Trong lúc phải góp phần giải quyết những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trên thế giới, Liên Hiệp Quốc (LHQ) lại đứng trước nguy cơ bị Mỹ cắt giảm mạnh phần đóng góp của họ. Hậu quả của việc cắt giảm sẽ gây nhiều tác hại cho hoạt động của tổ chức quốc tế này, vì từ lâu Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách điều hành của LHQ. Ngày 16-3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố bản dự trù ngân sách đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, trong đó có ít nhất hai sự kiện được các nhà bình luận soi kỹ, một là sự cắt giảm 29% ngân sách Bộ Ngoại giao và hai là sự cắt giảm 31% ngân sách của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA). Mặc dù chưa có chi tiết nào được tiết lộ về những khoản cắt giảm trên, vì còn phải chờ sự chuẩn y của Quốc hội Mỹ, nhưng các nhà phân tích nhanh chóng dự đoán rằng trong ngân sách dự kiến cho Bộ Ngoại giao Mỹ, khoản dành cho các hoạt động của LHQ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Động thái này của tân chính phủ Mỹ diễn ra giữa lúc LHQ bận giải quyết những cuộc khủng hoảng đang diễn ra khắp nơi, trong đó có 20 triệu người đang đứng trước nguy cơ bị đói kém ở Nigeria, Somalia, Nam Sudan và Yemen. Mặt khác, số người phải rời bỏ nơi cư trú vì chiến cuộc và những tai ách khác đang ở con số cao nhất trong những năm qua.
Trên thực tế, ngoài Mỹ ra, các nước châu Âu cũng có những khoản đóng góp lớn cho LHQ, thậm chí lớn hơn cả Mỹ nếu chia đều trên dân số của mỗi nước. Tuy nhiên, sự cắt giảm khoản đóng góp của Mỹ sẽ đặt các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trước yêu cầu phải đóng góp nhiều hơn trong điều kiện một số nước đang chuẩn bị những cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay. Mới đây, Hà Lan kêu gọi các nước ủng hộ chương trình sức khỏe sinh sản và phá thai an toàn mà đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu đóng góp 600 triệu USD. Riêng với Bắc Kinh, một chuyên gia về Trung Quốc là Deborah Brautigam cho rằng khó xảy ra chuyện nước này tăng phần đóng góp, bù đắp vào khoảng trống do Mỹ để lại, vì hiện giờ Trung Quốc cảm thấy “rất thoải mái” với cương vị của họ tại LHQ. Cương vị đó là một chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an và chính sách phát triển của LHQ đưa Trung Quốc vào danh sách các nước ưu tiên công nghiệp hóa. Từ trước đến nay, hai cơ quan LHQ từng nhận được nhiều tài trợ từ Mỹ là Chương trình Lương thực Thế giới có chức năng hỗ trợ lương thực khẩn cấp, và Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR). Nay với những sắc lệnh hạn chế người nhập cư của Mỹ, điều có thể tiên đoán là Mỹ sẽ không còn cảm thấy việc tài trợ cho UNHCR là một yêu cầu khẩn thiết nữa.
Trước tình hình trên, ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres công bố lời biết ơn của ông Guterres đối với sự hỗ trợ của Mỹ trong thời gian qua và cam kết sẽ cải tổ bộ máy tổ chức này nhằm mang lại hiệu năng hoạt động và giảm thiểu các chi phí điều hành. Ông Dujarric cũng nói thêm rằng việc Mỹ cắt giảm đột ngột kinh phí buộc LHQ phải áp dụng những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác hại gây ra cho các chương trình dài hạn.
- Lê Nguyễn tổng hợp