“Khai phá và phát triển năng lực thanh niên là việc quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Vậy Việt Nam cần phải làm gì để giải quyết nhu cầu cấp bách này? Đây là câu hỏi lớn rất cần sự chung tay của Bộ Ngoại giao, trường đại học và doanh nghiệp mới có thể đưa ra các biện pháp khả thi”, bà Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cấp cao Bộ ngoại giao nói.
Thay đổi từ tư duy
Chúng ta tự hào khi Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD đưa ra kết quả: chỉ số IQ của Việt Nam nằm Top 12 quốc gia thông minh nhất, cao hơn mức trung bình của thế giới. Nhưng năm 2014, khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra con số thống kê trên cả nước có 162.400 người có trình độ đại học trở lên bị thất nghiệp khiến chúng ta phải nhìn lại và chuyện người thông minh không có việc làm là lỗi có phải thuộc về “thế hệ trẻ của nước nhà” hay nền giáo dục chưa “đánh thức” được khả năng vốn có của người Việt?
Thực tế, giáo dục Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Hằng năm chúng ta vẫn loay hoay cải cách, rồi thí điểm, cả một thế hệ vẫn đang miệt mài, loay hoay với câu chuyện định hướng nghề nghiệp, ước mơ để chậm rãi tiến lên phía trước. Một trong số giải pháp tại thời điểm này là du học để tiếp cận với tri thức bao la của nhân loại, nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện cho con đi du học. Vậy làm thế nào để đánh thức năng lực của các bạn trẻ?
Tại buổi thảo luận về chất lượng nguồn năng lực trẻ diễn ra tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam vào trung tuần tháng 9 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc tuyển dụng và đào tạo – phòng Nhân sự Công ty Robert Bosch Engineering Vietnam cho rằng nhân sự trẻ không thiếu kỹ năng công việc, chỉ thiếu các kỹ năng mềm, nhất là kỹ năng làm việc nhóm. Năm ngoái, công ty của chị đã chi khoảng 20 tỉ đồng để đào tạo kỹ năng cho nhân viên nhưng vẫn chưa tạo ra sự thay đổi lớn trong nhân viên. “Cuối cùng, chúng tôi nhận ra là cần phải thay đổi tận gốc, đó chính là tư duy (mindset), nhân viên chỉ thật sự thay đổi khi họ nhận ra mình là đại diện của một tổ chức, một đất nước và họ có mong muốn tạo dựng thương hiệu cá nhân”, chị cho biết.
Đồng ý quan điểm với chị Thu Hiền, ông Đỗ Hòa – Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Tinh hoa Quản trị cho rằng thay đổi tư duy của người trẻ rất quan trọng, nhưng muốn đạt điều đó thì phải có chung tầm nhìn về một quốc gia hùng mạnh trong 20 năm tới. Từ tầm nhìn đó, chúng ta sẽ lên kế hoạch về nguồn năng lực, trình độ, văn hóa. Sau đó, doanh nghiệp sẽ tham gia vào việc xây dựng nguồn nhân lực dám đặt mục tiêu, dám vươn lên tầm nhìn toàn cầu.
“Giáo dục cũng không nằm ngoài tầm nhìn, mục tiêu nói trên, thậm chí còn phải tiên phong tham gia vào việc lên kế hoạch về nguồn lao động tương lai”, bà Đàm Bích Thủy, Giám đốc Fulbright Việt Nam nói. Theo bà, ngành giáo dục cũng có khát vọng để thay đổi, nhưng làm được đến đâu thì cần sự hỗ trợ của các cộng đồng.
Bắt tay vào xây dựng cộng đồng năng lực người Việt trẻ
Từ nhận định trên, UNESCO-CEP đã khởi xướng chương trình Thế hệ Tài năng Việt Nam (Talent Generation Vietnam) cùng với sự đồng hành của Học viện G.A.P. Năm 2016, chương trình đã tìm ra được những nhân tố xuất sắc từ cộng đồng kết nối 1.000 bạn trẻ Việt ưu tú của các trường đại học trên khắp cả nước dựa trên các tiêu chí đánh giá: chỉ số thông minh IQ, trình độ tiếng Anh, năng lực số học (Numerical Ability), năng lực ngôn ngữ (Language Reasoning), thông minh cảm xúc (chỉ số EQ),… Cuộc thi thu hút hơn 7.000 sinh viên đăng ký tham dự, với gần 3.000 bài dự thi chất lượng được đánh giá là tốt. Dự án nhằm xây dựng một cộng đồng những người Việt trẻ có năng lực cạnh tranh cao trong bối cảnh toàn cầu hóa, để từ đó, cung cấp một nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công ty tại Việt Nam và khu vực. Đây là một cộng đồng bình đẳng dành cho tất cả mọi người, dành cho những người trẻ có hoài bão, khao khát muốn thay đổi đều có thể tham dự. Một giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa chuyện học lý thuyết ở trường với thực tế, rút ngắn khoảng cách giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên quốc tế và mang đến nhiều hơn nữa cơ hội được vươn ra biển lớn cho các bạn trẻ. Cộng đồng đó mang tên Thế hệ Tài năng Việt Nam.
Talent Generation 2018 đã xây dựng cuộc thi online dành cho tất cả sinh viên trên toàn quốc và đem chuỗi sự kiện Today’s Voice Unitour với 70 diễn giả từ nhiều lĩnh vực đi qua gần 20 trường đại học tại sáu tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Ông Phạm Hồng Anh – Giám đốc cuộc thi Talent Generation 2018, kỳ vọng rằng chương trình sẽ mang đến cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận với tri thức thời đại, giúp các bạn có một cái nhìn sâu sát về các doanh nghiệp nội địa Việt – các doanh nghiệp hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành rường cột trong nền kinh tế nước nhà, cũng như trở thành người bạn đồng hành lý tưởng cho sự nghiệp của các bạn sinh viên sau này. Ngoài ra, dự án còn tổ chức các buổi hội thảo “Sự nghiệp toàn cầu cho tài năng Việt” (A global career for Vietnam’s Talents) với các khách mời nắm giữ vị trí quan trọng ở các tập đoàn lớn. Hội thảo đi qua các trường đại học lớn như Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học RMIT, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hoa Sen nhằm chia sẻ, thảo luận và xây dựng nhận thức cho các bạn sinh viên về việc trang bị kỹ năng để cạnh tranh hội nhập, thông điệp được lan tỏa đến hơn 20.000 bạn trẻ trên cả nước.
- Xem thêm: Xây dựng bản đồ nhân tài Việt Nam
Chương trình Thế hệ Tài năng còn là cầu nối, kết nối các thí sinh xuất sắc trong kỳ thi tuyển đến với cơ hội thực tập ở các doanh nghiệp trong nước, tổ chức huấn luyện chuyên sâu và trang bị cho cộng đồng kỹ năng cần thiết cho hội nhập toàn cầu. Qua đó, chúng ta có thể tự tin hơn về hình ảnh tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam, đầy bản lĩnh, sẵn sàng hội nhập toàn cầu và khao khát được vẽ tên Việt Nam lên bản đồ nhân lực thế giới với lợi thế cạnh tranh của người Việt là nguồn nhân lực chất lượng cao.