Hãng tin Pháp AFP ngày 7-12 trích dẫn tuyên bố của ông Oberhelman, Giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất máy công cụ xây dựng Caterpillar của Mỹ, bày tỏ lo lắng trước một số lập luận của Tổng thống đắc cử Donald Trump về đường lối kinh tế. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các tập đoàn Mỹ đang ngày càng lo ngại trước chính sách của tân tổng thống Mỹ, cho dù chính sách này chưa định hình.
Nguyên nhân gây quan ngại chính là lời đe dọa áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch của ông Trump mà theo họ có thể làm dấy lên một cuộc chiến thương mại với hai đối tác lớn của Hoa Kỳ là Trung Quốc và Mexico.
Có cùng quan điểm với đồng nghiệp, ông Dennis Muilenburg, Giám đốc điều hành tập đoàn chế tạo phi cơ Boeing, đối tượng gần đây nhất bị Donald Trump công kích, đã từng lưu ý: “Bất cứ ai quan tâm đến chiến dịch vận động tranh cử và kết quả cuộc bầu cử tổng thống đều biết rằng một trong những chủ đề quan trọng nhất là nỗi lo ngại về tự do và công bằng trong giao thương với thế giới”.
Một trong những nỗi sợ hãi của các doanh nghiệp Mỹ là tân Tổng thống Donald Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế hải quan 35% trên các mặt hàng nhập vào Mỹ nhưng lại do các công ty Mỹ đặt sản xuất ở nước ngoài.
Biện pháp đó có thể kéo theo một cuộc chiến tranh thương mại khi các đối tác Washington đánh các loại thuế tương tự trên hàng nhập từ Hoa Kỳ để trả đũa. Đó sẽ là một kịch bản cực xấu đối với các đại công ty xuất khẩu Mỹ như Caterpillar, hiện đang sử dụng hàng ngàn người trong các nhà máy tại vùng Trung Tây Hoa Kỳ.
Theo ông Oberhelman, Giám đốc điều hành của Caterpillar, đồng thời là chủ tịch nhóm vận động hành lang của các công ty Mỹ Business Roundtable, tập đoàn của ông xuất khẩu đến 80% sản phẩm làm tại Mỹ.
Ông không ngần ngại cảnh cáo: “Có rất nhiều công ăn việc làm và công việc sản xuất của riêng công ty chúng tôi cũng như của cả nước Mỹ lệ thuộc vào giao thương quốc tế. Do vậy tôi lo sợ trước nguy cơ bị trả đũa sau vụ đánh thuế hải quan 35% hoặc bất kỳ hành động đơn phương nào khác nhắm vào với một đối tác kinh doanh”.
Công ty lớn sẽ giảm đầu tư?
Theo nhóm vận động hành lang Business Roundtable, một số lượng lớn chủ công ty đã dự trù giảm đáng kể các khoản đầu tư của họ tại Hoa Kỳ nếu ông Trump thực hiện những lời đả kích nảy lửa nhắm vào các đối tác thương mại cũng như các tập đoàn đa quốc gia Mỹ.
Trước mắt, theo số liệu của nhóm Business Roundtable, chỉ có 35% trong số 142 thành viên của họ là đã tăng đầu tư tại Mỹ trong quý IV này, giảm 3% so với quý III.
Từ ngày đắc cử tổng thống đến nay, ông Donald Trump đã trực diện đánh vào nhiều đại công ty Mỹ, từ hãng chế tạo xe hơi Ford, cho đến tập đoàn công nghệ United Technologies… Bằng chủ trương cây gậy và củ cà rốt, ông đã buộc được các công ty này duy trì công ăn việc làm trong nước, chứ không di chuyển ra nước ngoài, đặc biệt là qua Mexico.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ông chủ Mỹ đều bị thua thiệt với Donald Trump. Ngành ngân hàng chẳng hạn, có vẻ rất được tân tổng thống nuông chiều. Sau khi đề bạt hai đại diện của ngành này là Steven Mnuchin và Wilbur Ross vào chức bộ trưởng Tài chính và bộ trưởng Thương mại, ông Trump hứa sẽ giảm nhẹ các quy định về ngân hàng.
Jamie Dimon, Tổng giám đốc Ngân hàng JPMorgan Chase, dĩ nhiên rất phấn khởi, bày tỏ hy vọng về việc “chính quyền Trump sẽ cởi trói cho các doanh nghiệp, cải thiện tăng trưởng, cho phép ngân hàng cho vay và để cho họ được hưởng lợi trở lại nhờ việc lãi suất được nâng cao, kinh tế phát triển mạnh, và các quy định ràng buộc ít đi”.
Donald Trump dọa cắt hợp đồng Air Force One
Boeing bị một cú đấm mà thủ phạm là “võ sĩ” Donald Trump. Qua Twitter, tân tổng thống Hoa Kỳ hôm 6-12 dọa sẽ hủy bỏ hợp đồng giữa chính phủ Mỹ và tập đoàn sản xuất máy bay Boeing, cung cấp hai chiếc chuyên cơ mới Air Force One. Doanh nhân – tổng thống nổi giận vì Boeing bán giá “cắt cổ” từ 3 tỉ tăng lên 4 tỉ USD mỗi chiếc.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường thuật: “Người ta có thể hình dung phản ứng kinh ngạc của tập đoàn máy bay Boeing khi ban lãnh đạo đọc được tuyên bố trên mạng xã hội của ông Donald Trump. Tổng thống tân cử cho rằng “giá các chiếc chuyên cơ 747 dành cho tổng thống quá đắt. Phải hủy bỏ hợp đồng đi”.
Tiếp theo đó, trước tòa tháp Trump Tower, ông Donald Trump xác nhận sự bất bình của mình: “Hợp đồng gì mà lên đến hơn 4 tỉ USD cho mỗi chiếc Air Force One. Tôi cho đây là một con số lố bịch. Boeing bắt nhà nước trả thêm tiền. Chúng tôi muốn Boeing được lãi, nhưng không thể quá nhiều như thế được”.
Cho đến nay, ông Donald Trump vẫn sử dụng máy bay riêng, nhưng sẽ không thể tiếp tục như thế sau khi nhậm chức. Thế mà các chuyên cơ 747 dành cho tổng thống, sau 30 năm phục vụ, đã sắp đến kỳ hạn phải thay thế. Hồi đầu năm nay, Lầu Năm Góc đã ký với Boeing hợp đồng 3 tỉ USD mỗi chiếc mới, được trang bị cực kỳ tối tân bảo đảm an ninh và an toàn cho tổng thống Mỹ. Air Force One bọc thép cho phép tổng thống làm việc như trong văn phòng bầu dục, là bộ chỉ huy quân sự trong trường hợp chiến tranh, có hệ thống gây nhiễu sóng truyền tin và có thể được tiếp tế nhiên liệu trên không.
Boeing chưa có phản ứng chính thức nhưng giá cổ phiếu của tập đoàn này đã rơi tức khắc.
- Đ.N tổng hợp