Những ngày vừa qua, đã có hàng trăm người di cư tử vong khi rời bỏ nơi cư trú để tìm sang một vùng đất khác. Đây là một cú sốc rất lớn đối với cộng đồng thế giới và vấn đề người di cư trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo khó giải quyết. Ngày 27-8, 71 người được cho là có quốc tịch Syria được phát hiện đã chết trong một xe chở hàng ở Áo. Khoảng 200 người khác cũng có thể đã chết sau khi hai chiếc tàu bị chìm ngoài khơi Libya. Phát biểu trước những sự kiện bi thảm trên, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho rằng điều này đang gây kinh hoàng và đau đớn. Nhận định rằng phần lớn số người tỵ nạn xuất phát từ những nơi có nhiều cuộc xung đột, giao tranh như Syria, Iraq và Afghanistan, ông Ban đưa ra một yêu cầu khẩn thiết: “Cộng đồng quốc tế phải quyết tâm hơn trong việc giải quyết các cuộc xung đột và nhiều vấn đề khác đã buộc người tỵ nạn có rất ít sự lựa chọn ngoài việc bỏ nước ra đi”. Đồng thời ông cũng kêu gọi các nước không buộc người tỵ nạn phải trở lại nơi mà từ đó họ đã ra đi. Cũng đồng tình với Tổng thư ký LHQ, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng bạo lực và sự bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông không chỉ gây ra tình trạng bất ổn ở khu vực có liên quan, mà còn tác động lên nhiều vùng khác trên thế giới, trong đó có châu Âu.
Sự kiện người tỵ nạn ùn ùn đổ sang nhiều nước châu Âu kéo theo một tệ nạn khác đáng khiếp sợ hơn, đó là nạn buôn người. Cảnh sát Ý vừa bắt giữ 10 nghi phạm buôn người sau khi phát hiện 52 người chết trên một boong tàu ngoài khơi Libya vào ngày 26-8. Trong khi đó, cảnh sát Hungary cũng bắt giữ bốn người sau khi phát hiện 71 xác người di cư trong một xe chở hàng bỏ hoang ở Áo, gần biên giới với Hungary. Một trong những nước châu Âu đang bối rối với bài toán người tỵ nạn là Áo. Chỉ với một dân số 8,5 triệu, họ phải đối mặt với yêu cầu tỵ nạn của 80 ngàn người trong năm nay. Trung tâm tỵ nạn chính của Áo là Traiskirchen bị quá tải đến nỗi hàng trăm người phải ngủ bên ngoài. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã gọi điều này là “đáng xấu hổ”. Nhiều người tình nguyện đến các trung tâm định cư để giúp người tỵ nạn, trong khi một số người khác cho rằng cần phải ngăn chặn dòng người tỵ nạn. Các đảng phái cực hữu ở Áo chủ trương rằng đã có nhiều người nước ngoài định cư rồi, nên kiểm soát các hoạt động ở biên giới, tránh làn sóng người tỵ nạn tràn qua. Chính phủ Áo lại không muốn làm như thế, họ cho rằng vấn đề không thể được giải quyết đơn lẻ mà cả châu Âu cần chia sẻ gánh nặng người tỵ nạn đang đông dần lên mỗi ngày. Chỉ trong tháng qua, đã có 107.500 người vượt qua biên giới các nước châu Âu, không ít người phải trả những khoản tiền khổng lồ cho bọn buôn người để được chúng đưa qua biên giới trót lọt. Theo Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR), trong năm 2015, đã có 2.500 người chết khi cố gắng xâm nhập châu Âu, chưa kể số người chết đã được phát hiện trong những ngày qua. Điều này cho thấy trách nhiệm của các nhà cầm quyền châu Âu đối với vấn đề người tỵ nạn đang ngày càng nặng nề hơn và đúng như ông Ban Ki-moon đã phát biểu, nếu cuộc “khủng hoảng đoàn kết” chưa được giải quyết thì châu lục này sẽ phải đứng trước thảm họa người tỵ nạn.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)