Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế lao động OIT công bố hôm 18-5, cái nghèo tương đối ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tăng nhẹ trong những năm qua. Cũng theo báo cáo đó, số người có thu nhập dưới 60% mức trung bình ở các nước trong khối EU cứ nhích dần lên, từ 16,5% năm 2008 lên 16,8% năm 2012 , đến năm 2014 là 17,2%. Trong khi đó, chỉ số này từ năm 2012 đến năm 2014 ở Mỹ lại hoàn toàn ổn định. Ấy vậy, Liên Hiệp Quốc lại khẳng định trong hai mươi năm qua, hầu hết các nước đạt tiến bộ lớn trong việc giảm nghèo. Thực tế hiện nay, thế giới có đến 2 tỉ người sống dưới mức nghèo khổ (3,1 USD/ngày) và cực nghèo (1,9 USD/ngày). Từ nay tới năm 2030, cần 10.000 tỉ USD để xóa cái nghèo cùng cực.
Trong báo cáo của mình, OIT nhấn mạnh cái nghèo ở các nước EU có tính tương đối cao. Thu nhập dưới 60% mức trung bình 1.268 USD/tháng ở Na Uy là nghèo, nhưng ở Roumanie con số này chỉ là 180 USD, thu nhập trung bình ở Đức gấp đôi Hy Lạp – 950 USD so với 500 USD. Hơn nữa, chỉ 16,2% dân số Anh thu nhập dưới mức trung bình 886 USD. Còn ở Roumanie, những 22,6% dân số thu nhập dưới mức trung bình 180 USD/tháng.
Cùng ngày 18-5, cuộc khảo sát 770.000 người Pháp tuổi từ 16 đến 25 cho kết quả là cứ 10 thanh niên thì có một người không đọc thông viết thạo. Theo tiêu chí của Ủy ban quốc gia chống mù chữ, 4,3% người Pháp trong tình trạng mù chữ.
Liệu giữa nạn thất học và tỷ lệ người nghèo ở Pháp có mối quan hệ gián tiếp nhân quả? Câu trả lời là có. Trong mười năm (2004-2013), số người nghèo tăng thêm 1 triệu. Hiện nay, 8,5 triệu người Pháp thu nhập dưới 60% mức trung bình. Thập niên 1970, cái nghèo trên đất nước hình lục lăng giảm đi trông thấy, bỗng chững lại giữa thập niên 1990. Sang thế kỷ XXI, số người nghèo bắt đầu tăng.
Lê Lành theo L’Express (DNSGCT)