Hoạt động điều chế ma túy tổng hợp cũng diễn ra phức tạp ở một số địa bàn như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An…
Bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc Cơ quan UNODC tại Việt Nam, nhận định việc lạm dụng các chất từ thuốc phiện, đặc biệt là tiêm chích heroin, vẫn đang là vấn đề bức xúc ở Việt Nam, là nguyên nhân chính lây nhiễm HIV và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cộng đồng. Bà cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp đang ngày càng gia tăng và trở thành mối đe dọa mới đối với sức khỏe.
Theo thống kê, trên toàn quốc hiện có 171.400 người nghiện, tăng 12.900 người so với cùng kỳ năm ngoái. Có 49 địa phương có người nghiện tăng như: Thái Bình (746 người), Bình Dương (285 người), Thái Nguyên (279 người), Đà Nẵng (368 người)… Trong đó, số người nghiện từ 16 tuổi đến dưới 30 tuổi chiếm 50%, từ 30 tuổi trở lên chiếm 49,8%.
Cánh đồng cần sa
Có thể nói, từ Á sang Âu và đến tận châu Phi đâu đâu cũng có bóng dáng của các tổ chức buôn bán ma túy. Nhật báo Công giáo La Croix ngày 6-9 đã báo động tình trạng ấy qua bài viết “Buôn lậu ma túy, một vấn đề nan giải của cả hành tinh”. Theo báo này, các tập đoàn ma túy hiện có mạng lưới trải rộng khắp thế giới và ngày càng lớn mạnh nhờ tác động của quá trình toàn cầu hóa và việc xâm nhập ồ ạt vào thị trường các nước mới phát triển.
Số lượng người sử dụng các loại ma túy do báo La Croix đưa ra cao hơn nhiều so với báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Theo đó ước tính có khoảng 10 triệu người sử dụng heroin, 20 triệu người dùng cocaine, trên dưới 200 triệu người sử dụng cần sa, chưa kể nhiều triệu người dùng các chất ma túy tổng hợp.
Với số lượng khách hàng đông đảo đó, khoản tiền kiếm được từ việc mua bán ma túy dĩ nhiên là con số khổng lồ, ước tính lên đến gần 320 tỉ USD/năm.
Chính vì vậy, cho dù các chính phủ trên toàn cầu đã rất nỗ lực thì việc phòng chống ma túy của thế giới hiện nay vẫn tiếp tục là một cuộc “trường kỳ kháng chiến”.
Nguyễn Nam tổng hợp