Mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường đến Suối Tiên (Quận 9) để thăm lão bạn về hưu, uống rượu đế, nhai khô mực, vẽ ký họa, trò chuyện về thời sự, về nhân sinh quan, về đủ mọi chuyện… Lão bạn hóm hỉnh, uyên bác và có những nhận xét khách quan về xã hội. Tối nay lão rủ tôi ngủ lại, ra quán nhâm nhi cà phê bên vệ đường.
Xong cà phê, trở vào căn nhà nhỏ, chúng tôi ngồi nhìn ra bờ suối. Sông suối dường như có sự mộng mị… Ánh đèn vàng hắt lên dòng suối một màu vàng mê hoặc, mưa lớn dần, tiếng suối chảy, tiếng mưa rơi không làm giọng nói sang sảng của lão nhỏ đi:
– Mưa vầy làm cây xanh tươi tốt he. À, nói đến cây xanh tui mới nhớ. Hàng cây sọ khỉ trồng ở đường Tôn Đức Thắng, được đánh số lưu trữ, một giống cây được nhập về từ châu Phi, cây gỗ lớn, hạt nảy mầm khỏe, bộ rễ lớn, trồng bài bản, phân bổ hợp lý từ trung tâm đến xưởng Ba Son. Đường Tôn Đức Thắng là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn, lộ giới lớn từ 25m – 34m, có 3 làn đường, lề đường rộng dành cho bộ hành, xe ngựa, xe lôi và xe cơ giới.
Vườn Ông Thượng, vườn Bờ-rô bây giờ là vườn Tao Đàn, một khu vườn trung tâm thành phố (Jardin de la VIille) được so sánh như “rừng Boulogne của Sài Gòn”, vườn là một phần của dinh Toàn quyền, sau đó làm đường Huyền Trân Công Chúa để tách ra thành vườn độc lập, dành làm công viên cho thành phố.
Thảo Cầm Viên hay vườn Bách Thảo là cái nôi cây xanh thành phố; nơi ươm giống, thử nghiệm, lưu trữ nhiều giống cây khắp nơi trên thế giới để tìm cây phù hợp trồng dọc các lề đường của thành phố. Hiện nay, Thảo Cầm Viên còn lưu giữ khá nhiều loài cây thân gỗ thân cột có tuổi trên 200 năm như cây mét, tung, sống rắn thơm, giáng hương, sọ khỉ…
Có thể nói ông J.B. Louis Pierre từ Ấn Độ về phụ trách vườn Bách Thảo, chính là người tạo ra cây xanh đô thị cho Sài Gòn đầu tiên từ thời khai phá. Nhiệm vụ của ông là sưu tầm các loài thực vật, động vật của 3 nước Đông Dương đem về Pháp và cũng du nhập các giống cây trên thế giới về trồng thử nghiệm ở Thảo Cầm Viên, nhân rộng ra những cây thích hợp cho đường phố Sài Gòn.
Công lao của ông để lại với hơn 10.000 mẫu vật, những loài cây 100 tuổi trồng khắp các con đường nổi tiếng trong vườn Tao Đàn, dinh Toàn quyền và các con đường ở quận huyện ven Gò Vấp, Chợ Lớn đã tạo ra một thành phố cây xanh tuyệt vời, sau này được xưng tụng là Hòn ngọc Viễn Đông.
Thấy tôi hứng thú với câu chuyện về cây xanh Sài Gòn, lão dừng lại, với tay lấy tập sách nhỏ, mở vài trang, giọng cảm thán:
– Thời còn đương chức, Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore thật sự là một con người của hành động và rất quan tâm đến môi trường. Ông đã mời một người bạn là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu cây xanh đến văn phòng thủ tướng và bố trí phòng làm việc gần ông. Hàng ngày, người bạn cùng ông trao đổi thông tin, bàn bạc nên trồng chủng loại cây nào phù hợp với không gian nào, nên trồng cỏ gì hay tưới nước ra sao.
Chỉ trong vài năm, đất nước này đã trở thành thành phố xanh với tỷ lệ cây xanh trên đầu người vào loại cao nhất thế giới, hợp lý đến từng cm2 ở các không gian công cộng, cho đến khu ở, khu làm việc, mua sắm. Trong khi đó ở Việt Nam, một thời gian dài, cây xanh, công viên, thảm cỏ bị bỏ quên. Vấn nạn ô nhiễm không khí do thiếu cây xanh ở hàng loạt các đô thị, những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…
- Xem thêm: Những mảnh vỡ và nơi ký ức neo đậu
Hai thành phố này được mệnh danh là trung tâm của cả nước nhưng cây xanh bình quân chỉ đạt 2m2/người, bằng 1/10 – 1/20 trên thế giới (Berlin – Đức là 50m2/người, Moscow – Nga là 44m2/người, Paris – Pháp là 25m2/người…). Các thành phố miền Trung và miền núi cũng vậy, Đà Nẵng được đánh giá là phát triển đô thị tốt nhất Việt Nam nhưng cây xanh chỉ đạt 0,5m2/người và phần lớn diện tích đất còn lại dành cho các dự án phân lô!?
Vậy mà khi quy hoạch tại các đô thị, chẳng hiểu theo nguyên tắc nào, các cơ quan quản lý lại cộng các vùng ven, ngoại thành và nông thôn vào bản đồ để tính mật độ cây xanh bình quân cho thành phố. Một cách làm máy móc, từ đó hình thành diện tích cây xanh… tưởng tượng. Điều này khiến cho quy hoạch cây xanh của Việt Nam đang trở thành “vấn nạn”, là vấn đề bức thiết cần phải điều chỉnh lại từ nhiều hướng.
Đáng lo hơn, cây xanh lại được “ưu tiên” trồng trong những dự án mới, dải phân cách xem ra còn tùy tiện. Như ở thành phố Đà Nẵng, người ta trồng cây trúc đào – một loại cây cực độc. Rồi trồng sò đo cam – một loại cây xâm hại, làm biến đổi hệ sinh thái mà tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt vào danh sách 100 loại sinh vật ngoại lai, đe dọa đa dạng sinh học bản địa.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, đường Điện Biên Phủ, một trong những tuyến đường lớn của thành phố, người ta lại chọn trồng cây cau, tán nhỏ; còn ở lề đường trên những cây cầu nhỏ hẹp, người ta chọn trồng dây leo, dàn hoa rườm rà đến nhức mắt. Cây xanh trong đô thị, cái cần là ở tán lá, vừa để che bóng mát vừa để điều hòa không khí. Khi xây dựng các cao ốc, siêu thị, người ta tìm cách di dời những cây cổ thụ trăm tuổi để mặt bằng được rộng rãi, thoáng hơn và biện giải rằng sẽ thay thế bằng những mảng xanh khác đẹp hơn, ở vị trí hợp lý hơn.
Hiểu ý tôi, lão bạn nhấp một ngụm trà, bảo:
– Ứng xử với cây xanh như thế nào sẽ nói lên mức độ quan tâm đến mảng xanh của thành phố, đất nước đó. Con người sống gần gũi thân thiện với môi trường, với thiên nhiên thì tính khí họ cũng sẽ thân thiện, hiền hòa hơn là sống chen chúc trong môi trường bê tông hóa, xô bồ chật chội.
Bài học cần rút ra là có những công việc không thể làm tập thể, không thể dùng đám đông để sáng tạo; mà phải giao cho một người chịu trách nhiệm thực hiện, sáng tạo, điều hành… Đó là cách mà Singapore đã làm trong 11 năm qua và họ đã có được một thành phố xanh đúng nghĩa mà thế giới ngưỡng mộ.
Lão Tử nói: “Người nào trồng một cái cây, người đó có cả bầu trời”, còn nhà báo Mỹ Julius Sterling Morton phát biểu: “Những ngày lễ khác để hồi tưởng quá khứ, ngày cây xanh là để hướng tới tương lai”, hay thông điệp của Tổ chức Hòa bình xanh: “Chỉ khi nào cây xanh cuối cùng khô héo, dòng sông cuối cùng bị đầu độc, con cá cuối cùng ra đi, bạn sẽ nhận ra rằng tiền không ăn được”.
Cảm giác chìm dần với bức bối quy hoạch cây xanh TP Hồ Chí Minh, lão bạn nhấp thêm ngụm trà rồi lan man chìm vào giấc ngủ. Căn nhà nhỏ ngoại thành của lão chỉ còn nghe tiếng ếch kêu. Tôi đứng dậy, nhìn ra cửa sổ, ánh sáng của Khu Du lịch Suối Tiên vẫn rực rỡ sắc màu xa xa, tôi cảm nhận được mùi của mưa đêm, mùi của cây xanh và những nỗi buồn bất tận về quy hoạch.
***
Dưới tán cây, chiếc nón lá che kín mặt, gánh hàng rong chất đầy vật dụng, thức ăn, trái cây và cả những nhu yếu phẩm mang từ quê lên thành thị. Những khuôn mặt chất phác rám nắng, nụ cười hiền hậu khi được người qua đường vẫy tay mua hàng, tiếng rao nghe day dứt và nhẫn nhịn. Mỗi góc vỉa hè trống, họ nhường nhau buôn bán và kể cho nhau nghe những chuyện quê mình, về những ngày rong ruổi mưu sinh. Họ ngồi bệt trên những trụ đèn khi mệt, bên những hàng hiên nhà để trú mưa rồi lại tần tảo rảo bước nhanh khi bán được hàng hay thất thểu bước chậm, trĩu nặng đôi vai khi hàng họ ế ẩm.
Họ về xóm trọ ngã lưng khi phố đã lên đèn, khi trên đường mọi người cùng chở nhau đi mua sắm, ăn tối… Họ vuốt ngay thẳng những đồng tiền kiếm được trong ngày, chia năm xẻ bảy bộn bề lo toan. Họ là những người mẹ, người chị, người em của làng quê Việt. Họ tập trung về Sài Gòn kiếm sống, ước vọng cho những đứa con được cơm no áo ấm, được cắp sách đến trường. Tôi cảm nhận đàng sau những thân phận đó là một vẻ đẹp thánh thiện, chân chất, trắc ẩn- một hình ảnh sống động, đầy sức sống của dân tộc Việt. Một vẻ đẹp phụ nữ không nơi nào có được!
Muôn nẻo Sài Gòn đã vương lại những bước chân, giọt mồ hôi, hơi thở nhọc nhằn của họ. Họ phải “gánh” luôn cuộc sống người thân sau lưng.
Những rổ chứa vài củ khoai lang lủng lẳng dưới đôi vai gầy guộc, những quang gánh nặng trĩu trên vai mẹ tảo tần nuôi đàn con khôn lớn. Những cái chợ không tên mọc lên khắp phố phường, những vỉa hè đông người qua lại, những bóng đèn đường đồng hành cùng người thợ sửa xe góc đường hay cô gái bán vé số trầm tư bên lan can cầu sắt…
Hình ảnh người bán hàng rong lưu dấu khắp nơi trên đất Sài Gòn, và trên cả nước Việt thân yêu này. Trông quá đỗi thân yêu, quá đỗi bình thường. Hồn đô thị sẽ trở nên hụt hẫng khi vắng bóng họ. Chỉ có điều đâu đó vẫn còn hình ảnh những giọt nước mắt mưu sinh trên gương mặt hốc hác dãi dầu, những đôi dép nhựa mòn, những nón lá ngả màu sương gió…
Đừng bỏ quên họ nhé với những bản vẽ quy hoạch xanh đỏ tím vàng… Hầu hết những bản vẽ quy hoạch Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh hiện nay còn thiếu “bóng dáng” dành cho người buôn thúng bán bưng tìm về thành phố làm ăn, sinh sống. Thực tế, người tạm cư cả nước tìm về Sài Gòn làm ăn, sinh sống với những gánh hàng rong cũng làm nên nét văn hóa đặc trưng Sài Gòn. Người làm quy hoạch có tâm có tầm và yêu văn hóa Sài Gòn không thể bỏ quên lực lượng lao động này.
Những nhà quản lý, nhà kiến trúc quy hoạch… hãy quan tâm đến việc tạo một không gian, một nơi phù hợp ở mỗi con đường, mỗi khu phố dành cho người tạm cư kiếm sống. Những khu đất trong khu phố, trên các con đường lớn với diện tích vừa phải được cung cấp điện nước, làm cống rãnh, vệ sinh sạch sẽ… dành riêng cho những người bán hàng rong họp chợ theo giờ cũng là một quy hoạch ân tình của người Sài Gòn, cho TP Hồ Chí Minh ngày càng bản sắc hơn. Để người tạm cư không nghĩ mình là những công dân hạng hai hạng ba, để TP Hồ Chí Minh không phải chênh vênh với thuộc tính vốn nhân nghĩa tự bao đời.