Theo nhận định của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), trong năm 2018, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện, giúp tăng cường các khoản trích lập dự phòng và xây dựng các khoản “đệm vốn” cho những tài sản có vấn đề. Với tốc độ này, sẽ có thêm nhiều ngân hàng có thể trích lập cho toàn bộ số trái phiếu VAMC trước thời điểm cuối năm 2018.
Điều này đã được thể hiện tại các báo cáo của một số ngân hàng thương mại khi mà lợi nhuận giảm mạnh sau khi ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Điển hình nhất trong quý đầu năm nay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tăng gấp 2,6 lần chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh trong ba tháng đầu năm của BIDV đều có kết quả lãi cao hơn cùng kỳ năm 2017, trong đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 34,7% đạt 9.165 tỉ đồng; lãi từ dịch vụ tăng 29,8% so với cùng kỳ, đạt 745 tỉ đồng; hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về khoản lãi 214 tỉ đồng, tăng 75%.
Mặc dù các hoạt động kinh doanh có kết quả tích cực và chi phí hoạt động giảm mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ, đạt 2.485 tỉ đồng. Lý do là BIDV đã phải trích tới 6.013 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (tương đương 70% lợi nhuận trước trích lập). Do đó, BIDV chỉ báo lãi trước thuế gần 2.500 tỉ đồng sau ba tháng đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 8,5%. Tính đến cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu của BIDV ở mức 1,62%, đi ngang so với quý trước đó.
Đối với VietinBank, lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết trong năm nay sẽ tất toán xong nợ xấu đã bán cho VAMC. Theo đó, VietinBank tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng với hơn 2.400 tỉ đồng. Đối với Vietcombank, mặc dù ngân hàng này đã mua hết số nợ xấu đã bán trước đó cho VAMC nhưng trong quý I ngân hàng vẫn tiếp tục trích lập thêm gần 1.500 tỉ đồng.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Phương Đông OCB cũng có mức trích lập dự phòng tăng 89%, lên mức 140 tỉ đồng trong quý I vừa qua. Nợ xấu tuyệt đối tại OCB tăng 253 tỉ đồng lên mức 1.117 tỉ đồng, trong đó chủ yếu đến từ nợ nhóm 3 tăng mạnh. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,79% vào cuối năm 2017 lên 2,13% cuối quý I-2018. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giữ ở mức thấp 0,7% chính là lý do giúp trích lập dự phòng của ACB giảm trong quý I-2018, chỉ còn 134 tỉ đồng. Sau khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 1.490 tỉ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Khả năng sinh lời của nhiều ngân hàng đang ở mức khá tốt nên việc chủ động trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu một cách đầy đủ không gây quá nhiều áp lực lên các ngân hàng. Ngoài mức lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỉ đồng thì cũng trong quý đầu năm 2018, nhiều ngân hàng đã công bố các chỉ số hiệu quả kinh doanh ở mức khá tích cực. Trong số đó, VPBank có chỉ số ROA và ROE lần lượt đạt 3,3% và 34,2%; HD Bank là 1,5% và 19,2%; VietinBank là 1,12% và 15,33%.
Tính đến nay, một vài ngân hàng thuộc tốp đầu đã mua lại hết nợ bán cho VAMC kể từ cuối năm 2016. Điển hình trong số này là Vietcombank, Techcombank, MBB. Sau khi đã mua hết lại nợ, áp lực trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC sẽ không còn nữa. Thay vào đó, việc trích lập của các ngân hàng này sẽ “nhẹ gánh” hơn nhiều do chỉ còn tùy theo thực tế kinh doanh các quý. Trích lập dự phòng không có nghĩa tiền bị mất đi, thậm chí trong kịch bản tích cực, nó tiềm ẩn triển vọng hoàn nhập. Việc tăng cường trích lập dự phòng trong quá khứ và hiện tại sẽ giúp giảm bớt áp lực trong tương lai, ngay cả với lợi nhuận tương lai.
Theo lộ trình năm năm thì tính từ năm 2015 (là năm cao điểm các ngân hàng thương mại cấp tập bán lại nợ xấu cho VAMC), điểm cuối hoàn tất trích lập cho lượng bán lại này sẽ là năm 2019. Điều này phần nào hàm ý việc trích lập dự phòng tính chung cho toàn hệ thống nhiều khả năng sẽ dần nhẹ gánh kể từ năm 2020 trở đi.