Nhạc Việt không thiếu những cái tên trẻ và mới xuất hiện hàng năm. Nhưng sản phẩm của ca sĩ trẻ chưa đủ thuyết phục để công chúng ghi nhận như sự cống hiến có ảnh hưởng đến nền nhạc Việt.
Và khi ca sĩ trẻ xuất hiện trong các giải thưởng âm nhạc, như giải Cống hiến vừa khởi động, yếu tố nào quyết định sự có mặt của họ trong danh sách đề cử?
Chỉ cần “mới” là đủ?
Như chính con đường dài để nhìn lại quá trình, đánh giá một ca sĩ thành công hay thất bại, với ca sĩ trẻ cũng chỉ thể nhìn nhận họ ở giai đoạn, hay thời điểm nhất định. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất để các giải thưởng âm nhạc trong thời gian qua cân nhắc và ghi tên ca sĩ trẻ vào hạng mục Nghệ sĩ mới, Ca sĩ triển vọng… Mờ mịt như chính những gì công chúng đón nhận suốt thời gian qua về hiện tượng “sớm nở tối tàn” của không ít thần tượng, thần đồng âm nhạc trẻ, chúng ta bắt đầu nghi ngờ nhiều hơn về cái gọi là “cống hiến” của họ thực sự trong âm nhạc là như thế nào? Ngay cả khi chúng ta đặt ca sĩ trẻ vào những tính từ, đại từ để có danh xưng cho một hạng mục, vô hình trung đã tạo nên những ám thị về mặt tư chất, tài năng và sự cống hiến mà công chúng sẽ rất quan tâm. Nghệ sĩ “mới”, hay “triển vọng”… tất cả những mỹ từ đẹp đẽ ấy dành cho các nhân tố vừa xuất hiện này trên diễn đàn chung của nhạc Việt đã làm được gì, thành công ra sao, ghi nhận ở tác phẩm nào hay chỉ ồn ào và sôi nổi như chính cái tuổi nổi loạn của họ trong âm nhạc. Gần như hiện nay, do mặt bằng của ca sĩ trẻ chưa cao và hằng năm tuy số lượng nhiều nhưng để tìm ra một cái tên đủ sức hút cả về truyền thông lẫn tài năng thì rất hiếm, nên chúng ta ngầm xem từ “mới” như phạm trù cho cái tên vừa xuất hiện, ít người biết hơn là chữ “mới” trong cả nghĩa sáng tạo, khởi nguồn cho một trào lưu âm nhạc mới nào đó. Nhìn lại một số giải thưởng có hạng mục dành cho ca sĩ trẻ như Làn sóng xanh vừa qua đã trao cho Đinh Hương và Quốc Thiên giải Nam/nữ ca sĩ triển vọng, hay Phương Mỹ Chi bất ngờ chiến thắng Nghệ sĩ mới xuất sắc của Zing Music Awards 2013… Ngay cả tiêu chí và việc bình chọn ra nghệ sĩ, ca sĩ mới giữa những giải thưởng hiện nay đã phản ánh thực tế cách đánh giá và góc nhìn của họ về chữ “mới” như thế nào. Rõ ràng, Quốc Thiên không phải là gương mặt mới, sau nhiều thăng trầm làm nghề, nhiều album được phát hành, dù không ồn ào nhưng ca sĩ này lại thể hiện được tính nhất quán, con đường thông suốt về hình ảnh và phong cách âm nhạc nên đã được ghi nhận ở thời điểm thích hợp nhất. Và trường hợp của Đinh Hương được xem là phản ánh kịp thời của sự xuất hiện mới một nhân tố có sức hút ở dòng nhạc soul.
Tuy nhiên, Phương Mỹ Chi lại phản ánh góc nhìn khác về định nghĩa “mới” trong giải thưởng âm nhạc. Gây ấn tượng với giọng hát truyền cảm cho một cô bé đeo kính cận ở chương trình Giọng hát Việt nhí qua rất nhiều bài hát dân ca, Phương Mỹ Chi được số đông khán giả yêu thích và tung hô. Thế là cô bé nhanh chóng có mặt trong rất nhiều đề cử giải thưởng dành cho nghệ sĩ mới, ca sĩ trẻ… Nhưng nhìn nhận một cách rất khách quan, Phương Mỹ Chi mới chỉ có thể là “tiền” nghệ sĩ mới chứ hoàn toàn chưa thể khẳng định em là một nghệ sĩ mới. Quá trình hoạt động âm nhạc chưa có, tuổi nghề vẫn còn kém so với nhiều ca sĩ trẻ cùng thời điểm và sản phẩm âm nhạc chưa đủ tầm để ghi nhận sự cống hiến nào đó trong nền âm nhạc. Phương Mỹ Chi là một biểu hiện nữa của hiệu ứng số đông. Hiếm hoi tìm ra một giọng hát nhỏ tuổi có thể hát hay nhạc dân ca, thế là Phương Mỹ Chi tạo nên làn sóng yêu thích trong khán giả. Đương nhiên, thế giới đã có nhiều thần đồng âm nhạc từ khi còn rất nhỏ, họ đủ sức nhận giải thưởng lớn nhưng với đặc thù của nhạc Việt thì chúng ta chưa có những thần đồng như vậy. Từ khi có nhiều giải thưởng đến nay, Phương Mỹ Chi vẫn chưa có một sản phẩm nào để chứng tỏ em là nghệ sĩ của âm nhạc dù có vài show, MV lẻ tẻ… Trước rất nhiều ý kiến và tiêu chí nhìn nhận khác nhau đó, không bất ngờ khi Giải âm nhạc cống hiến bất ngờ loại cái tên Phương Mỹ Chi ra khỏi danh sách đề cử dành cho hạng mục Nghệ sĩ mới của năm. Đây cũng là lúc cần nhìn nhận rõ ràng hơn chữ “mới” và chữ “trẻ” trong đời sống âm nhạc hiện nay.
Văn Mai Hương
Hiệu ứng số đông “bức tử” tài năng
Khán giả càng thích sự ồn ào, hào nhoáng bên ngoài bao nhiêu thì ca sĩ mới, ca sĩ tài năng thực sự gần như thiếu đất sống và họ dần lui vào hoạt động “underground” nhiều hơn. Rất nhiều cái tên như: Uyên Linh, Văn Mai Hương mà ngay cả Hương Tràm chưa thể gọi là cũ nhưng với cách hoạt động của mình gần như họ không còn đủ sức thu hút số đông khán giả nữa. Ảnh hưởng của số đông đến với tâm lý e ngại của những nghệ sĩ mới khi thực hiện bất cứ dự án âm nhạc nào cũng có thực. Ngay cả gương mặt được cho là khá vững vàng với dòng nhạc của mình như Phương Vy cũng phải thực hiện một album nhạc xưa để chạy theo trào lưu nghe của khán giả hiện nay.
Hiền Thục
Hay nhìn vào danh sách đề cử của Giải âm nhạc cống hiến dành cho Nghệ sĩ mới của năm đã phản ánh được sự cân nhắc kỹ lưỡng khi xuất hiện bốn cái tên cũng có sự tác động ít nhiều từ phía khán giả và hiệu ứng số đông. Trong đó, Cát Tường chính là sản phẩm được tạo thành từ chương trình Giọng hát Việt. Có thể nói, Cát Tường là một sản phẩm của công chúng nhiều hơn chính bản thân tài năng của gương mặt mới này tạo cho cô một chỗ đứng trong làng nhạc. Nói Cát Tường là ca sĩ và nhạc sĩ, một hình ảnh lý tưởng dành cho nghệ sĩ trẻ cũng quá sớm vì từ sau cuộc thi đến nay, Cát Tường chưa có một bước phát triển nào dài hơn. Đúng như tiêu chí thời điểm mà Cát Tường xuất hiện trong danh sách đề cử cũng là điều dễ chấp nhận. Bên cạnh đó, ba cái tên như Đức Hùng, Đinh Hương và Trúc Nhân lại cho thấy nỗ lực không nhỏ của những người làm nên giải thưởng mong muốn cân bằng lại hiệu ứng số đông. Trúc Nhân không hẳn là không có nhiều khán giả nghe nhạc của anh, nhưng để gọi là hiện tượng của đa phần công chúng nghe nhạc Việt thì Trúc Nhân không phải là gương mặt tiêu biểu. Nhưng Trúc Nhân lại là ca sĩ được đánh giá nhiều hơn ở cá tính riêng và sự khác biệt. Đinh Hương cũng là một trường hợp tương tự. Rõ ràng, họ không phải là đối thủ của Phương Mỹ Chi hay Hồ Quang Hiếu về hiệu ứng khán giả, nhưng sẽ được ghi nhận nhiều hơn ở tài năng và xu hướng tạo nên sự khác biệt.
Uyên Linh
“Hiệu ứng số đông” đang áp đảo nhiều lên các hoạt động âm nhạc hiện nay. Nó có thực và sẽ không tách rời với thói quen nghe nhạc nhanh, “cả thèm chóng chán” của fan Việt. Những tác động và ảnh hưởng của nó không hề nhỏ và không ít giải thưởng đã phải chịu sự chi phối của nó khi đưa ra các hạng mục đề cử. Nhưng chính ở mặt trái của hiệu ứng số đông đó lại phản ánh cái nhìn thực tế hơn về tài năng, và nhân tố mới, ca sĩ trẻ trong làng nhạc của nhạc Việt nay có một đặc tính khá rõ ràng, đó là “thần tượng” đôi khi không phải là “người của số đông”.
Dạ Vũ