Cổ phiếu giá rẻ (penny stock) là một trong những loại cổ phiếu được nhiều chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên chọn khi vừa tham gia thị trường. Bởi với mức giá rẻ, nhà đầu tư sẽ được trải nghiệm những kiến thức hàn lâm trên thị trường mà không phải trả quá nhiều “học phí”.
Cũng như ở Mỹ hay các thị trường chứng khoán khác, ở nước ta cổ phiếu giá rẻ thường không được nhà đầu tư đánh giá cao, vì đây là loại cổ phiếu có tính đầu cơ, thiếu thanh khoản, vốn hóa thị trường nhỏ, hay gặp các vấn đề về tính pháp lý, sự minh bạch…
Tuy nhiên, chúng ta vẫn nói là luôn có cơ hội trong thử thách. Nhà đầu tư có nhiều cơ hội để khai thác tiềm năng của cổ phiếu giá rẻ nếu hiểu và biết cách khai thác điểm mạnh của chúng.
Cổ phiếu giá rẻ là gì?
Đó là loại cổ phiếu có mệnh giá thấp, thường do các công ty nhỏ, có mức vốn hóa thị trường bé, thường mới niêm yết trên thị trường. Bên cạnh thuật ngữ penny stock, đôi khi người ta còn sử dụng một số tên gọi khác mang nghĩa tương đương như microcap stock, small cap hay nano cap…
Điểm mạnh lớn nhất của cổ phiếu giá rẻ đó chính là… rẻ. Và cũng bởi vì rẻ, nên các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều rủi ro. Đầu tiên, cổ phiếu giá rẻ thường có mức biến động về giá rất cao, bởi chúng có thể dễ dàng bị những con “cá mập” trên thị trường thao túng. Thứ hai, đó là những cổ phiếu này thường có tính thanh khoản kém, một phần là do ít người biết tới, ít người dám giao dịch, do đó đôi khi nhà đầu tư có thể rơi vào tình trạng muốn bán nhưng không tìm ra người mua. Và cuối cùng, đó là hoạt động của những công ty phát hành cổ phiếu này thường không có sự ổn định, có thể vụt sáng hoặc có thể phá sản trong thời gian ngắn.
Thước đo từ chỉ số tài chính
Một trong những cách để giảm rủi ro khi đầu tư cổ phiếu giá rẻ là nhà đầu tư cần phân tích thật kỹ các chỉ số của công ty phát hành cổ phiếu. Bởi loại trừ những vấn đề ngoại cảnh, nếu công ty phát hành cổ phiếu giá rẻ có sự phát triển ổn định và bền vững, thì điều này rồi sẽ mang lại giá trị cho cổ phiếu của mình.
“Thông thường, chúng tôi vẫn khuyên khách hàng khi đầu tư vào bất cứ cổ phiếu nào cũng nên tiến hành phân tích các chỉ số tài chính của nó. Với các công ty phát hành cổ phiếu giá rẻ, thì việc phân tích trở thành điều bắt buộc. Bởi bạn có thể hạn chế rất nhiều rủi ro tiềm tàng nếu nắm được phần nào tình hình hoạt động của công ty ấy” – Casey Murphy, chuyên gia đầu tư người Mỹ, Giám đốc phát triển thị trường của trang chuyên về đầu tư Investopedia.com, chia sẻ.
Và một trong những chỉ số tài chính mà các chuyên gia tài chính khuyên nhà đầu tư nên đặc biệt lưu tâm khi đầu tư vào cổ phiếu giá rẻ, đó là các chỉ số liên quan tới nợ. Bởi thông thường, các cổ phiếu giá rẻ luôn gặp rắc rối với nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn. Ví dụ nếu hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn – Liquidity Ratio (được tính bằng cách lấy tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn chia cho nợ ngắn hạn) của cổ phiếu giá rẻ thấp hơn 0,5, thì đây là một dấu hiệu cho thấy công ty đang phải vật lộn để duy trì hoạt động kinh doanh, và đó là một điểm cực kỳ rủi ro.
Vấn đề con người
Các chuyên gia đầu tư cho rằng, với các doanh nghiệp nhỏ thường phát hành cổ phiếu giá rẻ, vấn đề con người là một trong những vấn đề nhà đầu tư nên đặc biệt quan tâm. Bởi nếu doanh nghiệp sở hữu một nhà quản trị xuất sắc, quy tụ xung quanh anh ta một đội ngũ nhân viên giàu nhiệt huyết, quyết tâm, nỗ lực, cộng với một nguồn vốn đủ lớn, thì khả năng thành công của doanh nghiệp này là rất cao.
Trong một doanh nghiệp, giám đốc điều hành (CEO) luôn là vị trí được tập trung nhiều nhất. Do đó, việc nhìn nhận một người điều hành doanh nghiệp, ngoài dựa vào những thành tích, thành công anh ta đã đạt được trong công việc, nhà đầu tư còn phải đánh giá mức độ thành công của anh ta trong tương lai, thông qua những thói quen, cách sống hằng ngày của anh ta. Bởi hiện nay, một CEO giỏi là chưa đủ, mà phải cần một CEO đủ tâm và đủ tầm để khiến nhân viên khâm phục.
“Chúng tôi hay nói đùa, nếu việc chọn chồng của phụ nữ đã là một việc khó, thì việc chọn đúng công ty phát hành cổ phiếu giá rẻ để đầu tư còn khó hơn. Nhà điều hành ngoài tài năng, thành tựu, còn phải thể hiện được là một người đáng tin cậy. Và một người như thế, chúng tôi thường đòi hỏi tới 11 điều kiện, bao gồm: có những thói quen tốt, có suy nghĩ tích cực, thể hiện sự đáng tin cậy, có thái độ khuyến khích người khác, có sự trung thành, có nền tảng tài chính ổn định, có đạo đức nghề nghiệp, có sự minh bạch, có ý chí mạnh mẽ, có đam mê, nhiệt tình và có lòng biết ơn rõ nét” – Casey Murphy chia sẻ.