Nếu phát triển theo hướng “thành phố di sản”, Huế sẽ có nhiều thuận lợi bởi từ lâu vùng đất nơi đây đã có vị thế nổi bật về nền tảng văn hóa.
Huế là nơi khởi đầu công cuộc Nam tiến, mở rộng đất đai về phía Nam của dân tộc Việt Nam. Huế cũng là nơi các chúa Nguyễn và các triều đại phong kiến Tây Sơn, nhà Nguyễn khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nơi diễn ra những thay đổi lớn lao của dân tộc
Vào thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn, cứ vào tháng 2, đội Hoàng Sa và Bắc Hải (hoạt động khu vực phía Nam đến tận biển Hà Tiên) lại xuất hành, gồm 5 chiến thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa thu nhặt hóa vật của tàu bị nạn, tìm kiếm hải vật và ở lại đây đến tháng 8 mới trở về nộp cho triều đình Phú Xuân (Huế).
Tiếp đó, khi lên ngôi, tháng 7 năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long đã cho lập lại đội Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn. Đến năm 1816, vua Gia Long đã “long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong” (theo bài viết của Giám mục Taberd) tại quần đảo Hoàng Sa. Chaigneau, một cận thần của vua Gia Long cũng đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochichine” rằng: “Đến năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy”.
Tiếp theo đó, cửu đỉnh của triều Nguyễn có khắc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ nước ta và sách giáo khoa “Khởi đồng thuyết ước” dùng trong các trường học thời vua Tự Đức, thể hiện bằng hình vẽ và ghi chú đầy đủ về Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền nước ta.
Huế là nơi hình thành quyết định xuất dương tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, thời gian hình thành một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”.
Bên cạnh đó, Trường Quốc Học Huế được thành lập từ năm 1896, từng là nơi học tập của nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng – Nhà nước, nhiều nhà khoa học, văn hóa, giáo dục lỗi lạc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Trần Phú, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà thơ Tố Hữu…
Huế là nơi cáo chung của chế độ phong kiến tồn tại suốt hàng nghìn năm trước dòng thác mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Tám 1945, mở ra trang sử mới của lịch sử dân tộc Việt Nam.
- Xem thêm: 10 điểm đến du lịch lưu giữ hồn xứ Huế
Huế là trung tâm của các hoạt động đấu tranh của giới tăng ni, Phật tử chống các chế độ độc tài Ngô Đình Diệm vào những năm 60 thế kỷ XX, để lại dấu ấn lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cùng với khí thế hào hùng tấn công địch trên toàn miền Nam, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã đồng loạt tiến công, nổi dậy làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm trong Xuân 1968. Trong những ngày Xuân lịch sử đó, Huế nổi lên là một chiến trường trọng điểm với những chiến công xuất sắc nhất.
Chiến công xuất sắc đó đã được Hội nghị Chiến tranh du kích toàn miền Nam lần thứ Tư (tháng 10.1968) chọn là một trong ba ngọn cờ đầu về chiến tranh du kích và được Bộ Chỉ huy các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương 8 chữ vàng: “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.
Huế cũng là mũi nhọn tiên phong trong việc làm thất bại kế hoạch “Phòng ngự co cụm chiến lược” ở các tỉnh duyên hải miền Trung của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, vì đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, góp phần quyết định vào thắng lợi chiến dịch Huế – Đà Nẵng, tạo đà thần tốc chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Vùng đất đậm đặc văn hóa
Mảnh đất Thừa Thiên – Huế từng là đất của bộ lạc Việt Thường thị, một bộ của Nhà nước Văn Lang. Sau đó, vùng đất này trở thành một bộ phận của Vương quốc Chămpa, sau được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Mảnh đất Huế sau đó từng là thủ phủ và kinh đô của ba thế lực phong kiến Việt Nam (Chúa Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn).
Nền văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế có các giá trị và vị thế nổi bật so với cả nước. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê từng nhận định: “Chỉ nói riêng về văn học, có lẽ ít có địa phương nào mà các giá trị cần được lưu giữ lại phong phú, đa dạng và có tầm vóc vượt giới hạn lãnh thổ một tỉnh như ở Thừa Thiên – Huế. Ngay thành tựu văn học cách mạng mà chúng ta nói đến nhiều nhất và ở địa phương nào cũng có, thì có mấy nơi có những tên tuổi như Tố Hữu, Hải Triều…”.
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên-Huế cũng nhận định rằng: “Huế có nhiều nhà văn hơn so với nhiều vùng miền vì đặc thù của vùng đất cố đô. Huế cũng đi trước so với các nơi khác trong vấn đề văn học nghệ thuật từ sau Cách mạng tháng Tám cũng vẫn vì lý do đó”.
- Xem thêm: Hồi ức Hương Giang
Đó là chưa nói đến những tên tuổi nổi tiếng không phải là người Huế những đã có những tác phẩm để đời được sáng tạo trên chính mảnh đất này. Như Truyện Kiều đã được Nguyễn Du viết tại Phú Xuân – Huế. Đặc biệt hơn, Huế có cả một di sản văn học có thể nói là đồ sộ của các ông vua và những nhà thơ hoàng tộc, trong đó tiêu biểu là vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Mai Am, Huệ Phố…
Với 3 tập của công trình “1000 nhà thơ Huế đương thời” được ấn hành lần lượt vào các năm 2006, 2008, 2010, nhà biên soạn kỷ lục Việt Nam – nhà báo Huy Vĩnh (Cao Huy Khanh) đã cùng hai nhà thơ Viêm Tịnh và Nguyễn Miên Thảo giới thiệu được hơn 1.000 tác giả thơ xứ Huế.
Đây quả là con số kỷ lục mới trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Vì rằng xưa nay dẫu Huế đã vang danh là xứ sở của thơ, đã là mảnh đất sinh ra hoặc nuôi dưỡng nhiều nhà thơ nổi tiếng, song số lượng thống kê lên đến 1.000 nhà thơ Huế đương thời vẫn làm người yêu thơ cả nước… giật mình.
Về các ngành nghệ thuật khác, biết bao tên tuổi lớn khác như Đặng Huy Trứ, người khai sinh nghệ thuật nhiếp ảnh của Việt Nam, họa sĩ Lê Văn Miến – người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris danh tiếng…
Huế có 5 di sản thuộc 3 loại hình khác nhau được UNESCO vinh danh. Đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (1993 – di sản vật thể), Nhã nhạc- âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 – di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 – di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 – di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016- di sản tư liệu).
Huế còn có làng cổ Phước Tích, đã hơn 500 năm tuổi, được đánh giá là ngôi làng vẫn gìn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê cổ Việt Nam. Ở Việt Nam chỉ có thêm làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) nằm vào thể loại này nhưng đã được phản ánh là đã bị đô thị hóa một phần. Bên cạnh đó, Huế có đến hai khu phố cổ là Bao Vinh và Gia Hội.
Đối với phố cổ Gia Hội, đây là cả một hệ thống nhà cổ, nhà vườn, chùa chiền, phủ đệ… đặc trưng của người Huế xưa. Còn đối với khu phố cổ Bao Vinh, nơi đây từng là một thương cảng nhộn nhịp nhất xứ Huế, có phần sầm uất hơn cả Hội An của Quảng Nam.
Huế có thế mạnh di sản văn hóa Pháp. Huế hiện có 27 công trình tiêu biểu thuộc thể loại này gồm 11 công trình cơ quan nhà nước quản lý như Đại học Huế, Bia Quốc học, Trường Quốc học, Trường THPT Hai Bà Trưng, trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, dãy lớp học Trường Tiểu học Lê Lợi, dãy lớp học A&B Đại học Khoa học Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, trung tâm Festival, sân vận động Tự Do và 16 công trình thuộc sở hữu các tổ chức gồm: Ga Huế, khách sạn Sài Gòn Morin, nhà hàng Festival Huế, La Residence Hue Hotel & Spa, khách sạn Le Domaine de Cocodo, nhà máy nước Vạn Niên, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam (dòng Khâm Mạng), nhà thờ Giáo xứ Phủ Cam, Tòa Tổng Giám Mục Huế, tu viện Thánh Tâm, Đại Chủng Viện Huế, Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, đan viện Carmel Huế, nhà thờ Phanxico, nhà nguyện (Hội dòng thánh Phao Lô).
Huế có kiến trúc của người Hoa rất tiêu biểu. Chỉ tính riêng con đường Chi Lăng của thành phố Huế ngày nay đã có các công trình kiến trúc người Hoa đẹp không kém cạnh các công trình cùng loại ở Hội An (Quảng Nam). Từ đền Chiêu Ứng, Chùa Bà, Chùa Quảng Đông đến Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Triệu đều được xây dựng rất công phu, uy nghi và tráng lệ.
Huế có chùa Từ Đàm – được xây dựng năm 1690, đời chúa Nguyễn Phúc Thái, với tên gọi ban đầu là Ân Tôn, đến năm 1841 được vua Thiệu Trị đổi tên thành chùa Từ Đàm. Chùa trở thành trung tâm Phật học lớn của cả nước, hàng trăm Niệm Phật đường và các khuôn hội thành lập sau này đều lấy bài trí cấu trúc và cách thờ tự của chùa Từ Đàm làm khuôn mẫu. Nếu như chùa Từ Đàm là “khuôn mẫu” cho hậu thế, thì Chùa Báo Quốc – được xây dựng từ thế kỷ XVII thời chúa Nguyễn Phúc Khoát lại là trung tâm đào tạo tăng tài cho Phật giáo cả nước.
Đặc biệt, chùa trở thành nơi đầu tiên thành lập Trường Sơ đẳng Phật học (1935) và Trường Cao đẳng Phật học (1940) của cả nước. Nhiều ngôi chùa Huế cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục. Đó là, Chùa Thánh Duyên xác lập 2 kỷ lục: Ngôi chùa có pho tượng Thập bát La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất, Ngôi chùa có bộ tượng Thập bát La Hán bằng tre thếp vàng xưa nhất; Chùa Thiên Mụ xác lập 2 kỷ lục: Ngôi chùa có tấm bia thời Lê Trung Hưng lớn nhất Việt Nam, Tháp bát giác cổ cao nhất Việt Nam; Chùa Hà Trung sở hữu 2 kỷ lục: Ngôi chùa có tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam…
Huế có chợ Đông Ba, sánh ngang với chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh). Chợ hình thành từ năm 1899, dưới thời vua Thành Thái, đến nay vừa tròn 120 năm. Chợ sớm trở thành trung tâm thương mại lớn nhất chốn Kinh thành Huế, ảnh hưởng và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế thương mại của các huyện, thị của Huế và các tỉnh miền Trung.
Chợ rộng 22.749m2, có 60 ngành hàng và hơn 2.700 hộ kinh doanh. Bình quân mỗi ngày có từ 5.000 – 7.000 lượt khách đến tham quan mua sắm tại chợ. Vào dịp Tết, lễ có khoảng trên trên vạn khách đến chợ mỗi ngày. Năm 2013, chợ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận “Top 5 chợ đặc trưng ba miền được nhiều du khách đến tham quan mua sắm nhất”. Ngày xưa, ở Huế còn có phiên chợ Gia Lạc rất độc đáo, chỉ mở trong các ngày Tết.
Chợ do Định Viễn Công Nguyễn Phúc Bính (1797-1863), người giàu nhất thời đó lập nên vào Tết Nguyên đán Bính Tuất (1826) dưới thời vua Minh Mạng và tồn tại đến tận năm 1945 khi triều đại phong kiến nhà Nguyễn cáo chung. Chợ không chỉ bán hàng hóa mà còn tổ chức các cuộc thi nấu các món Huế, các trò vui Xuân.
Huế là nơi ra đời chiếc áo dài quốc hồn quốc túy của dân tộc Việt Nam hiện nay. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ năm 1744, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài đã ra đời và trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong.
Sau đó, dưới thời nhà Nguyễn, trang phục này đã lan rộng khắp cả nước, trở thành quốc hồn quốc túy. Trong bài hát Một thoáng quê hương, nhạc sĩ Thanh Tùng khẳng định: “Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu. Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi”.
Huế có hai cây cầu độc đáo. Đó là cầu Trường Tiền và cầu ngói Thanh Toàn. Cầu Trường Tiền là cây cầu đẹp nhất xứ Huế hiện nay, được người Pháp xây dựng thời còn chế độ thuộc địa. Nhiều du khách đã chờ đêm xuống để bắt gặp cầu Tràng Tiền nổi bật và rực rỡ trong bộ cánh lấp lánh đủ sắc màu của muôn ngàn ánh ánh điện lung linh đổi màu liên tục.
Có người vì thế đã ví cầu Tràng Tiền về đêm đẹp như một cầu vồng. Trần Kiêm Đoàn, một nhà nghiên cứu Huế đã từng nhận định rằng: “Trường Tiền là chiếc cầu định mệnh của Huế. Đến Huế mà chưa đứng trên cầu là chưa vô tới Huế, chỉ mới tạt qua Huế mà thôi”. Bên cạnh đó, cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu ngói độc đáo nào của xứ Huế.
So với Chùa Cầu ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), cầu ngói Thanh Toàn đẹp và thanh thoát không kém. Cầu được xây theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu), gồm 7 gian, mái được lợp bằng ngói lưu ly. Bởi thế có câu ca dao: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn, Cho em về với một đoàn cho vui”.
Huế có Ca Huế. Đây là sự giao thoa, tiếp thu văn hóa giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian. Có thể nói Ca Huế đã trở thành “đặc sản” của xứ Huế mộng mơ. Hệ thống bài bản của ca Huế tương đối phong phú với khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam và một hệ thống “hơi” diễn tả nhiều sắc thái tình cảm đặc trưng, kèm theo đó là một cấu trúc chặc chẽ, đòi hỏi kỹ năng biểu diễn điêu luyện của ca công và nhạc công.
Không chỉ cần tập luyện kỹ thuật hát, ca Huế còn đòi hỏi phải có chất giọng địa phương, vì thế nếu không phải là người dân xứ Huế dù có luyện tập thế nào cũng không thể ra được “chất” riêng của ca Huế. Ngày 22.9.2015, Ca Huế được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và sắp tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Huế còn có khu lăng mộ thái giám ở chùa Từ Hiếu, được xem là “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam. Huế còn có “Thành phố lăng mộ” chính là nghĩa địa làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang) được xem là nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam với những ngôi mộ có giá từ hàng trăm triệu đồng cho đến vài tỷ đồng. Bên cạnh đó, Huế còn có tranh dân gian làng Sình và pháp lam Huế, những “chất Huế” rất riêng.
Theo thống kê, Huế chiếm 1.300/1.800 món ăn tại Việt Nam. Bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc nhân tôm, thanh trà, mè xửng, chè hạt sen, ruốc, tôm chua và tré là 10 đặc sản ẩm thực lọt vào top Đặc sản Việt Nam lần thứ nhất (2012). Đặc biệt, bún bò là một trong số 12 món ăn Việt Nam được xác lập Kỷ lục châu Á trong năm 2012.
Bên cạnh đó, có ít nhất 30 đến 50 món chay ở Huế. Hiện nay, đề án “Huế – Kinh đô ẩm thực” đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã được Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế hợp tác với Công ty Cổ phần Đại Nam – Thái Y Viện “khởi động” với mục đích hướng đến sự bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, nâng cao hình ảnh của ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới.