So với cuối năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nửa đầu năm nay chỉ tăng 2,4%, con số quá lý tưởng với một quốc gia “sống chung với lạm phát” từ nhiều năm qua. Có nhiều yếu tố lý giải cho con số lý tưởng này. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để kiềm chế lạm phát, thì giá lương thực, nhiên liệu của thế giới đã giảm so với trước. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, chỉ số hàng hóa chung trên thị trường thế giới năm nay giảm 2%, chỉ số giá năng lượng giảm 3%, giá hàng lương thực và thực phẩm giảm 2%. Như vậy, năm nay, yếu tố chi phí đẩy không tác động lên CPI của nước ta. Những đồng tiền có tác động mạnh đến cán cân thanh toán như đồng USD, euro, yen Nhật…, thời gian qua gần như không thay đổi tỷ giá so với tiền đồng. Ở trong nước, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng cao trong rổ tính CPI giảm khiến cho chỉ số lạm phát giảm. Sức mua của xã hội yếu khiến các doanh nghiệp phải đau đầu với bài toán giải quyết hàng tồn kho, chỉ số hàng tồn kho hiện cao hơn nhiều so với mức chung của những năm trước. Điều này khiến giới doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, cả về thị trường lẫn nguồn vốn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thấp, tín dụng tăng trưởng chậm, mức tăng GDP sáu tháng đầu năm chỉ 4,9%, thấp hơn cả năm ngoái (4,93%).
Nhiều dịch vụ công sẽ tăng mạnh trong những tháng tới, điển hình là dịch vụ y tế, giáo dục… Các chuyên gia đã tính toán rằng nếu cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM tăng mức viện phí như kế hoạch thì CPI cả nước sẽ tăng khoảng 0,7%, việc điều chỉnh tăng học phí của TP.HCM vào đầu tháng 9 tới sẽ khiến CPI tăng khoảng 0,75%… Trong khi đó, tình hình giá lương thực thực phẩm có thể tăng trong những tháng cuối năm nếu như khâu lưu thông không được cải thiện. Qua những gì các phương tiện truyền thông phản ánh, người nông dân hiện phải bán nông sản với giá rất thấp, có khi dưới cả giá thành sản xuất, những sản phẩm ấy phải qua nhiều khâu trung gian, nên đến tay người tiêu dùng cuối cùng với giá rất cao. Do bị ép giá, ở nhiều nơi, người nông dân đã phải ngừng việc trồng trọt, chăn nuôi, dẫn đến một sự sụt giảm sản lượng trong tương lai. Một khi nguồn cung lương thực thực phẩm thiếu hụt, việc giá cả những mặt hàng có trọng số rất cao này (gần 40% trong rổ hàng hóa tính CPI) tăng lên sẽ tác động mạnh lên chỉ số giá trong nửa cuối năm nay, chưa kể đến những yếu tố không lường được như thiên tai, bệnh dịch,… Bên cạnh đó, còn là sự điều chỉnh về giá điện có thể đến vào cuối năm, rồi giá xăng, dầu luôn sẵn sàng để “nhảy”. Có nghĩa là trạng thái lạm phát thấp hiện nay có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào và nguy cơ về mức lạm phát cao luôn hiện hữu.
Không phải ngẫu nhiên mà các dự báo của các tổ chức nước ngoài về lạm phát nước ta thường cao hơn các dự báo của các chuyên gia, tổ chức trong nước. Bên cạnh những phân tích về nguyên nhân có thể gây ra lạm phát, những dự báo kém lạc quan ấy còn đến từ sự phân tích tác động của chính sách từ nay đến cuối năm. Cụ thể, đó là ảnh hưởng từ những gói hỗ trợ của Chính phủ từ mấy tháng qua, kết hợp với khả năng nới lỏng chính sách hơn nữa trong thời gian tới. Các chính sách, giải pháp của Chính phủ đang chuyển dần từ kiềm chế lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng sẽ làm tăng chi tiêu công và dĩ nhiên có tác động đến chỉ số giá.
Minh Hằng