Theo một cuộc nghiên cứu mới đây của Đại học Nottingham (Anh) và Đại học California (Mỹ), cá tính không chỉ ảnh hưởng đến cách mà chúng ta liên hệ với cuộc sống, đến bạn bè mà chúng ta có, đến công việc mà ta phù hợp mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cuộc nghiên cứu này tập trung vào những dạng cá tính phổ biến như hướng ngoại, tận tâm, người hay lo lắng và người luôn làm vừa lòng người khác. Có loại cá tính dễ chống lại bệnh tật, viêm nhiễm hơn trong khi có loại cá tính dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, viêm khớp, tiểu đường và ung thư. Mức độ ảnh hưởng cụ thể là không rõ ràng. Tuy nhiên, việc hiểu được cách mà cá tính hình thành nên sức khỏe sẽ giúp chúng ta phần nào thay đổi được kết quả cuối cùng. “Dù việc thay đổi cá tính là rất khó, nhưng nếu biết được cách thức mà cá tính ảnh hưởng đến hành vi, bạn có thể chọn một lối sống lành mạnh hơn và ảnh hưởng tích cực hơn cho sức khỏe”, Ann Macaskill, giáo sư về tâm lý sức khỏe ở Đại học Sheffield Hallam, giải thích.
Người hướng ngoại
Nếu bạn luôn cởi mở, có lẽ hệ thống miễn dịch của bạn sẽ mạnh hơn và khả năng kháng bệnh cao hơn, nghĩa là bạn ít bị cảm, cúm và phục hồi nhanh hơn khi bị nhiễm bệnh hay chấn thương.
Những rủi ro cho sức khỏe: Thức khuya, uống rượu bia và có lẽ thói quen xấu trong ăn uống sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, khiến bạn có nguy cơ bị quá cân, huyết áp cao, bệnh tim và ung thư.
Gợi ý về lối sống tốt cho sức khỏe: Hằng tuần, nên dành ít thời gian nghỉ ngơi ở nhà và ăn nhiều rau lá xanh, hạt và các loại quả mọng (là những loại thực phẩm giàu chất kháng viêm). Nên bắt đầu hình thành một thói quen mang lại sự tĩnh lặng chẳng hạn như đi bộ trong không gian ngoài trời. Thoạt đầu, thói quen này có thể khó thực hiện với người hướng ngoại, nhưng sẽ giúp họ “lập trình” lại não, để họ không mãi tìm kiếm một môi trường “quá kích động”, có thể tác động xấu đến sức khỏe về lâu về dài.
Người luôn làm vừa lòng người khác
Nếu bạn thường xuyên coi trọng người khác hơn bản thân mình, tránh đối đầu và giúp đỡ người khác bằng mọi giá, có lẽ bạn thuộc týp người “luôn làm vừa lòng người khác”. Bạn có thể không thích giao du quá nhiều và thích ở nhà vào ban đêm thay vì ra ngoài với một nhóm bạn. Cá tính thích làm vừa lòng người khác cũng có nghĩa là bạn dễ làm theo chỉ dẫn của bác sĩ và điều này sẽ bảo vệ bạn khỏi những căn bệnh trong ngắn hạn.
Những rủi ro cho sức khỏe: Quá say sưa làm người khác hài lòng cũng khiến bạn dễ mắc phải những bệnh liên quan đến stress và cân nặng như tiểu đường hay béo phì. Những người này có thể cố ăn hết một món tráng miệng để làm bạn bè cảm thấy thoải mái.
Gợi ý về lối sống tốt cho sức khỏe: Tập trung tạo thói quen tự chăm sóc bản thân chẳng hạn như mát-xa hay tắm muối hằng tuần để mang lại sự bình tĩnh và thư giãn. Và trên hết, hãy học cách nói “không”. Mỗi tuần một lần, hãy thực hành nói “không” với điều gì đó mà không cần phải tự bào chữa. Dần dần, chuyện này sẽ trở nên dễ dàng hơn và bạn sẽ có được thời gian dành cho bản thân.
- Xem thêm: Chăm sóc sức khỏe lá phổi qua thực phẩm
Người tận tâm, có óc xét đoán
Bạn là người tận tâm trong công việc và các mối quan hệ? Hóa ra cách sống này không chỉ tạo nghiệp tốt cho bạn mà cũng giúp bạn có được sức khỏe tốt. “Những người có cá tính này thường kiểm soát tốt hơn những thôi thúc bản năng và dễ thực hành lối sống lành mạnh”, giáo sư Ann Macaskill nói. Nhờ thế, họ sẽ được bảo vệ trước những căn bệnh như huyết áp cao, bệnh tim và béo phì.
Những rủi ro cho sức khỏe: Bản chất liên tục phấn đấu và đặt ra mục tiêu cao khiến họ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa và bệnh mạn tính như ung thư. Đòi hỏi cao và quá tập trung vào công việc có thể gây hại cho sức khỏe nếu họ không sớm bắt đầu quan tâm đến điều này.
Gợi ý về lối sống tốt cho sức khỏe: Nên đưa thiền định vào lịch trình hằng ngày. “Bắt đầu với năm phút thiền định mỗi ngày sẽ mở ra cánh cửa cho một thói quen mới tốt cho sức khỏe”, Ariana Huffington, nhà sáng lập trang Huffington Post, gợi ý. “Cũng nên tắt các thiết bị kỹ thuật số vào ban đêm để giúp bạn ngắt kết nối với công việc và lấy lại tinh thần”. Ăn các loại thực phẩm giàu magiê như rau lá xanh, hạt, dầu cá sẽ giúp giảm nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa.
Người hay lo
Nghiên cứu của trung tâm y khoa thuộc Đại học Rochester (New York) cho thấy có hai dạng người hay lo: lành mạnh và ám ảnh. Dạng thứ nhất ít có nguy cơ mắc phải những vấn đề sức khỏe mạn tính như hen suyễn, viêm khớp, đột quỵ và ung thư vì họ tích cực thực hành lối sống tốt cho sức khỏe, thường xuyên tập thể dục và ăn uống lành mạnh.
Những rủi ro cho sức khỏe: Các bệnh về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm và cô độc đều liên quan đến những người lo lắng một cách ám ảnh, thái quá, họ cũng có xu hướng “tự điều trị” bằng lối sống không lành mạnh như uống rượu, ăn quá nhiều và lạm dụng thuốc.
Gợi ý về lối sống tốt cho sức khỏe: Đừng cố giả vờ rằng bạn không phải là một người hay lo, mà cần hành động cụ thể để cá tính này không thể kiểm soát bạn. Lee Crutchley, tác giả quyển How to be happy (or at least less sad) khuyên: “Tạo một khung giờ khoảng 20 phút mỗi ngày “dành để lo” và nếu như bạn lại lo lắng về điều gì nữa ngoài khung giờ này, hãy ghi lại và tập trung sau đó. Chuyện này nghe có vẻ buồn cười nhưng nếu mỗi ngày bạn tự ý thức và cố gắng đưa tất cả nỗi lo vào một cái khung, bạn sẽ thấy mình được giải phóng và tránh để sự lo lắng làm chủ cuộc sống của bạn”.
– Theo Express