VN-Index đang dao động trong vùng giá 660 điểm với thanh khoản khá, bất chấp việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng, với biên độ lên đến vài trăm tỉ đồng mỗi phiên giao dịch. Suốt hai tháng qua, khối ngoại đều đặn xả hàng, danh mục bán của họ chủ yếu là các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Nguồn cung dồi dào và liên tục từ khối ngoại khiến cho giá hàng loạt cổ phiếu trụ cột giảm mạnh so với vùng đỉnh, đa phần đã giảm khoảng 15 – 20%, có cổ phiếu giảm 30% so với thời điểm VN-Index chạm mốc 690 điểm. Vì sao các cổ phiếu trụ cột – vốn có độ tăng giảm tương đối “đồng điệu” so với VN-Index lại giảm quá nhiều như vậy (VN-Index hiện chỉ giảm chưa đến 5% so với vùng đỉnh)? Đó là vì chỉ số này trở nên “lệch lạc” kể từ khi cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros được niêm yết trên HSX (vào đầu tháng 9). Sự thăng tiến chưa có giới hạn của ROS đã “gánh” cho VN-Index một số điểm không nhỏ và nếu loại đi ảnh hưởng của ROS thì chỉ số này phải hạ xuống vùng 630 điểm.
Ngoài sự tác động của ROS, VN-Index còn được hỗ trợ bởi hoạt động bắt đáy của nhiều nhà đầu tư trong nước, sẵn sàng mua vào mỗi khi những cổ phiếu được đánh giá tốt giao dịch ở mức giá rẻ tương đối (so với vùng đỉnh 690 của VN-Index), dù họ cũng chỉ chực chờ mua vào trong những phiên giá giảm mạnh chứ không chấp nhận mua dồn mua đuổi như quãng thời gian “sóng lớn”. Điều này chứng tỏ rằng nguồn tiền dự trữ của nhà đầu tư vẫn còn tương đối lớn, có thể hấp thụ được lượng cổ phiếu giá rẻ, cũng là tiền đề cho nhận định rằng VN-Index sẽ không giảm quá nhiều trong năm nay.
Các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí đã có những ngày tăng giá, sau khi các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới thống nhất được mức cắt giảm sản lượng để hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, cũng không nên kỳ vọng nhiều vào một sự tăng mạnh hơn, bởi một khi tiến đến vùng giá 60 USD/thùng thì nguồn cung sẽ tăng mạnh và làm giá dầu giảm trở lại. Nguyên nhân quan trọng hơn là kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, tăng trưởng chung của toàn cầu đang ở mức thấp. Dù vậy, việc giá dầu thô duy trì trong vùng giá 50-60 USD/thùng cũng đủ giúp cho các doanh nghiệp ngành dầu khí nước ta vượt qua những khó khăn trước mắt, đồng thời cổ phiếu của nhóm này được chào đón trở lại. Tất nhiên, đây chỉ là phản ứng của thị trường chứng khoán, chứ các doanh nghiệp dầu khí vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thể có ngay kết quả kinh doanh tích cực. Đó cũng là lý do vì sao trong những phiên giao dịch mà các cổ phiếu dòng “P” (dầu khí) hấp dẫn nhờ sự hỗ trợ của giá dầu thế giới thì các nhà đầu tư nước ngoài lập tức đẩy mạnh bán ra. Người ta có thể lý giải đây là giai đoạn khối ngoại đang bán ròng, nên họ ưu tiên bán đi những mặt hàng “được giá”.
Tháng 12 này, nhiều doanh nghiệp vốn hóa lớn lên sàn, có thể sẽ đem đến sự tích cực cho thị trường, nếu những cổ phiếu này “tạo ấn tượng” và lan tỏa sang những cổ phiếu khác. Bên cạnh đó còn là hoạt động thoái vốn của SCIC. Ngày 12-12 tới, trong phiên chào bán thỏa thuận, lần đầu tiên nhà đầu tư nước ngoài có thể mua được lô lớn cổ phần VNM (đợt này, SCIC bán ra 130.630.500 cổ phần của VNM, tương ứng với 9% vốn điều lệ). Đây chỉ là cuộc đua của các nhà đầu tư lớn (chủ yếu là quỹ đầu tư nước ngoài), nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước đành hài lòng với việc “tích cóp” VNM trong những phiên giao dịch khớp lệnh. Thanh khoản của VNM tăng đột biến những ngày vừa qua – khối ngoại bán ra, nhà đầu tư nội mua vào – có phần xuất phát từ nguyên do này.
- Ngọc Khang