Những người đã từng ói ra mật xanh mật vàng và thắc thỏm nín thở trước cuồng phong để vượt biển ra Trường Sa thường hay đùa nhau “bất đáo Trường Sa phi hảo hán”. Ngoài lòng can trường trên đầu sóng ngọn gió, nó còn được hiểu theo rất nhiều nghĩa về trách nhiệm công dân và chủ quyền Tổ quốc. Tuy nhiên, dù thế nào thì tận sâu trong trái tim ai cũng có biết bao kỷ niệm đẹp về hải trình thiêng liêng này.
Nhà giàn DK1, nơi quần tụ rất nhiều cá và ngư dân
Tôi may mắn được là nhà báo thăm đảo trên chiếc tàu HQ966 khởi hành từ Cam Ranh để thực hiện hải trình thăm Trường Sa mùa hè. Ngoài các nhà báo phía Bắc và TP.HCM, chuyến đi này còn có nhiều hành khách là đại biểu các địa phương và văn công ra biểu diễn “đãi” lính đảo xa nhà. Sau gần hai đêm một ngày, tàu đã tiến vào bãi rạn Song Tử Tây. Thăm hỏi, chia sẻ niềm vui hội ngộ, nỗi buồn tạm biệt với chiến sĩ trên đảo một ngày, tàu lại rẽ hướng sang các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây…
Tranh thủ buông câu lúc đợi về tàu
Ngoài những giờ phút xúc động được đặt chân lên đảo, được chạm sờ vào bia đá chủ quyền, siết tay người lính hải quân dưới tán cây phong ba, thì ngay cả thời gian ở tàu cũng có nhiều cảm xúc khó quên. Đó là những ngày sóng gió, tàu không thể cập đảo được hoặc neo chờ ngày mới để đặt chân lên đảo theo đúng hải trình được vạch chi tiết chính xác từng giờ như kế hoạch hành quân. Những lúc ấy, nhiều người đã tranh thủ buông câu, săn cá đại dương để thấm thía tận cùng sự thú vị của biển cũng như hiểu rõ hơn chủ quyền Tổ quốc. Ai đã từng có thú vui làm cần thủ chắc chắn sẽ cảm nhận được cảm xúc đặc biệt của thú buông câu ngay giữa Trường Sa. Mọi người đều tin rằng biển Trường Sa với nhiều khu vực đáy nông sâu khác nhau, bãi rạn san hô, đảo chìm, đảo nổi là nơi quần tụ lý tưởng của các loại cá biển quý giá. Đặc biệt ngay dưới chân các nhà giàn DK1 được dựng lên bằng sắt thép giữa đại dương cũng là nơi quần tụ rất nhiều cá. Các anh lính hải quân trên nhà giàn tếu táo rằng người buồn, cá cũng buồn và tìm đến kết bạn với nhau…
Mải mê quên cả thời gian những lúc không được lên đảo thăm lính
So với thú vui câu cá sông hồ trong đất liền, cần thủ giữa Trường Sa được trải nghiệm nhiều cảm xúc khác hẳn. Dây câu chỉ dài đâu chừng… vài trăm mét. Chì làm chìm lưỡi câu cũng chỉ nhè nhẹ tầm… 0,5kg. Tuy nhiên cần câu máy, câu tre gì đó thì chả ai cần thiết. Sẽ thật là buồn cười khi ở giữa đại dương rồi mà còn phải mím môi quật cần, quăng lưỡi câu để cho xa bờ như đi câu ở sông hồ đất liền. “Đồ nghề” cần thủ Trường Sa chỉ đơn giản là cuộn dây câu cho dài chắc, lưỡi câu cho cứng, còn mồi thì sẽ tự “sản xuất” từ những chú cá nhỏ câu được. Còn cá ở đại dương này thì chắc chắn ngoài ngư dân ra, tất cả những hành khách trên tàu HQ đều tròn mắt với hết thú vị bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ cá thu, cá ngừ, cá nục, cá hồng, cá đuối… đến rất nhiều loài cá xanh, đỏ, tím, hồng tuyệt đẹp mà không thể có người nào trên tàu đủ “thông thái” để biết tên chúng. Ngay cả cảm giác giật câu, kéo cá cũng thật thú vị. Có người vừa tí tởn kéo cá chưa lên khỏi mặt nước thì lại bị một loài cá “sát thủ” gì đó của đại dương tớp giành. Có khi chúng mắc luôn vào lưỡi câu đang dính chú cá trước. Có lúc hàm răng sắc bén chúng lại cắn ngang như vết dao tiện ngọt đứt đôi chú cá đã dính câu. Ai cũng ngẩn ngơ kỳ lạ với cảm giác kéo câu lên mà chỉ thấy còn nửa thân cá lủng là lủng lẳng, nửa thân kia đã biến đâu mất rồi dưới đáy nước sâu thẳm…
Chỉ có ra Trường Sa, dân đất liền mới câu được những con cá đẹp kỳ lạ thế này
Cô gái đi thăm đảo lính xinh và con cá cũng xinh
Thôi thì ngoài giờ thăm đảo, thăm chiến sĩ hải quân, cứ tranh thủ buông câu, buông câu và buông câu để thấu cảm đến tận cùng sự bao la và giàu có tài nguyên biển cả của chúng ta…
Quốc Minh
[custom_gallery style=”1″ source=”post” link=”image” description=”0″ size=”170×170″ limit=”20″]