Thời gian qua, bên cạnh việc tăng lãi suất huy động kỳ hạn 18, 24, 36 tháng, hàng loạt ngân hàng đã công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn.
Điển hình như BIDV vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu VND/tài khoản dành cho khách hàng cá nhân và 50 triệu VND/tài khoản dành cho khách hàng tổ chức. Mức lãi suất là 7,6%/năm dành cho hình thức lãi suất cố định và lãi suất thả nổi, kỳ đầu là 7,5%/năm. Trước đó, nhiều ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn với mức lãi suất rất hấp dẫn.
Như tại SeaBank, các khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng, thời hạn 24 tháng, 36 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất tương ứng là 8,4%/năm và 8,6%/năm. Hay trong đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi VND đợt 1 năm 2019 của SHB, các mức lãi suất đã lên tới 8,6%/năm, 8,7%/năm và 8,8%/năm, ứng với các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.
Những đợt phát hành trên càng trở nên đáng chú ý vì lãi suất áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi tại một ngân hàng đã chính thức vượt mức lãi suất trái phiếu mà một số doanh nghiệp lớn đang huy động trên thị trường. Một trong những yếu tố hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp nằm ở chênh lệch lãi suất. Lãi suất trái phiếu của Novaland, Vingroup và Masan Group thường cao hơn lãi suất huy động các ngân hàng thương mại từ 1,35% – 2,15%, trong tương quan khá gần các kỳ hạn.
Tuy nhiên, trong đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi của SHB, lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngân hàng đã cao hơn so với lãi suất trái phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành nói trên (8,6 – 8,8% so với mức lãi suất áp dụng 8,61% và 8,4%/năm ở các trái phiếu kỳ hạn 16 và 21 tháng đang có của Vingroup hay 7,88% cho trái phiếu kỳ hạn 14 tháng của Masan Group).
Chứng chỉ tiền gửi của SHB không phải cá biệt. Hiện tượng lãi suất tiền gửi ngân hàng cao hơn lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng thể hiện ở biểu lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại khác thời gian gần đây. Như tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB), ở các kỳ hạn dài từ 13-36 tháng, lãi suất đã 8,55%/năm. Hay ở Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank), lãi suất huy động VND các kỳ hạn dài trên 18 tháng đều đã ở mức 8,6%/năm…
Tại Việt Nam, đặc thù và truyền thống từ hàng chục năm qua cho đến nay, người gửi tiền chủ yếu chọn gửi tại các ngân hàng thương mại. Đây cũng là kênh có độ an toàn thường được “mặc định” cao hơn gửi vào trái phiếu doanh nghiệp. Phía sau các ngân hàng thương mại có sự giám sát an toàn hoạt động từ Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ và Bảo hiểm tiền gửi.
Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp đối với khách hàng cá nhân gửi tiền tìm đến để đầu tư vẫn còn khá mới mẻ, thường có độ rủi ro cao hơn và thường không có tài sản đảm bảo. Với khác biệt đó, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thường cao hơn hẳn so với lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại. Nhưng nay đã xuất hiện thực tế lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương mại cao hơn lãi suất trái phiếu doanh nghiệp, và chênh lệch này đang mở rộng.
Thời gian gần đây, các ngân hàng đang chuyển dịch dần sang hoạt động bán lẻ, theo đó tập trung cho vay khách hàng cá nhân. Đặc thù của các sản phẩm cho vay tiêu dùng khách hàng cá nhân thường đòi hỏi kỳ hạn dài, nên để có thể tiếp tục cho vay trung, dài hạn, các ngân hàng buộc phải tăng cường cải thiện nguồn vốn trung, dài hạn ngay từ bây giờ.
Trong bối cảnh việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng kém thuận lợi thì gia tăng huy động vốn kỳ hạn dài vẫn là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm chỉ tiêu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn với mức lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo áp lực tăng đối với lãi suất cho vay các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất cho vay trung, dài hạn rất khó giảm như kỳ vọng, đặc biệt là cho vay tiêu dùng mua nhà, mua ôtô.