Câu chuyện tác giả trẻ Huyền Chip (Nguyễn Thị Khánh Huyền) xuất bản tác phẩm mới và những tranh cãi xung quanh cuốn sách này gần đây khiến tôi khá quan tâm. Nội dung cuốn sách mang tên Đừng chết ở châu Phi kể về những chi tiết cuộc hành trình của tác giả ở châu lục này. Tuy nhiên, có vẻ như rất nhiều người không tin vào câu chuyện của cô, đặc biệt là phần đi du lịch 25 nước chỉ với 700 USD. Họ cho rằng với khoản tiền ít ỏi ấy, cô khó mà có thể sinh sống và đi du lịch như những gì cô kể trong sách, ngay cả khi cô đã nói rõ rằng đấy chỉ là khoản tiền khởi đầu và sau đó cô đã tìm việc làm thêm ở mỗi nước mình đến.
Cuộc hành trình của cô kết thúc sau khi cô bị từ chối visa vào Nam Phi ba lần và buộc phải quay về Việt Nam. Cô cũng thừa nhận mình có nhập cảnh vào một vài quốc gia một cách bất hợp pháp nhưng cô không đưa vào sách vì đó là câu chuyện riêng tư. Sau khi sách ra mắt, Huyền Chip đã bị khá nhiều người chỉ trích, thậm chí là công kích một cách cay độc. Liệu điều này có công bằng với một tác giả trẻ?
Việc chỉ trích có vẻ thật dễ dàng, nhất là khi người ta chỉ cần ngồi sau chiếc máy vi tính. Tôi tự hỏi tại sao những người ấy không thực hiện một chuyến hành trình tương tự để khám phá sự thật. Tôi rất mong được đọc sách của những người phê bình Huyền Chip để xem liệu họ có thể kể những điều thú vị về cuộc sống của mình không.
Một số ý kiến cho rằng cuốn sách của Huyền Chip sẽ khuyến khích việc đi du lịch nguy hiểm. Thực tế cho thấy những người trẻ tuổi luôn muốn được đi đây đi đó và chẳng ai có thể đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho bất kỳ ai. Huyền Chip không khuyến khích mọi người làm theo mình. Cô ấy tâm sự rằng: “Mọi người đều có hướng đi riêng của mình. Tôi chỉ muốn là một người chia sẻ kinh nghiệm về những vùng đất tôi đã đến”.
Huyền Chip đã cho mọi người xem các visa trong hộ chiếu để làm bằng chứng nhưng từ chối cho nhà báo chụp lại hộ chiếu của mình. Điều này cũng hợp lý thôi. Nếu là tôi, liệu tôi có để giới báo chí chụp ảnh lại hộ chiếu của mình không? Đương nhiên là không.
Nhiều người phàn nàn rằng độc giả có quyền được biết sự thật bởi vì đây là một cuốn sách chứ không phải blog. Thật vậy sao? Liệu có chăng một cuốn hồi ký hay tiểu sử của ai đó hoàn toàn đầy đủ và chính xác? Sự thật sẽ tùy thuộc vào tác giả và những gì họ nhớ về những sự kiện trong quá khứ.
Tất nhiên, Huyền Chip vẫn có nhiều người hâm mộ. Không ít độc giả bày tỏ sự ngưỡng mộ với sự dũng cảm và tinh thần của cô. Với tôi, Huyền Chip là một cô gái trẻ đáng quan tâm và tôi tin rằng cô sẽ có một cuộc sống thú vị phía trước. Hãy động viên và cầu chúc may mắn cho những cuộc phiêu lưu tiếp theo của cô. Biết đâu Việt Nam sẽ có một tác giả bán được sách trên thị trường thế giới nếu Huyền Chip tiếp tục con đường mình đang đi.
Lê Tâm dịch