Năm vừa qua là khoảng thời gian đầy biến động của làng thời trang thế giới, khi mà thời trang không chỉ quanh quẩn xung quanh những bộ sưu tập hay tuần lễ trình diễn, mà còn có sự thay đổi mang tính hệ thống và thậm chí liên quan đến chính trị.
“See now, Buy now” giúp gia tăng doanh số và chống đạo nhái
Có thể nói sự thay đổi được xem là bước ngoặt của thời trang năm nay là mô hình “See now, Buy now”, khi người xem thời trang trực tiếp hoặc gián tiếp có thể đặt hàng ngay sau khi buổi trình diễn kết thúc.
Để có thể thực hiện được điều này, nhiều thương hiệu, điển hình là Burberry đã phá lệ: Thay vì trình diễn bộ sưu tập trước khi bán ra sáu tháng, họ cho nó ra mắt vào đúng mùa. Điều đó giúp khách hàng có thể mua ngay những gì họ thích, không phải chờ đến nửa năm như trước. Mặt khác, việc thay đổi này còn giúp cho các thương hiệu tránh được tình trạng bị sao chép thiết kế. Nhiều nhà thiết kế như Tom Ford, Paul Smith, Ralph Lauren, Tommy Hilfiger… đã đi theo xu hướng này, nhưng cũng có một vài chuyên gia kỳ cựu như Karl Lagerfeld lại không mấy mặn mà, thậm chí còn phản đối.
Brexit – khó khăn và cơ hội
Ngày 23-6 năm ngoái, nước Anh tuyên bố rời khỏi EU. Quyết định này nhanh chóng gây ra những hệ lụy về kinh tế. Thời trang của xứ sở sương mù lập tức bị ảnh hưởng xấu khi đồng bảng liên tục rớt giá khiến các khâu sản xuất, phân phối và bán lẻ đều đi xuống. May thay, gần đây London trỗi dậy, trở thành điểm du lịch khá lý tưởng vì chi phí du lịch và mua sắm ở đó đã rẻ hơn trước rất nhiều, chưa kể mức độ an ninh cao. Một số hãng thời trang và trung tâm mua sắm lớn tại London như Burberry và Harrods cho biết lợi nhuận của họ tăng gấp đôi trong mùa Giáng sinh vừa qua. Trong khi đó, kinh đô ánh sáng Paris vốn thường xuyên đứng đầu về khả năng thu hút khách du lịch đã bị tụt hạng chỉ vì nạn khủng bố và trộm cắp hoành hành.
Các nhà thiết kế nữ lên ngôi
Ngành thời trang có doanh thu và lợi nhuận cao nhờ sức mua của phụ nữ. Vậy mà lâu nay nam giới thường nắm giữ các vị trí quan trọng của các nhà tạo mốt nổi tiếng. Thế rồi sau nhiều chuyển biến, gần đây phái yếu đã khẳng định được tài năng của mình, bằng chứng là nhiều thương hiệu lớn giao quyền định đoạt mẫu mã thời trang mới cho các nhà thiết kế nữ như Miuccia Prada, Donatella Versace, Phoebe Philo, Stella McCartney, Isabel Marrant hay Natalie Massenet – người sáng lập trang bán hàng cao cấp online net-a-porter…
Năm 2016 còn chứng kiến hai nhà thiết kế nữ được trọng dụng: Bouchra Jarrar đến với Lanvin và Maria Grazia Chiuri đến với Dior. Sự thay đổi này không chỉ mang lại làn gió mới cho các thương hiệu, mà còn là thông điệp về sự lên ngôi của phái yếu trong ngành thời trang.
Thời trang dính líu tới chính trị
Một trong những sự kiện chính trị nổi bật trong năm 2016 là cuộc chạy đua giành ghế tổng thống Mỹ giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton. Không chỉ người dân và giới truyền thông Mỹ, mà làng thời trang thế giới cũng rất ủng hộ bà Hillary.
Sau khi “bà trùm thời trang” Anna Wintour và tờ VogueMỹ ra sức hậu thuẫn, thương hiệu Elie Tahari thực hiện chiến dịch quảng cáo tôn vinh hình ảnh nữ chính khách xinh đẹp Hillary với khả năng quyết đoán và ăn vận sang trọng nhằm lôi kéo thêm phiếu bầu cho bà. Mặc dù bà Hillary không thể trở thành tổng thống nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến về nữ quyền trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thời trang, sẽ dừng lại.
Thời của người mẫu “con ông cháu cha”
Không phải những người mẫu với vẻ đẹp thời thượng và bước đi uyển chuyển thống trị sàn diễn thời trang trong năm qua, mà là những nàng “IT girl” – con gái rượu của một số nhân vật nổi tiếng. Nhiều thương hiệu chọn họ làm gương mặt đại diện, còn các tạp chí thời trang thì liên tục đưa họ lên trang bìa. Không một buổi trình diễn nào hay không một số báo nào lại vắng mặt chị em Gigi và Bella Hadid, Kendall Jenner, Cara Delavigne… Điều đó cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì thông qua lượng người đông đảo theo dõi trên mạng xã hội, các cô nàng “IT girl” này gây ảnh hưởng mạnh đến đối tượng khách hàng trẻ.
Vĩnh biệt Franca Sozzani
Sự ra đi vĩnh viễn của nữ tổng biên tập tạp chí Vogue Italy là một tin buồn đối với thời trang thế giới trong năm qua. Franca cùng Vogue Italy đã tạo ra một khái niệm hoàn toàn khác về tạp chí thời trang, đưa thời trang gắn bó chặt chẽ với cuộc sống. Bà là người duy nhất dám đưa những vấn đề về xã hội nóng bỏng lên tạp chí, biến nó thành những câu chuyện thời trang giàu cảm hứng.
Điều gì sẽ nổi bật trong xu hướng thời trang năm 2017?
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phần nào làm thay đổi xu hướng thời trang. Nhà dự báo xu hướng thời trang nổi tiếng Lidewij Edelkoort dự đoán rằng có thể sắp tới, cách ăn mặc của chúng ta sẽ thay đổi, cụ thể hơn là phong cách ăn mặc hào phóng và cầu kỳ mang âm hưởng của lịch sử như áo corset, tay phồng và cổ áo kiểu thanh giáo sẽ lại lên ngôi.
Ngoài ra, bà còn dự đoán rằng việc nữ ứng viên Hillary tham gia tranh cử cũng tạo ảnh hưởng đến thời trang. Bên cạnh đó, sự phát triển của phong trào bình đẳng giới sẽ khiến xu hướng ăn mặc của nam giới có phần mềm mại hơn, cả về màu sắc và chất liệu.
Xu hướng kết hợp trình diễn xen kẽ các bộ sưu tập dành cho nam và nữ có thể sẽ đe dọa sự tồn tại của những tuần lễ thời trang dành riêng cho nam giới (thiếu cả kinh phí tổ chức lẫn thời gian và khách mời).
Khi mà giới tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tình trạng biến đổi khí hậu, thời trang cao cấp cũng sẽ cố gắng thân thiện với môi trường hơn. Nhiều hãng thời trang cao cấp, điển hình là adidas, đã nghiên cứu thành công mẫu giày làm bằng vật liệu tái chế từ rác thải biển. Thời trang xa xỉ cũng bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng chất liệu nhân tạo hoặc có nguồn gốc thực vật cũng như phương thức nhuộm da hữu cơ…