Giới y tế toàn cầu đang hồi hộp theo dõi từng bước đi của virus Ebola, tác nhân từng gây kinh hoàng cho con người vào những năm cuối thế kỷ XX. Theo những dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, đến nay tổng số ca bệnh do virus Ebola đã được xác nhận hay còn nghi ngờ đã lên đến con số 1.323, chủ yếu ở các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone. Chỉ trong vòng bốn ngày, tại ba nước trên, đã có thêm 56 trường hợp tử vong do virus Ebola và 122 trường hợp mới được phát hiện.
Sự lây nhiễm virus Ebola biểu hiện bằng những triệu chứng: sốt, nôn, tiêu chảy và xuất huyết trong một số trường hợp. Trong diễn biến của bệnh lần này, số tử vong lên đến khoảng 60% trường hợp nhiễm bệnh. Bệnh ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 3-2014 tại Guinea và nhanh chóng vượt biên giới sang các nước lân cận. So với trước đây, trong điều kiện sự bùng phát dịch bệnh được định vị khá dễ, lần này dịch bệnh lây lan nhanh khiến các nỗ lực xác định khu vực hoành hành của bệnh trở nên khó khăn hơn. Sự đối phó cả về mặt quốc gia lẫn quốc tế đều không đạt hiệu quả khiến cho dịch bệnh lan nhanh và trở thành mối đe dọa cho một khu vực rộng lớn. Đáng nói hơn nữa, nạn nhân của virus Ebola không chỉ là bệnh nhân châu Phi đang cần sự chữa trị, mà cả những nhân viên y tế và thành viên các nhóm thiện nguyện quốc tế nữa. Trong số 729 người tử vong vì virus này, có nhiều bác sĩ hàng đầu ở Liberia và Sierra Leone, vốn là những nước đang rất thiếu nhân viên y tế cao cấp. Hôm 31-7 vừa qua, Tiến sĩ Thomas R. Frieden, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật của Mỹ (CDC), cảnh báo rằng dịch bệnh do virus Ebola sẽ tiếp tục hoành hành ít nhất từ 3-6 tháng trước khi sự kiểm soát có hiệu quả. CDC khuyến cáo người Mỹ không thực hiện những chuyến đi không thật cần thiết sang ba nước đang bị bệnh hoành hành nặng nhất là Guinea, Sierra Leone và Liberia. Tình huống mà tiến sĩ Friedsen lo ngại nhất là khi các du khách đến những nước này bị bệnh hay bị thương vì một tai nạn nào đó và phải nhập viện, vì nguy cơ họ bị lây bệnh do virus Ebola rất cao.
Về phần mình, các nước Tây Phi đã phát hiện sự tồn tại của virus Ebola cũng đưa ra những biện pháp khẩn cấp tùy theo tình hình của mỗi nước. Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trên toàn đất nước, triển khai nhiều đơn vị an ninh để yểm trợ các nhân viên y tế làm nhiệm vụ chữa trị vẫn thường xuyên bị thân nhân người bệnh đe dọa. Liberia thì đóng cửa trường học, cho các nhân viên nhà nước không làm những việc tối cần thiết được tạm nghỉ trong 30 ngày. Còn Nigeria tuy mới ghi nhận một trường hợp tử vong do virus Ebola, nhưng chính phủ cũng đã ra lệnh cho các sân bay phải kiểm tra thân nhiệt hành khách đến từ những nước có bệnh, xét nghiệm máu những trường hợp có các triệu chứng đáng nghi ngờ. Biện pháp này cũng được áp dụng ở Sierra Leone và Ghana.
Lê Nguyễn tổng hợp