Lâu nay, Paris, Milan, London và New York được coi là bốn địa điểm tổ chức tuần lễ thời trang đẳng cấp nhất vì luôn quy tụ những nhà tạo mốt lừng danh, nhưng có vẻ như mọi thứ đang thay đổi.
Không phải ngẫu nhiên mà bốn địa danh thời trang nói trên lại có vị trí cao sang như thế. Mỗi địa danh đều mang trong mình nét đặc trưng và phong cách thời trang riêng. Paris nơi hội tụ của thời trang mang phong cách Pháp đỉnh cao với những nhà tạo mốt hội tụ những yếu tố cao cấp về chất lượng và sức sáng tạo. Milan có truyền thống tạo phong cách lịch lãm bằng kỹ thuật lên đồ cầu kỳ, tỉ mỉ. London là cái nôi sản sinh những nhân tài mới và nuôi dưỡng tài năng, còn New York lại thể hiện một tinh thần rất Mỹ – nhanh, hiện đại và thực dụng.
Nói chung, đó vẫn là những cái tên danh giá để mọi nhà thiết kế hay thương hiệu thời trang trên thế giới tìm cách được xuất hiện trong lịch diễn chính thức dù họ biết cái giá phải trả không hề rẻ. Mục đích thực sự của những tuần lễ thời trang là để giới thiệu mẫu mới và các tài năng thiết kế hay thương hiệu thời trang khẳng định tên tuổi của mình trong thế giới thời trang. Ban tổ chức yêu cầu người tham gia phải hội đủ nhiều tiêu chí để có thể tham gia đều đặn, ngoại trừ những tên tuổi lớn như nhà thiết kế Azzedine Alaia thì thích trình diễn lúc nào cũng được. Việc càng ngày càng có nhiều tên tuổi trẻ tham gia tuần lễ thời trang khiến cho khâu tổ chức và sắp đặt lịch trở nên khó khăn hơn bởi ai cũng muốn được sự chú ý từ truyền thông và giới mộ điệu. Thế nhưng trong khi những cái tên cũ đã trở nên quá quen thuộc tới mức bắt đầu gây cảm giác nhàm chán thì những cái tên mới vẫn chưa có cơ hội được thể hiện. Điều đó làm cho các tuần lễ thời trang của bốn trung tâm nói trên có dấu hiệu bão hòa và kém tưng bừng.
Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn đang tiếp diễn. Chỉ sau một thời gian tạo được tên tuổi tại London hay New York, các nhà thiết kế trẻ biết vận dụng nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng” để tìm kiếm những nơi có cơ hội được chú ý và đầu tư mạnh hơn và hiển nhiên, điểm đến được chọn đầu tiên là Paris. London được xem là nơi đánh mất nhiều nhân tài nhất. Mặc dù nơi đây có nguồn cung cấp nhân tài là Central Saints Martin danh tiếng nhưng vẫn không đủ sức níu chân người giỏi. Những John Galliano, Alexander McQueen, Stella McCartney, Gareth Pugh… từng bừng sáng tại đó và cũng đều đã ra đi. Nhận thấy sự bất ổn này, chính quyền sở tại đã có những động thái kêu gọi “lòng yêu nước” để kéo những thương hiệu này về. Hiện nay, Tuần lễ thời trang London đã có những thương hiệu đủ mạnh để so với Milan hay Paris như Alexander McQueen, Burberry, Christopher Kane, J.W. Anderson…
New York Fashion Week đang bị đánh giá là “trong vùng nguy hiểm” khi tuần lễ thời trang này vốn dĩ không nhận được nhiều sự chú ý do chất lượng không cao của các bộ sưu tập trên sàn diễn cũng như có quá nhiều sự kiện không chính thức được “ăn theo”. Dù vẫn có trong tay những tên tuổi gạo cội như Marc Jacobs, Tom Ford, Michael Kors, Alexander Wang hay mới đây là Raf Simons (đầu quân cho Calvin Klein) nhưng vẫn không ngăn được sự ra đi của các thương hiệu như Thom Browne, Altuzarra, Rodarte, Proenza Schoular… Áp lực từ việc những bộ sưu tập trình diễn phải bán được để tồn tại khiến cho các thương hiệu chỉ tập trung vào trang phục ứng dụng, làm mờ nhạt chính mình tại thương trường khốc liệt. Có lẽ những người tổ chức New York Fashion Week quên rằng mấu chốt của thương hiệu thời trang vẫn là dấu ấn đặc trưng và sự nhận diện thương hiệu, trong khi thực tế diễn ra lại hoàn toàn ngược lại.
Trong lúc đó, bừng sáng tại châu Á, Seoul và Tokyo đang “lăm le” lọt vào top 4 tuần lễ thời trang lớn nhất của thế giới. Mỗi nơi có chiến thuật riêng nhưng tựu chung là vẫn phải dựa trên các tiêu chí về sự tươi mới, sức trẻ, tính độc đáo và tiềm năng về thương mại. Trong cuộc chạy đua của hai ứng viên mới, Tokyo Fashion Week có phần nhỉnh hơn bởi bên cạnh mức độ sáng tạo độc đáo của mình, nơi đây còn nhận được sự hỗ trợ lớn từ những nhân vật đóng vai trò quan trọng đối với thời trang kỷ nguyên số là Amazon và DHL.
Nếu ví các tuần lễ thời trang như những cuộc đua thì có thể dễ dàng thấy được cục diện của cuộc chơi đang có sự thay đổi khi New York đang tụt lại phía sau, còn Seoul và Tokyo đang nhắm vào vị trí thứ tư. Dù sao đi nữa thì đây là dấu hiệu không đáng buồn vì thời trang luôn cần đổi mới, nhất là những thay đổi bất ngờ.
- Hoàng Lê