Lo sợ về chiến tranh thương mại, các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Mỹ ở mức gần đạt kỷ lục trong tuần trước, trong khi dòng tiền lại đổ vào kênh trú ẩn an toàn là trái phiếu chính phủ Mỹ.
Dòng vốn rút khỏi thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ đợt điều chỉnh hồi tháng 2-2018. Trong khi đó, thị trường trái phiếu Mỹ lại được rót vốn khoảng 700 triệu USD. Theo các chiến lược gia tại Bank of America Merrill Lynch (BoAML), tổng lượng vốn rút ra khỏi các quỹ chứng khoán Mỹ và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lên tới 24,2 tỉ USD, mức cao thứ 3 trong lịch sử. Ngoài ra, tổng mức rút vốn ra khỏi các quỹ chứng khoán toàn cầu trong tuần trước là 30 tỉ USD, mức cao thứ 2 trong lịch sử và là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Michael Hartnett, Trưởng bộ phận Chiến lược đầu tư tại BoAML, cho hay: “Sự e ngại, khoản thua lỗ mà mọi người phải gánh chịu ở các thị trường thế giới (ngoại trừ Mỹ) vì cuộc xung đột thương mại là nguyên nhân dẫn tới diễn biến tiêu cực trên thị trường trong tuần qua – nhà đầu tư bán tháo và chuyển sang các tài sản chất lượng hơn”.
Các sự kiện quan trọng từ đầu năm 2018 như quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Mỹ dần tách rời các nền kinh tế khác, làn sóng bán tháo ở các thị trường mới nổi và thành quả yếu kém của các quỹ định lượng (quant fund) gây ảnh hưởng lớn đến sự biến đổi này. Sự phấn khởi của các nhà đầu tư tại Phố Wall thời điểm đầu năm 2018 đã biến mất. Hiện nay, nhà đầu tư đang điều chỉnh vị thế của mình qua kênh trái phiếu chính phủ Mỹ – vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn nhất – lại hút vốn rất nhanh.
Ông Hartnett nhận định, tháng 7 có thể là tháng nhà đầu tư bán ra trong lúc thị trường biến động, nhưng sau đó thị trường có thể còn biến động hơn nữa vào tháng 8 và tháng 9 trước thời điểm bầu cử giữa kỳ quốc hội. Để làn sóng bán tháo tiếp diễn thì cần phải có những diễn biến tiêu cực. Những diễn biến tiêu cực đó có thể là áp thuế vào ôtô nhập khẩu từ châu Âu hoặc áp thuế vào sản phẩm công nghệ của Mỹ. Điều này cũng có thể khiến các vấn đề tiền tệ của Trung Quốc lại tái diễn. Chỉ số S&P 500 có thể tăng một chút, nhưng không có khả năng đột phá tại thời điểm này.
Các chiến lược gia khác tại BofAML cũng cho biết thêm, một vài điều kiện có vẻ tương tự với năm 1998, thời điểm xảy ra sự kiện tín dụng cuối chu kỳ kinh tế bắt nguồn ở các thị trường mới nổi. Họ nhắc đến quá trình giảm đòn bẩy bắt buộc và sự bán tháo hoảng loạn tại các thị trường vì cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á và sự thất bại của quỹ Long-Term Capital Management. Trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 10-1998, chỉ số S&P 500 lao dốc tới 22% và Nasdaq Composite mất tới 33%. Các ngân hàng cũng tụt 43% trong giai đoạn đó.
Tuần vừa qua, các quỹ trái phiếu thị trường mới nổi chứng kiến tuần rút vốn thứ 10 liên tiếp với 3,2 tỉ USD vốn tháo chạy. Riêng quỹ cổ phiếu thị trường mới nổi thì mất 3,1 tỉ USD, tuần rút vốn thứ 7 trong tám tuần qua.