Cửu đỉnh ở Huế được nhiều người xem như là bộ sách địa dư của nước ta. Với những địa danh, thắng cảnh tiêu biểu trên khắp ba miền được giới thiệu ở đây đã thể hiện tư tưởng độc lập, thống nhất đất nước. Cũng từ đó, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia với hình ảnh của Đông Hải (Biển Đông), các vùng biển Nam Hải, Tây Hải… Bên cạnh đó là các cửa khẩu, cửa quan tiêu biểu, có vai trò quan trọng.
1. Đông Hải là vùng biển nằm phía Đông Việt Nam, thông với Thái Bình Dương ở phía Bắc qua eo Bashi. Trong biển Đông có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở vùng biển này từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 hằng năm thường có gió bão mạnh, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa, nên còn gọi là quần đảo Bão Tố. Biển Đông là kho tài nguyên rất lớn của nước ta. Lịch sử đất nước ghi chép từ lâu đời, người Việt đã biết tiến ra làm chủ biển Đông.
2. Nam Hải chỉ vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Trong vùng biển này có nhiều đảo nhỏ như Đại Kim, Mãnh Hỏa, Nội Trúc, Phú Quốc, Thổ Châu… Trên một số đảo này có nhiều loại cây mọc tự nhiên cho dược liệu quý. Riêng đảo Phú Quốc gồm đủ các các loài động, thực vật phong phú như trong đất liền. Biển phía Nam nhiều tài nguyên, lắm hải sản chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Theo Đại Nam nhất thống chí, thời còn tranh chấp với nhà Tây Sơn, một số đảo này được xem là căn cứ ẩn náu của chúa Nguyễn Ánh.
3. Tây Hải chỉ vùng biển nằm về phía Tây. Đây là vùng biển giáp với vịnh Thái Lan. Biển phía Tây có nhiều tài nguyên, nhất là những động vật sống dưới đáy biển. Hải sản vùng biển này cũng rất phong phú, đa dạng. Vùng biển phía Tây ít gặp phải những cơn bão mạnh như biển ở phía Đông, do được các mũi đất liền che chắn và chịu ảnh hưởng khí hậu của vịnh biển Thái Lan, kín gió, ấm áp, thuận lợi cho sự sinh sống của các loài rong tảo, thảm thực vật nhiệt đới dưới đáy biển.
4. Thuận An Hải Khẩu tức cửa biển Thuận An, cách thành phố Huế chừng 13km. Thời trước có tên gọi là cửa Noãn Hải hay cửa Yêu Hải, tức cửa Eo. Năm Gia Long thứ 13 đổi tên Thuận An. Lúc chúa Nguyễn Phúc Tần còn làm Thế tử, ông đã mưu trí, dũng cảm chỉ huy thủy quân đánh chìm tàu Ô Lan (Hà Lan) ở ngoài khơi cửa Noãn Hải, tức cửa biển này. Đầu đời vua Gia Long, lập thủ sở, đặt một chức thủ ngự và một chức tấn thủ, có 3 đội lính lệ đi tuần phòng ngoài biển, và hộ tống thuyền quan ra vào. Năm Minh Mạng thứ 15, dựng vọng lâu ở tấn sở, cấp cho thiên lý kính để quan sát tàu thuyền ngoài biển.
- Xem thêm: Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế
Giữa cuối thế kỷ XIX, tại cửa biển này, rất nhiều tấm gương giữ nước chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và anh dũng hy sinh để bảo vệ Kinh thành Huế.
Cửa biển Thuận An có vị trí chiến lược xung yếu về mặt quốc phòng và giao thông vận tải bằng đường biển ngày trước của Kinh đô Huế; bấy giờ là 1 trong 20 cảnh đẹp Thần kinh do vua Thiệu Trị xếp hạng.
5. Cần Giờ Hải Khẩu tức cửa biển Cần Giờ, hay cảng Cần Giờ. Cửa này có độ rộng trên 5 dặm, khi nước lên buổi sáng thì sâu 5 trượng 5 thước, nước lên buổi chiều sâu 4 trượng. Cảng khẩu sâu rộng nên rất thuận lợi cho thuyền bè ra vào. Đây là một cửa cảng lớn, nằm kề sát trung tâm tỉnh Gia Định xưa, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Do tính chất quan trọng của cửa biển này, năm Thiệu Trị thứ 2, triều đình nhà Nguyễn cho xây thành, đắp lũy tấn bảo để canh gác. Cửa biển Cần Giờ có vị thế chiến lược kinh tế, quốc phòng và lịch sử phong phú của vùng đất Nam Bộ ngay từ buổi đầu mở cõi.
6. Đà Nẵng Hải Khẩu tức Cửa biển Đà Nẵng, còn gọi là Cửa Hàn, hay Vũng Thùng; trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Dưới thời các chúa Nguyễn, thương nhân nước ngoài khi đến buôn bán ở Đàng Trong, họ thường ghé vào Cửa Hàn làm nơi trung chuyển.
Đầu đời Gia Long, đặt một viên thủ ngự, một viên hiệp thủ và 17 người thủ binh. Năm Minh Mệnh thứ 9, cấp cho ngựa trạm để chạy cấp báo; mấy năm sau lại đặt vọng lâu ở tấn sở, cấp cho kính thiên lý để xem xét ngoài biển.Về quân sự, trong lịch sử cận đại, nơi đây từng diễn ra các trận đánh ác liệt. Chẳng hạn, vào năm Đinh Tỵ 1797, quân nhà Nguyễn tiến vào Đà Nẵng, Nguyễn Ánh sai các tướng Nguyễn Văn Khiêm và Ô Lý Vi (Olivier) chế tạo thuyền sam dùng hỏa công tấn công thuyền của quân Tây Sơn đóng ở Cửa Hàn, hai bên kịch chiến mấy ngày mới phân thắng bại. Năm 1822, người Pháp cho tàu chiến có tên Cléopâtre đến Việt Nam, vào cửa biển Đà Nẵng, dâng thư xin yết kiến vua Minh Mạng. Năm 1858, khi quân Pháp tấn công vào Đà Nẵng, họ đã theo cửa biển hóc hiểm này đổ quân lên bộ nhưng bị chống trả quyết liệt.
7. Quảng Bình Quan tức cửa thành Quảng Bình, còn gọi cửa thành Đồng Hới; nằm về phía Đông trong hệ thống Định Bắc Trường Thành. Thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Đào Duy Từ (1572-1634) hiến kế đắp lũy ở Nhật Lệ, bấy giờ cửa Quảng Bình được làm bằng đất, cùng với hai cửa khác là Lý Chính Đại Quan, sau đổi gọi là Võ Thắng Quan; cửa thứ ba là Thủ Ngự để chống giữ phía biển Nhật Lệ. Cũng nhờ thành lũy quân sự này mà các chúa Nguyễn vững tâm hơn khi tiến xuống phía Nam. Về sau, để ghi nhớ công lao của quân sư Đào Duy Từ, người ta tôn gọi công trình này là Lũy Thầy.
- Xem thêm: Khâm Thiên Giám đường xưa lối cũ
Các thành lũy ngày xưa thường bố trí 4 cửa theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, gồm: cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Tả, cửa Hữu; duy thành này chỉ có 3 cửa (cửa Tả, Hữu, Hậu, không có cửa Tiền). Đây cũng là một điểm rất khác lạ về cấu trúc của thành lũy.
Thời trước, đường bộ từ Bắc vào Huế phải đi qua cửa thành Quảng Bình. Đến thời các vua Nguyễn đã cho sửa sang lại. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), cửa thành này được xây bằng đá; năm thứ 7 (1826), cho tên Quảng Bình Quan. Năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá Bắc tuần, qua Quảng Bình Quan, nhà vua có thơ ngự chế chạm vào đá, sai dựng nhà bia ở bên ngoài cửa thành để lưu niệm.
8. Tiền Giang Hậu Giang tức cửa sông Tiền và sông Hậu. Đây là 2 con sông chính chảy qua nhiều tỉnh và đổ ra biển ở 9 cửa sông.
Sông Hậu bắt nguồn từ dòng Mê Kông, đoạn rẽ dòng ở gần thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), chảy vào biên giới nước ta. Đến đoạn ngang Phụng Tường, sông mở dòng làm 2 nhánh: một nhánh dọc theo địa giới Trà Vinh, đổ ra cửa Định An; một nhánh thẳng qua huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đổ ra cửa Tranh Đề.
Sông Tiền cũng bắt nguồn từ quãng gần thủ đô nước Campuchia, chảy vào biên giới nước ta tại địa giới của huyện Tân Châu, tỉnh An Giang và huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, rồi chảy giữa ranh giới 2 tỉnh cho đến hết huyện Tân Châu thì rẽ ngoặt nhánh chính sang trái, chảy vào địa phận tỉnh Đồng Tháp, rồi chảy xuống huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Từ đây, sông Tiền mở làm 2 nhánh: nhánh phải là sông Cổ Chiên làm ranh giới giữa hai tỉnh Bến Tre và tỉnh Vĩnh Long kéo xuống đến tận cửa biển. Nhánh trái chảy trên ranh giới tỉnh Tiền Giang, chảy thêm một đoạn nữa lại chia làm 2: nhánh phải là sông Hàm Luông chảy vào giữa địa phận tỉnh Bến Tre; nhánh trái chảy đến huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, gặp Cù lao Tấu, nhánh sông này chia đôi dòng rồi đổ ra biển qua Cửa Tiểu và Cửa Đại.
Mặc dù khi chảy xuống miền hạ lưu, sông Hậu, sông Tiền chia thêm 7 nhánh thành 7 con sông khác nữa, tạo thành 9 dòng thường được gọi là Cửu Long Giang; nhưng với dòng chủ lưu, người xưa vẫn chỉ tính 2 con sông chính đổ ra 2 cửa sông chính là Cửa Tiền và Cửa Hậu.
9. Hải Vân Quan tức cửa quan Hải Vân xây năm 1826 ở phía Đông Nam huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm trên đỉnh đèo của núi dãy Hải Vân. Phía trước và sau đều xây một cửa quan, trên ngạch phía trước đề ba chữ “Hải Vân Quan”, trên ngạch phía sau đề 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” bằng chữ Hán. Phía trái, phía phải cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Cửa được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826), ban đầu đặt một viên phòng thủ úy, và biền binh thường trú, mỗi tháng một lần thay đổi phiên; năm thứ 17 (1836) tăng lên 2 viên phòng thủ úy, mỗi tháng thay đổi một lần, còn biền binh thì cứ 15 ngày thay đổi; lại được triều đình phát cho “Bản vẽ hiệu cờ” của các nước ngoại dương để tiện theo dõi; lại cấp cho ống nhòm thiên lý để quan sát ngoài biển xa. Khi có thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này.
- Xem thêm: Huế với nền tảng văn hóa dân tộc
Thời các chúa Nguyễn làm chủ Đàng Trong, đèo này còn hoang sơ, khó đi, khi nhà sư Thích Đại Sán từ Quảng Nam ra Huế yết kiến chúa Nguyễn Phúc Chu, vượt đèo bằng cáng, ông gọi đèo bằng cái tên Ngãi Lãnh vì hai bên hoa ngãi nở đầy đường
Quan ải Hải Vân và đèo núi Hải Vân không những có vị trí quan trọng về mặt quân sự của khu vực biển miền Trung, mà còn là chỗ ngắm cảnh độc đáo giữa mây trời hùng vĩ, là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng, nơi phân chia khí hậu hai vùng Bắc – Nam khá rõ rệt.