Các gia tộc như Walton, Koch, Chanel hay Hermès hay các đế chế như Walmart, Tesla, Samsung… không chỉ dẫn đầu danh sách những tập đoàn giàu có nhất thế giới mà với quy mô lĩnh vực hoạt động khổng lồ, các doanh nghiệp gia đình này đang chi phối nền kinh tế thế giới bằng nhiều cách và là một thước đo hiệu quả sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.
Các công ty này, trong đó ít nhất 20% cổ phần hoặc quyền biểu quyết được nắm giữ bởi những người sáng lập hoặc con cháu của họ, đang đóng góp lớn cho GDP của một quốc gia. Chẳng hạn, gia đình Walton đứng đầu danh sách những người giàu nhất thế giới 2018 của Sunday Times với tài sản ròng 174,9 tỉ USD. Chuỗi siêu thị Walmart cũng là doanh nghiệp lớn nhất thế giới (tính theo doanh thu). Hay gia đình Bernard Arnault với tài sản 72,2 tỉ USD thông qua hoạt động kinh doanh của LVMH, một tập đoàn lớn của Pháp gồm 70 thương hiệu xa xỉ, trong đó có các nhãn hiệu thời trang Christian Dior và Fendi, đồng hồ Hublot và TAG Heur, champagne Dom Perignon…
Theo báo cáo Family 1000 của Credit Suisse, kể từ năm 2006 các công ty này có kết quả kinh doanh vượt trội so với các công ty không thuộc sở hữu gia đình. Thành công của các công ty gia đình này, trải dài ở nhiều khu vực và ngành công nghiệp, cung cấp một số bài học quan trọng mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư khác có thể học hỏi. Trước hết, các doanh nghiệp gia đình đặt nền tảng trên cách làm việc độc đáo của họ.
Được mệnh danh là “yếu tố Alpha”, bí quyết kinh doanh này giúp họ hoạt động tốt hơn so với các đối thủ không thuộc sở hữu gia đình. Từ L’Oreal đến Missoni, các doanh nghiệp gia đình thường đặt trọng tâm rõ ràng vào kế hoạch kinh doanh dài hạn cùng với cam kết đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) để tăng trưởng. Ví dụ điển hình là Công ty Dyson, có trụ sở tại Vương quốc Anh, đã đầu tư hàng tỉ USD vào R&D để cải tiến lại các sản phẩm như máy hút bụi không túi, máy sấy tóc.
Theo báo cáo Family 1000, các công ty gia đình thường ít phụ thuộc vào nguồn vốn từ các cổ đông hoặc ngân hàng. Điều này tạo ra một môi trường phát triển ổn định và dẫn đến tăng trưởng cao hơn theo thời gian. L’Oreal, Missoni và Nike luôn tập trung nghiêm ngặt vào tăng trưởng dài hạn, không vay nợ nhiều, đầu tư lớn vào R&D và có được sự độc lập rất cao.
Các doanh nghiệp gia đình được nghiên cứu trong báo cáo của Credit Suisse tăng trưởng nhanh hơn so với các công ty cùng ngành của họ và thường có lợi nhuận cao hơn, nhờ có kế hoạch tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh cũng như linh hoạt hơn về dòng tiền. Đáng chú ý là doanh nghiệp ở các nước châu Á (trừ Nhật Bản) đầu tư vào R&D nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, thường tập trung vào giới trẻ và công nghệ, và thường là những doanh nghiệp gia đình thế hệ đầu tiên.
Các doanh nghiệp có “yếu tố Alpha” không phải là hiện tượng của một khu vực. Các doanh nghiệp gia đình châu Âu chiếm 23% trong danh sách Family 1000, nhiều nhất là các công ty ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Ý, Anh và Hà Lan. Các doanh nghiệp gia đình hoạt động tốt nhất ở Mỹ có giá trị cao hơn so với các công ty gia đình châu Âu (với mức vốn hóa trung bình là 11,5 tỉ USD so với mức 4,7 tỉ USD ở châu Âu) và cũng vượt trội so với các công ty cùng ngành.
- Xem thêm: Thời đại vàng của các FO
Dù vậy, các doanh nghiệp gia đình ở Mỹ thường được tìm thấy trong các lĩnh vực phát triển không nhanh như hàng tiêu dùng, vật liệu và năng lượng. Ngược lại, các doanh nghiệp gia đình tại châu Á rất đa dạng về ngành nghề. Trung Quốc thống trị thị trường châu Á (trừ Nhật Bản), với 149 doanh nghiệp trong danh sách Family 1000 và Ấn Độ đứng thứ hai. Ở Trung Quốc, các công ty công nghệ chiếm 45% doanh nghiệp gia đình được khảo sát, còn trong lĩnh vực tài chính, các công ty gia đình ở Indonesia, Malaysia, Đài Loan và Singapore chiếm hơn 30% giá trị thị trường.
Theo Công ty tư vấn Capgemini, tài sản của các gia đình giàu có trong khu vực châu Á đã lên đến hơn 17.000 tỉ USD. Trên khắp châu Á, các công ty gia đình khẳng định sự thống trị lâu bền và vững chắc. Sau cuộc khủng hoảng năm 1997-1998 đã làm sụp đổ nhiều tập đoàn, xu hướng toàn cầu hóa đã thúc đẩy các tập đoàn gia đình tái cơ cấu mô hình kinh doanh truyền thống. Tuy vậy, các công ty này vẫn đóng góp 27% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán và sẽ tiếp tục tăng thêm trong thập niên tới.