Nơi đây, trước cả những vịnh Hạ Long, động Phong Nha hay Sa Pa đã được các tạp chí hướng dẫn du lịch nổi tiếng nước ngoài đưa vào danh sách hướng dẫn cho du khách khi đến Việt Nam.
Như một nhu cầu tự nhiên có thực, khu phố Tây này càng phát triển và đông khách dù chưa được tập trung đầu tư hay tổ chức sự kiện nào dành riêng để quảng bá cho phương thức kinh doanh du lịch đặc biệt này. Nhưng từ Q.1 cho đến các ban ngành TP.HCM đã thấy sức thu hút mạnh mẽ nên đã cho phép mở nhiều khách sạn, cửa hàng mua sắm, nhà hàng, quán ăn, văn phòng các công ty lữ hành để phát triển dịch vụ du lịch.
Đường Phạm Ngũ Lão nhộn nhịp
Gần đây, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nhận thấy các tuyến đường xung quanh công viên 23 tháng 9, Q.1 vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn ứ giao thông. Do đó, để cải thiện tình hình giao thông trong khu vực, Sở đã gắn biển báo cấm dừng và đỗ ôtô tại ngã ba Phạm Ngũ Lão – Đề Thám đến giao lộ Phạm Ngũ Lão – Đỗ Quang Đẩu từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ đến 18 giờ. Đường Phạm Ngũ Lão là nơi tập trung rất nhiều khách sạn phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Theo các chủ doanh nghiệp khách sạn, việc cấm dừng và đỗ xe trên đường Phạm Ngũ Lão vào các khung giờ trên gây rất nhiều khó khăn cho khách sạn, vì từ 6 giờ đến 9 giờ là thời gian khách rời khách sạn để đi tour hoặc trả phòng ra sân bay; còn từ 16 giờ đến 18 giờ là thời gian du khách trở về khách sạn sau ngày tham quan hoặc rời khách sạn để đi ăn tối. Nếu chấp hành biển báo trên, buổi sáng, khách buộc phải rời khách sạn trước 6 giờ (quá sớm) hoặc sau 9 giờ (quá trễ) và buổi chiều chỉ có thể đến khách sạn sau 18 giờ. Nếu khách buộc phải rời khách sạn trong khung giờ cấm dừng và đỗ ôtô thì xe đón khách phải dừng ở bên kia công viên 23 tháng 9, khách cùng hành lý phải đi bộ một quãng xa, khiến du khách không thấy an toàn và thoải mái khi lưu trú tại các khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão.
Ngay trong năm 2013 được dự báo sẽ khó khăn hơn trước trong thu hút khách du lịch, với quy định hiện nay thì các doanh nghiệp khách sạn đang kinh doanh trong khu vực này sẽ “chết đứng”, vì các hãng vận chuyển từ chối việc đưa đón khách, khách du lịch lẻ cũng không muốn chọn các khách sạn trên đường này.
Theo đề nghị của Hiệp hội Du lịch TP.HCM với UBND TP.HCM và Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề nghị xem xét tình hình thực tế và đề nghị, cho phép ôtô chở các đoàn khách du lịch được phép dừng trong thời gian trên không quá 10 phút để đón, trả khách. Theo Hiệp hội Du lịch TP.HCM, 10 phút là thời gian vừa đủ để khách di chuyển hành lý sắp xếp vào xe và khách lên xe an toàn. Mặt khác, các khách sạn cũng đề nghị ngành giao thông nên đổi chiều lưu thông cho xe cơ giới ngược với chiều cho phép hiện nay trên đường Phạm Ngũ Lão, bởi vì, tất cả khách sạn đều nằm phía bên trái đường. Như vậy, mỗi khi xe dừng để đưa, đón khách sẽ ở trước khách sạn và khách không phải băng qua đường nguy hiểm mà còn làm ảnh hưởng mật độ giao thông.
Kiến nghị được lắng nghe, tuy nhiên việc chỉnh sửa quy định của Sở Giao thông Vận tải chỉ điều chỉnh thời gian cấm dừng đỗ xe trên đường Phạm Ngũ Lão (đoạn từ Đỗ Quang Đẩu đến Nguyễn Thị Nghĩa) từ 7 giờ đến 8 giờ và từ 17 giờ đến 18 giờ. Điều này có nghĩa là tài xế xe du lịch phải canh đúng giờ đi hay đến trong một thành phố mà giao thông có thể ách tắc bất cứ ở đâu và lúc nào. Nếu đưa hay đón khách mà sớm hay trễ hơn một phút trong khung giờ cho phép coi như nhà xe, công ty lữ hành và khách sạn buộc phải “hành” du khách.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thì đơn vị này đang nghiên cứu phương án mở làn xe trên lề đường Phạm Ngũ Lão phía công viên 23 tháng 9, bên trong hàng cây xanh hiện nay để các doanh nghiệp du lịch giải quyết nhu cầu lên xuống của du khách. Trong thời gian phương án này chưa được nghiên cứu áp dụng, thì Hiệp hội Du lịch TP.HCM vẫn đại diện quyền lợi cho các doanh nghiệp du lịch đề nghị cho phép việc dừng trả, nhận khách trong 10 phút hoặc nên bỏ biển cấm dừng đỗ. Bởi đó không chỉ là sự thuận lợi trong việc kinh doanh mà khu phố Tây còn là một hình ảnh tiêu biểu của ngành du lịch TP.HCM và đất nước.
Nguyễn Ngọc