Chúng ta vẫn tin người tinh khôn (Homo sapiens), tổ tiên của nhân loại, có mặt trước tiên tại châu Phi cách đây chừng 200.000 – 350.000 năm. Vào khoảng 60.000 năm trước, họ mới bắt đầu di cư qua lục địa Á-Âu. Người tinh khôn đi đến đâu chiếm lĩnh các vùng đất đến đó, có thể có kết hợp với một số nhóm bản địa như người Neanderthal (châu Âu), người Denisovan (châu Á). Tuy nhiên, hoạt động khảo cổ trong thế kỷ XXI lại phát hiện nhiều hóa thạch người tinh khôn có niên đại lớn hơn 100.000 năm ở châu Á. Nếu những Homo sapiens này không phải từ châu Phi tới, vậy thì họ từ đâu ra?
Mâu thuẫn mới
Năm 2004, trên đảo Flores, Indonesia, khảo cổ học phát hiện chủng người tinh khôn mới: đó là người Homo floresiensis (còn gọi là người lùn hay người hobbit). Chủng người này chỉ cao khoảng 1,2m, xuất hiện trong thế Canh Tân muộn cách đây 12.000-127.000 năm. Còn trong hang Luna, Quảng Tây (Trung Quốc), người ta cũng phát hiện răng người tinh khôn có tuổi thọ từ 70.000-126.000 năm. Nếu các Homo sapiens chỉ rời khỏi cái nôi châu Phi sớm nhất là 60.000 năm trước, vậy thì tại sao cái răng này lại xuất hiện tại châu Á?
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tại sao người tinh khôn lại rời khỏi châu Phi? Dù khá nóng bức, nhưng châu Phi vẫn là vùng đất rộng lớn, lại giàu có nguồn thức ăn, và các Homo sapiens cũng đã thích nghi với khí hậu. Tại sao họ còn phải nhọc công đi bộ sang châu Á rồi bò qua châu Âu? Một vài nhóm khảo cổ đưa ra giả thuyết rằng cách đây 60.000 năm, Châu Phi xảy ra hạn hán lớn. Người tinh khôn buộc phải di dời để tìm các đồng cỏ xanh tốt mới. Họ cứ liên tục di chuyển, cuối cùng bước sang lục địa khác lúc nào không hay. Ngoài ra, nghiên cứu khảo cổ cũng giả định không hề có hạn hán xảy ra. Các Homo sapiens chỉ vô tình đi sang lục địa khác trong lúc mở rộng địa bàn sinh sống.
Đợt di cư sớm
Giả sử người tinh khôn chỉ vô tình rời khỏi châu Phi, vậy thì bằng cách nào họ băng sang châu Á? Mặt đất thuở ấy chắc chắn không sẵn các con đường nối châu Phi với châu Á. Các Homo sapiens có thể nào đã đi ngang qua bán đảo Ả Rập? Hay là họ đã vượt qua eo biển Babe el Mandeb, sau đó tiến vào Yemen? Hoặc theo con đường thuận lợi nhất là từ Bắc Ai Cập tiến vào bán đảo Sinai, sau đó tràn qua Israel?
Phát hiện hóa thạch xương hàm người tinh khôn sớm nhất ở hang động Misliya, Israel cho thấy chúng có niên đại từ 175.000-200.000 năm. Các Homo sapiens có lẽ đã rời khỏi châu Phi sớm hơn chúng ta vẫn tưởng và theo hướng từ Ai Cập sang Israel. Từ Israel, người tinh khôn tiếp tục di chuyển. Họ theo hướng Nam, vượt qua dãy Himalaya và cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, tiến dần vào Trung Quốc và Đông Nam Á, cuối cùng vượt biển sang châu Úc. Nghiên cứu ADN công bố trên tạp chí Nature khẳng định khoảng 2% ADN của người Papua New Guinea (quốc gia ở Thái Bình Dương) là từ đợt phân tán người tinh khôn sớm này.
Sau đợt phân tán vô tình đầu tiên ấy, các Homo sapiens mới khởi động cuộc di dời khỏi châu Phi quy mô lớn cách đây 60.000 năm. Trong đợt di chuyển này, sau khi tới Israel, họ chia làm hai hướng, một phần đi theo hướng Bắc. Sự di chuyển theo hướng bắc ấy đã hình thành nên người châu Âu ngày nay. Cũng theo hướng này, họ có thể tới cả Siberia, Nhật Bản, cuối cùng vượt qua cầu đất liền Beringia để đến châu Mỹ.
Sự phân tán theo hướng Nam tiếp tục đưa người tinh khôn đến tiểu lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á, châu Úc, cuối cùng tràn ra khắp Thái Bình Dương. Cả di truyền và khảo cổ đều cho rằng sự phân tán theo hướng Nam diễn ra nhanh và mạnh hơn hướng Bắc, bám sát bờ biển. Tuy nhiên, chưa ngành nào có bằng chứng xác thực để chứng minh giả thuyết này. Thêm vào đó, các Homo sapiens cũng cần nước ngọt để uống. Họ có thể không hề bám theo ven biển mà băng ngang lục địa cũng nên.
Gian nan phân biệt
Mỗi khi di dời đến một khu vực mới, người tinh khôn chắc chắn sẽ bắt gặp các chủng người khác, ví dụ như gặp chủng Neanderthal trên đường tiến vào châu Âu, điều này đã được khảo cổ và di truyền học xác nhận. Vậy thì họ đã gặp chủng người nào tại châu Á?
Chủng người phổ biến tại châu Á trước khi các Homo sapiens từ châu Phi lấn đất sang là người tối cổ (archaic Homo sapiens). Các hóa thạch người tối cổ tại châu Á có niên đại khoảng 300.000-500.000 năm, hoàn toàn biệt lập với người đứng thẳng (Homo erectus) và người Neanderthal.
Quay lại cuộc khai quật hang động Liang Bua trên đảo Flores năm 2004. Chủng người lùn được phát hiện tại đây thật ra xuất phát từ đâu? Họ là hậu duệ của người đứng thẳng hay chỉ là một nhóm nhỏ người tinh khôn đến từ châu Phi nhưng bị mắc hội chứng… lùn? Cũng có giả thuyết cho rằng người lùn là con của người đứng thẳng và người tối cổ, hoặc là con của người tinh khôn với một tông người chưa xác định nào đó.
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều tin chủng người lùn bị cô lập trong khoảng thời gian dài. Vì thế, họ buộc phải giao phối cận huyết, cuối cùng dần dẫn đến diệt vong. Tuy nhiên, giả thuyết này có rất nhiều điểm vô lý. Thứ nhất, Flores vốn không phải là một hòn đảo nhỏ hay bị tách biệt. Thứ hai, muốn tới New Guinea hay Úc, các Homo sapiens buộc phải đi ngang qua Flores.
Và những người tinh khôn di cư này cũng không phải cứ cắm đầu cắm cổ chạy mà qua một hòn đảo. Họ vốn là kiểu vừa đi vừa kiếm sống, chỉ khi không còn gì để ăn nữa mới miễn cưỡng di chuyển tiếp. Chẳng lẽ trong suốt cả hàng chục ngàn năm, thậm chí là cả hàng trăm ngàn năm ấy, chủng người lùn ở đảo Flores lại chưa từng gặp mặt chủng người khác nào?
Trong thập kỷ vừa qua, nghiên cứu di truyền còn công nhận một quần thể tông người mới tại châu Á: đó là người Denisovan. Nghiên cứu răng hóa thạch của các Denisovan cho thấy nó khá giống với răng của người Trung Á ngày nay tại các vùng xa về phía Tây.
Vẫn nhiều khúc mắc
Khi các chủng người khác nhau gặp nhau ở châu Á, điều gì đã xảy ra? Thông qua di truyền, khảo cổ và nghiên cứu hóa thạch, nhân loại có thể trả lời câu hỏi này. Vài công bố gần đây cũng cho thấy giữa các Homo sapiens, Neanderthal và Denisovan có sự giao phối chéo. Ngoài ra, còn có thể có sự góp mặt của một chủng người khác nữa (nhiều khả năng là người đứng thẳng).
Không như người tinh khôn, các chủng người khác cùng thời tại châu Á bị cho là chưa phát triển trí thông minh đến mức biết chế tạo các vật dụng sinh hoạt bằng đất sét vàng hay làm đồ trang sức từ vỏ sò ốc hoặc đá. Nếu các Homo sapiens thật sự đã đến châu Á từ khoảng 200.000 năm trước, họ chắc chắn đã để lại không ít các đồ vật như thế này. Kỳ lạ ở chỗ, chúng ta chưa phát hiện bất cứ vật dụng nào có niên đại sớm hơn 60.000 năm.
Thêm một điều thú vị nữa là trong hang động Denisova của Nga, nơi khảo cổ xác định được ADN của 2 chủng Denisovan và Neanderthal, người ta cũng tìm thấy cả đống hiện vật như vòng tay, dây đeo. Nếu Denisovan và Neanderthal chưa phát triển tư duy đến mức biết chế tạo đồ vật, vậy thì ai là người đã làm ra chúng? Chẳng lẽ các Homo sapiens lại từng sống ở đây, chia sẻ không gian sinh tồn với các Denisovan và Neanderthal? Giả như người tinh khôn không từng ghé qua hang động Denisova và người Denisovan (cả người Neanderthal) thật sự chưa biết tới cái gọi là tư duy trừu tượng, có thể nào còn tồn tại một chủng người khác thông minh ngang với người tinh khôn? Nếu đúng thì chủng người đó là ai? Và vẫn còn một khúc mắc khác: đó là tại sao lại quá hiếm các vật dụng của các Homo sapiens ở khu vực Đông Nam Á? Nếu họ đã đến đây trong đợt phân tán lớn cách đây 60.000 năm, lẽ ra phải để lại cả mớ dấu tích chứ. Còn nếu như họ đã vào Đông Nam Á nhưng không còn tiếp tục chế tạo các vật dụng như thế nữa, vậy thì tại sao họ lại thay đổi đặc trưng này?
Một tổ tiên khác?
Nghiên cứu ban đầu tại Mata Menge, Flores còn chỉ ra người đứng thẳng có khả năng đã biết chế tạo phương tiện đi biển. Dù hầu hết các nhà nghiên cứu đều không tin chuyện này song, để tới châu Úc hay Nhật Bản, vượt biển là con đường duy nhất. Ở Nhật Bản, dấu tích đầu tiên của con người có niên đại khoảng 40.000 năm. Khảo cổ học vẫn tin tổ tiên của dân tộc Phù Tang cũng là Homo sapiens. Nguyên nhân rất đơn giản: chỉ người tinh khôn mới phát triển tư duy đến mức biết làm thuyền bè vượt biển.
Đối với châu Úc thì cũng thế. Ấy vậy mà khám phá di truyền gần đây lại cho thấy có dấu vết của người Denisovan trong quần thể người Melanesian và người Bắc Úc. Muốn tới châu Úc, người Denisovan cũng chỉ có một cách là băng qua biển. Mà muốn băng qua biển, họ cũng phải biết làm thuyền. Tổ tiên của người Úc hay người Nhật liệu có thật sự là người tinh khôn đến từ châu Phi xa ngái? Rộng hơn nữa, tổ tiên của người châu Á liệu có phải chỉ là chủng Homo sapiens?
- Xem thêm: 10 địa điểm khảo cổ bí ẩn và hấp dẫn
Tháng 1-2018, phát hiện khảo cổ tại hang Misliya, Israel lại đem đến một kết quả đáng kinh ngạc khác. Hóa thạch người tinh khôn tại đây có tuổi từ khoảng 177.000-194.000 năm. Cứ vài tuần một lần, khảo cổ lại lôi ra một hóa thạch mới, xoáy sâu nghi vấn vào thường thức cũ. Trên tất cả, châu Á là vùng lục địa rộng lớn. Nó còn cất giấu bao nhiêu bí mật trong lòng đất, chúng ta chưa thể nào biết hết được. Câu chuyện về nguồn cội loài người, càng đi sâu tìm hiểu lại càng trở nên xa rộng. Có vẻ như chúng ta vẫn chưa hiểu biết bao nhiêu về gốc rễ của mình.