nối được gân xương đã đứt liền lại).
Cây sâm nam có thân cao chừng 1,5 mét, có sáu cạnh, lá chét, cành vươn lên ngoằn ngoèo, gẫy góc, hơi có gai. Lá đối nhau, không cuống, xoắn xuýt, phía dưới lá dính vào cây 20 phân, rộng 6 phân, hình lông chim phía trên nhỏ hơn, và chia ra như răng cưa. Hoa trắng, hình cầu, có cuống dài, có bẹ chừng trên dưới 2 phân. Loại cây này mọc nhiều ở vùng núi cao ở các tỉnh phía Bắc.
- Xem thêm: Huế với nền tảng văn hóa dân tộc
Nam sâm được thu hoạch gần như quanh năm, và thường được dùng làm thuốc bổ toàn thân, thuốc làm dịu đau, chữa đau nhức do bị ngã chấn thương. Ngoài ra còn có tác dụng lợi sữa, an thai, chữa can, thận, thông huyết mạch, cầm máu nhanh. Nam sâm còn được chế biến bằng cách bào mỏng để pha nước giải nhiệt uống hàng ngày. Người dân Thăng Long ngày xưa rất ưa chuộng loại thuốc bổ tự nhiên này. Ở Việt Nam còn có nhiều loài sâm mọc tự nhiên nhưng dược tính không thể bằng nam sâm.