Bằng việc “thám bản tầm nguyên” (tra cứu đến tận nguồn gốc) trong cách cấu tạo từ, nghiên cứu những tác phẩm sử, điển cố, điển tích cũng như từ điển… học giả Nguyễn Hạnh đã đưa ra những góc nhìn tương đối mới lạ về cuộc hành trình tìm về cội nguồn tín ngưỡng người Việt, từ thời dựng nước cho đến ngày nay qua tác phẩm ‘Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam’.
Theo vị học giả, nền tảng của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam dựa trên chữ Ơn. Đó là ơn trời, ơn môi trường sống và ơn tha nhân, hay gọi tóm gọn là Thiên – Địa – Nhân. Mối tương quan giữa 3 yếu tố này lại được dựa trên Nhân sinh quan (con người và trời, con người và môi trường sống, đạo làm người), cũng như là Vũ trụ quan (gồm Thái cực luận – âm dương, tam tài, ngũ hành, ký, khí… và Đạo luận – nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật…).
Nhân sinh quan của người Việt
Trong đó nhân sinh quan thể hiện rõ nhất trong đạo làm người, vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Ở đó bản thân, gia đình và quốc gia hòa quyện vào nhau trong triết lý của các chữ Ơn, Hiếu, Nhân, Trung… Từ chính điều này, học giả Nguyễn Hạnh đã phân tích cũng như giải thích rất nhiều niềm tin dân gian của ông bà xưa, như tục thờ cửu huyền thất tổ, ý nghĩa của ngày Tết, tục tảo mộ, cư tang, giỗ, tục kính Trời và Thần đêm giao thừa, tục xuất hành hái lộc, tục thờ kính tổ tiên ngày Tết…
Chẳng hạn ông đã lý giải vì sao người Việt cư tang trong vòng 3 năm, và liệu 3 năm là bao nhiêu tháng? Giải thích theo sách Luận Ngữ của Khổng Tử, học giả Nguyễn Hạnh cho biết con số 3 năm vốn bắt nguồn từ việc con trẻ sinh ra sau 3 năm mới rời xa khỏi cha mẹ bồng bế, vì vậy cư tang 3 năm là để trả nghĩa cho những điều trên. Nhưng 3 năm cũng không đồng nghĩa với 36 tháng, mà thường được ngầm quan niệm là 27 tháng –đã trừ 9 tháng nằm trong bụng mẹ, hoặc là 12 tháng – vì người khuất mặt cũng không muốn làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống riêng của người còn sống…
Tương tự như thế là việc lý giải về tập tục cúng 49 ngày, 100 ngày hay vì sao cờ ngũ hành tang lễ chỉ có một màu… cũng được bàn luận. Vượt qua khỏi những chuyện buồn, ông cũng đào sâu vào một trong những sự kiện vô cùng quan trọng đối với người Việt đó là lễ Tết. Bằng việc tra các kho sử cũng như từ điển, ông đã xác định từ “tiết” (mà “Tết” là cách đọc trại) vốn xuất hiện từ thế kỷ XIII, trong khi “nguyên đán” chỉ mới được dùng khoảng đầu thế kỷ XX. Nhưng với nhân sinh quan là đạo làm người, thì người Việt cổ đã có tục đón Tết từ sự tích bánh chưng của Lang Liêu.
Ông cũng kể lại rất nhiều nguồn gốc về sự ra đời của các vị Táo, vì sao lại treo chữ Phúc ngược, cũng như hình dáng nguyên thủy của chiếc bánh chưng… Đây là những vấn đề tuy quen thuộc nhưng không phải ai cũng từng thắc mắc và tìm lời giải. Và tuy chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa – tín ngưỡng Trung Hoa, thế nhưng người Việt cũng rất nhanh nhạy tự tạo cho mình những đặc điểm riêng. Điều này được thấy ở chỗ họ thường cố ý làm khác đi hoặc đổi ngược lại những thứ đã có, chẳng hạn người phương Bắc mặc áo cài nút bên phải, người Việt cài nút bên trái; họ để răng trắng, người Việt nhuộm răng đen; họ cạo đầu để đuôi sam, người Việt để tóc dài và búi lên…
Vũ trụ quan của người Việt
Về vũ trụ quan, người Việt tuy không quan niệm trời tròn đất vuông như là Trung Hoa, nhưng cũng kế thừa phong thủy trong việc xây dựng. Ở cuốn sách này, học giả Nguyễn Hạnh đã phân tích nhanh về các yếu tố phong thủy trong việc xây cất nhà cửa cũng như lý giải ý nghĩa của những vật phẩm phong thủy mà người Việt hay trưng bày, từ đó mang đến kiến thức sơ bộ về quan niệm này.
Như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói: “Những thành phố văn hóa đều cúi nhìn quá khứ của mình trên những di tích. Chính nhờ biết nhìn các di tích bằng đôi mắt chăm chú, con người có thể sống lại chuỗi thời gian xa xăm đầy những biến cố kỳ lạ đã dệt thành tấm vải vĩnh hằng hiện hữu của lịch sử, hưởng thụ được những văn hóa rực rỡ của trí tuệ gọi là Cái đẹp, tiếp thu những kinh nghiệm sống quý báu mà những thế hệ xa xưa đã tạo nên, gọi là Văn hóa”.
Vì vậy ông cũng quan tâm đến các công trình mang tính biểu tượng như Đền Ngọc Sơn, Dinh Cô Long Hải hay Đồi Thập giá Đà Lạt để tìm về cách ứng dụng phong thủy của người Việt xưa. Nhưng chiếm dung lượng nhiều nhất và suy tư nhất là Kinh Thành Huế, từ đó độc giả có thể thấy rằng hơn 2 thế kỷ trước, nhà Nguyễn đã ứng dụng phong thủy vào việc xây dựng kinh thành và lăng mộ để làm nổi bật căn tính thiên tử của nhà vua theo Nho giáo.
Chẳng hạn học giả Nguyễn Hạnh chỉ ra, vị trí của các cụm kiến trúc của Kinh thành Huế vốn bị chi phối bởi quan niệm “nam tả nữ hữu”. Khi nhà vua quay mặt về hướng nam, thì bên trái (tả) là hướng đông thuộc dương, do đó Đông cung dành cho thái tử, trong khi Tây cung dành cho hoàng hậu, phi tần, thái hậu và thái hoàng thái hậu. Cũng dựa theo quy tắc đó, quan văn thường đứng bên trái, quan võ đứng ở bên phải. Thế nhưng điều này cũng có cách lý giải khác, là dù vị trí có nằm ở đâu, thì nhà vua vẫn ở vị trí trung tâm, nằm giữa đường thẳng dũng đạo, và toàn quyền phân định phải trái, đúng sai.
Ngoài quy tắc trên, khái niệm đường dũng đạo (hướng về ngai vàng) cũng khiến rất nhiều công trình xây dựng thẳng trục, như chuỗi công trình Thái Hòa điện – sân Đại Triều Nghi – Nghi môn – cầu Trung Đạo – Ngọ môn – Kỳ đài – Ngự Bình sơn. Mở rộng ra hơn, Kinh Thành Huế thay vì quay về hướng nam như quan niệm “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Nhà vua mặt quay về hướng nam để lắng nghe thiên hạ), thì để lấy sông Hương làm minh đường, lấy núi Ngự Bình làm bình phong, lấy dãy Bạch Mã làm triều án, có Cồn Hến làm Tả Thanh Long với ý là rồng chầu, có Cồn Dã Viên là Hữu Bạch Hổ với ý là hổ phục… thì vị thế kinh thành đã được xoay khoảng 30° về hướng đông, nghĩa là nằm ở đông nam.
Học giả Nguyễn Hạnh ngoài việc tập trung vào vị thế, cũng đã chú giải vô cùng chi tiết về các điểm nhấn trang trí mang nhiều ý nghĩa. Chúng có mặt khắp nơi, từ Nghênh Lương Đình, Phu Văn lâu cho đến lăng mộ của các nhà vua… Chẳng hạn trong khi lưỡng lương triều nhật biểu hiện cho sự hòa hợp, mưa thuận gió hòa, thì lưỡng long tranh châu lại tượng trưng cho điềm lành, tôn trọng lẫn nhau và sự khoan dung.
Những chi tiết nhỏ như họa tiết mai, hoa cúc, dơi ngậm tiền vàng, tứ linh, long ẩn vân, hoa lá… cũng được lý giải một cách cẩn thận, từ đó cho thấy phong thủy nơi Kinh thành Huế không phải để chiêu tài lộc mà là củng cố vị trí vương đế là đấng trung gian giữa trời, đất và con người.
Có thể nói rằng Thực hành văn hóa tín ngưỡng Việt Nam là những ghi chép mang tính tìm tòi, phân tích quý giá để thế hệ sau có thể hiểu đúng, hiểu sâu và chi tiết hơn về các lễ nghi, thờ cúng, phong tục tập quán tự ngàn đời xưa của dân tộc Việt còn được lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay. Từ đó quan niệm tốt đẹp sẽ được giữ lại, dần dần bỏ qua những ảnh hưởng xấu, không còn hợp thời.