Cây chuối được trồng ở nhiều vùng ở Việt Nam và được sử dụng rất nhiều trong ẩm thực, nhưng chỉ với người Cơtu (Quảng Nam) cây chuối mới được chế biến thành nhiều món ăn rất đa dạng. Đầu tiên là hoa chuối (bắp chuối) được sử dụng để làm các món rau: thái nhỏ ngâm nước muối, trộn với các loại rau rừng để ăn sống; cắt khúc nấu với bột ngọt, ớt, tiêu rừng…, có khi thêm thịt thú rừng hoặc cá vào để tăng hương vị. Hoa chuối còn là nguyên liệu quan trọng để làm món zờrá truyền thống, nổi tiếng của người Cơtu: xé nhỏ phần non cho vào trong ống lồ ô nấu cùng với thịt kỳ nhông, tiêu rừng, ớt đỏ, cá khô, muối… rồi dùng cây mây cà nhuyễn cho chín đều mới đổ ra ăn.
Nấu ăn với ống lồ ô
Quả chuối xanh dùng làm món xào bằng cách gọt bỏ vỏ, thái mỏng xào với mỡ heo (được giết thịt từ các lễ hiến sinh, ngày lễ, tết và dự trữ trong ống lồ ô) thêm gia vị như muối, ớt, tiêu, bột ngọt… Hoặc nấu canh với các loại gia vị. Quả chuối chín được bà con dùng làm rượu, cách thức tương đối giống người Kinh (ngâm chuối với rượu).
Cà nhuyễn món zờrá bằng dây mây
Các món nấu làm từ thân cây chuối: phần nõn của thân chuối cũng được dùng làm món zờrá nhưng với nguyên liệu khác phù hợp và ngon hơn: thịt chuột đồng, chim, gà rừng…, thêm tiêu rừng, ớt, bột ngọt, củ kiệu… Nếu là thân chuối non thì chỉ bỏ lớp ngoài cùng rồi thái thật mỏng làm món trộn với các loại rau khác, khi có thêm nhộng ong để trở thành món nộm đặc sắc. Những khi thiếu thức ăn, hoặc đi rừng không có thức ăn người Cơtu còn nấu canh với củ chuối nằm sâu dưới đất, phải đào lên, sơ chế cho sạch và trắng.
Cuối cùng, cũng giống như người Kinh, lá chuối được dùng để gói bánh.
Trương Văn Long