Các món ăn được chế biến với nấm nhiều loại vốn khá quen thuộc trong ẩm thực Việt, song muốn thưởng thức món canh nấm tràm đặc sắc thì phải tìm đến với xứ đảo Phú Quốc xinh đẹp.
Hằng năm, cứ vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 5 và tháng 6, trên những thảm lá dày và ẩm ướt của các cánh rừng tràm ở Phú Quốc, nấm tràm sinh sôi nảy nở. Những thân nấm tràm hoang dã mập mạp với tai nấm lớn cỡ hai ngón tay, có màu nâu đậm và viền ngoài màu trắng sữa. Nấm tràm phát triển nhanh nhưng lại chóng tàn, vòng đời chỉ trong khoảng một tháng, nếu không thu hoạch kịp sẽ bị lỡ mùa nấm, phải đợi tới năm sau. Khi mưa bắt đầu rắc hột, người dân trên đảo đi vào những cánh rừng – vùng sinh trưởng của nấm tràm để đánh dấu vị trí những nơi nấm sẽ mọc. Khoảng một tuần sau khi những cơn mưa trút xuống, họ mới kéo nhau đi thu hoạch cho kịp loại thực phẩm quý này.
Nấm tràm có vị đắng và khá hăng, nên phải luộc nấm xả nước nhiều lần trước khi chế biến các món ăn. Canh nấm tràm phải hơi nhân nhẩn đắng mới đúng điệu, ăn nhiều đâm “nghiện” vị đăng đắng nhưng ngọt hậu khó quên của nấm tràm. Thường thì người trên đảo nấu canh nấm tràm cùng hải sản tươi như mực, tôm, hàu hoặc cá rựa, cá nhồng. Khi nêm gia vị không thể thiếu hai loại đặc sản Phú Quốc cũng rất nổi tiếng: nước mắm cá cơm và tiêu đen. Khi canh sắp chín thì đập quả trứng gà vào nồi rồi khuấy nhẹ tay, tạo thành những đường vân tuyệt đẹp cho nồi canh nấm – hải sản tươi ngọt lịm.
Canh nấm tràm là không thể hâm hay làm nóng khi đã nguội vì nấm trong canh sẽ có mùi vị khác thường. Người ta chỉ nấu nồi canh vừa ăn, vừa tươi ngon, vừa ngọt ngào bổ dưỡng. Chỉ cần tô canh nấm tràm nóng ăn với cơm trắng đã đủ cho một bữa ăn ngon lành.
Hà Lan (DNSGCT)