Không hẹn mà gặp, nhận định của hai nhân vật có uy tín đều cho rằng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trở lại vào quý III. Thị trường đã nhanh chóng hưởng ứng những nhận định tốt lành với dòng tiền “đổ bộ” trở lại khá tốt. Để xác định sự hưng phấn có ở lại với thị trường để tạo nên một con sóng tăng trưởng, dù chỉ là ngắn hạn, cần xác nhận của dòng tiền trong tuần giao dịch cuối tháng 7.
Hai nhận định, một của TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, một của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, đều có chung quan điểm cho rằng thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trong thời gian tới đã gây được sự chú ý của giới đầu tư. TS Lê Xuân Nghĩa đưa ra ba yếu tố hỗ trợ cơ bản để thị trường có thể khởi sắc trở lại từ cuối quý III-2012. Thứ nhất, sau khi khá sôi động vào quý I-2012, trong quý II vừa qua, thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này tạo ra mặt bằng giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn. Thứ hai, giá cổ phiếu hấp dẫn sẽ được cộng hưởng bởi bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn trong thời gian tới, đầu tư công tiếp tục tăng, doanh nghiệp đang tiếp cận được vốn với lãi suất thấp hơn… Thứ ba, kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU… đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Kinh tế thế giới bớt bất ổn hơn sẽ là điều kiện thuận lợi để kinh tế ViệtNamdần lấy lại đà tăng trưởng bền vững, qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp và thị trường chứng khoán khỏe lên. Có chung quan điểm, chỉ sau đó vài ngày, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã có nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thể khởi sắc từ cuối quý này cùng với sự hồi phục của kinh tế vĩ mô và của các doanh nghiệp. Vấn đề được Bộ trưởng đưa ra đã “điểm” đúng vào một tồn tại mà cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều rất quan tâm, đó là củng cố niềm tin đối với các nhà đầu tư bằng việc tăng cường tính minh bạch, công khai thông tin hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ và hiện đang chờ Thủ Tướng phê duyệt quy định về việc doanh nghiệp nhà nước phải định kỳ công khai báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Những nhận định khả quan nêu trên đã cho thấy một bức tranh lớn, những điểm căn bản, nền tảng để tạo đà hồi phục cho thị trường chứng khoán. Chính bởi vậy, thị trường đã “lắng nghe” và có những phản hồi tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu ứng có được từ việc đánh giá cao những ý kiến nhận định có uy tín còn phải kể đến sự tranh thủ của dòng tiền đầu cơ với mong muốn dựa vào “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo sóng và đu sóng. Một yếu tố “địa lợi” đang được tận dụng đó là thông tin kết quả kinh doanh quý II của một số công ty chứng khoán, ngân hàng vẫn tích cực. Như thường lệ, các doanh nghiệp có kết quả tích cực sẽ sớm công bố thông tin, những doanh nghiệp mang lại tin xấu cho những người sở hữu cổ phần sẽ chần chừ ra tin sau. Thông lệ này luôn là một thách thức không nhỏ cho thời điểm cuối của mùa báo cáo. Tranh thủ đầu mùa, “trái vừa thơm”, lại được khích lệ bởi những nhận định sáng sủa, thị trường chứng khoán đã hồ hởi, dòng tiền cải thiện đáng kể trong vài phiên gần đây. Cần lưu ý là, kết quả kinh doanh dần sáng tỏ cũng sẽ tạo ra sự phân hóa, dịch chuyển của dòng tiền giữa các nhóm ngành. Dù sự hứng khởi của thị trường trong những phiên vừa qua tạo ra một con sóng dài hay ngắn thì việc lựa chọn đúng cổ phiếu vẫn luôn quan trọng. Một điểm đáng lưu ý khác khi lựa chọn cổ phiếu đó là thời điểm cuối năm ngày càng gần. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể giảm bớt gánh nặng hàng tồn kho, mối lo lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp và nền kinh tế. Giải quyết được hàng tồn kho, dòng tiền được cải thiện là vấn đề mấu chốt, thậm chí sống còn để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này. Bởi vậy, cơ hội của những tháng cuối năm sẽ tạo ra sự khác biệt cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có nhu cầu hàng hóa về cuối năm cao, đồng thời có chiến lược thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tốt.
Sự sụt giảm được đánh giá là hợp lý vào cuối tuần trước lại được tiếp tục trong phiên giao dịch đầu tuần (23-7). Khối lượng cũng sụt giảm theo do người mua trở nên do dự. Phiên đầu tuần chỉ có hơn 50,6 triệu cổ phiếu được trao tay với giá trị giao dịch 783,4 tỉ đồng. VN-Index giảm xuống 421,99 điểm. Số mã giảm giá chiếm đa số, 190 mã, khiến cho việc le lói xanh ở vài mã trụ cột như DPM, STB, HPG không níu kéo được thị trường. Diễn biến tiếp theo của dòng tiền là dấu hiệu quan trọng nhất để giới đầu tư xem xét việc ở lại với thị trường hay tạm “dứt áo” và tiếp tục chờ đợi.
Song Hà