Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và tám tháng đầu năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng tín dụng đạt 8,18% trong tám tháng đầu năm. Đây là mức tăng thấp nhất của dư nợ tín dụng trong ba năm trở lại đây, khi cùng kỳ các năm 2017 tăng trưởng 10,8%; năm 2016 là 9,64% và năm 2015 là 10,21%; đồng thời cách khá xa so với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là 17%. Trong khi đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 22-8-2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,3%, huy động vốn tăng 8,72%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2017.
Trái ngược với diễn biến năm trước, tăng trưởng huy động trong năm 2018 có xu hướng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Thông thường, mức tăng trưởng tín dụng hằng tháng trong năm được cập nhật ở các kênh liên quan khác nhau, cũng như một số thời điểm cụ thể từ NHNN. Việc cập nhật theo con số ước tính, thường xác định vào thời điểm gần cuối tháng, mà thực tế có thể thay đổi qua từng ngày theo lượng cho vay mới hoặc mức độ tập trung đáo hạn các khoản vay, thu hồi nợ… Theo một quan chức của NHNN, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ tùy thuộc vào nhu cầu thực tế của nền kinh tế nên có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức 17%.
Ở phương diện lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 có mức tăng nhẹ 0,45% so với tháng 7, đưa mức CPI bình quân tám tháng đầu năm tăng 3,52% so với cùng kỳ năm ngoái, bám sát mục tiêu dưới 4% của Chính phủ. Trong khi đó, lạm phát cơ bản bình quân (đã loại trừ giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm giao thông, nhóm y tế và nhóm giáo dục) trong thời gian này chỉ tăng 1,38% so với cùng kỳ năm 2017. Rủi ro lạm phát trong bốn tháng còn lại của năm nay hiện vẫn khó lường, nhất là trong bối cảnh giá mặt hàng thịt heo trong nước và giá dầu thế giới vẫn neo ở mức cao. Do vậy, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục theo hướng thận trọng nhưng linh hoạt, tùy theo diễn biến thực tế của lạm phát cũng như nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Chỉ thị 04/CT-NHNN của Thống đốc Lê Minh Hưng ban hành hồi giữa tháng 8-2018 cũng nhấn mạnh, sẽ không nới “room” tín dụng nửa cuối năm để kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Theo đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra; không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt như một số tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém). Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông…
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 7, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.431.171 tỉ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 38.000 tỉ đồng với hơn 16.800 khách hàng đang có dư nợ. Ngoài ra, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 182.420 tỉ đồng, tăng 10.630 tỉ đồng so với năm 2017 (tăng 6,19%).
Thực tế, để kiểm soát tăng trưởng tín dụng, ngay từ đầu năm 2018, trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính của từng tổ chức tín dụng, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng ngân hàng, phổ biến từ 12 – 14%, rất ít ngân hàng được giao chỉ tiêu từ 16% trở lên. Thống kê đến hết tháng 6-2018 cho thấy, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết, thậm chí còn vượt room tín dụng được giao đầu năm. Chẳng hạn, tăng trưởng dư nợ của TPBank ở mức 16%; LienVietPostBank đạt 13% so với chỉ tiêu giao đầu năm là 14%…, nhiều ngân hàng khác có mức tăng trưởng từ 9 – 12% như Kienlongbank, Vietcombank… Như vậy, với định hướng không được nới thêm “room” tín dụng trong bốn tháng còn lại của năm nay, các ngân hàng sẽ phải “cân đối” hạn chế các khoản cho vay cũng như cân đối các khoản vay sang các kỳ hạn ngắn phù hợp hơn để vẫn đảm bảo “room” tín dụng mà NHNN giao.