2. FSA lật đổ Assad và thực hiện thành công tiến trình chuyển tiếp dân chủ đa sắc tộc và đa tôn giáo. Đây rõ ràng là hy vọng của Mỹ và các đồng minh châu Âu nhưng theo giới phân tích, phương Tây ít cơ hội để sớm thỏa mãn mong muốn này. Ngay cả khi FSA giành thắng lợi về quân sự, thì việc thành lập một hệ thống chính trị dân chủ cũng không thể trở thành hiện thực trong chốc lát. Không đơn giản là tại Syria chưa từng tồn tại một truyền thống dân chủ mang giá trị phương Tây, mà việc nước này được trang bị một nền kinh tế què quặt và một xã hội dân sự kém phát triển cũng là một vấn đề. Đây quả là một trở ngại to lớn, bởi nền kinh tế phát triển bên cạnh một xã hội dân sự năng động luôn là những điều kiện quan trọng cho việc thiết lập một hệ thống chính trị ổn định, khoan hòa và dân chủ. Đó là chưa nhắc tới những chia rẽ, mâu thuẫn sâu sắc giữa các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc. Các nhân tố gây bất ổn chồng chất này rõ ràng là những trở ngại không dễ vượt qua đối với mọi nỗ lực xây dựng một nước Syria dân chủ.
Một nhóm thành viên FSA đang kiểm tra lại vũ khí trên đường phố
3. Lực lượng nổi dậy giành thắng lợi quyết định và thiết lập một nhà nước chuyên quyền. Đã có những dấu hiệu cho thấy lo ngại về ưu thế vượt trội của các phần tử Hồi giáo cực đoan trong lực lượng nổi dậy là hoàn toàn xác đáng. Hơn nữa, có một thực tế là một số nhóm nổi dậy đã manh nha sử dụng kinh nghiệm chiến đấu thường có ở mạng lưới al-Qaeda. Điều này không có gì ngạc nhiên nếu xét đến ảnh hưởng của chính trị thần quyền Ả Rập Saudi đối với phe đối lập. Ngay cả khi phe nổi dậy thành công trong việc thâu tóm quyền kiểm soát đối với phần lớn đất nước và duy trì được lợi thế này (một giả định rất lạc quan), thì Syria hậu Assad vẫn cho thấy nhiều cơ hội Hồi giáo hóa và chuyên quyền hơn là dân chủ. Thực tế, so với Iraq, Ai Cập và Lybia, các lực lượng Hồi giáo ở Syria đang có được một vị trí thuận lợi hơn các phe phái thế tục dân chủ, và viễn cảnh dân chủ tại các nước này nhìn chung đều không có nhiều hứa hẹn.
4. Syria bùng nổ và bị chia thành nhiều lãnh địa hoặc tiểu bang, được hình thành tùy theo các chuẩn mực sắc tộc hoặc giáo phái. Kịch bản này được tính đến dựa theo thành phần phức tạp của dân cư, tức là theo các khu vực tôn giáo, sắc tộc và cũng là một trong những kịch bản có khả năng xảy ra nhất. Hiện nay, quân đội của Assad do người Alawite lãnh đạo đang có dấu hiệu cố tính thiết lập một “vùng ẩn náu” cho người Alawite và người Cơ Đốc giáo tại miền Tây đất nước. Nếu không có sự can thiệp ồ ạt của Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc của Mỹ và các đồng minh châu Âu chủ chốt, liên minh sắc tộc – tôn giáo nói trên có thể đủ mạnh để thiết lập một thực thể riêng như vậy. Nhưng đó chỉ là giai đoạn ban đầu chứ không phải giai đoạn cuối cùng của “một Syria tan đàn xẻ nghé”. Người Kurd ở nước này cũng đã bắt đầu thiết lập các trạm kiểm soát tại khu vực Tây Bắc, nơi cộng đồng này có ưu thế chiếm đa số. Dường như việc thành lập một nhà nước Kurd độc lập theo hình ảnh được thấy ở Iraq có thể trở thành một xu hướng khó đảo ngược.
Tất cả các kịch bản nêu trên đều hàm chứa những tác động và hậu quả tiêu cực đối với ổn định của khu vực. Syria đang thực sự là một con tốt trên bàn cờ tranh giành ảnh hưởng giữa Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Ngay cả khi giữ được chính quyền thì Assad cũng vẫn phải tiếp tục đương đầu với một cuộc nổi dậy tiềm tàng do người Hồi giáo Sunni đóng vai trò chủ đạo và được cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Ả Rập Saudi hậu thuẫn. Ngược lại, nếu thắng lợi cuối cùng thuộc về người Sunni, với kết quả là sự ra đời của cái gọi là “nền dân chủ” hoặc một “chính thể quyền chế”, thì dư luận lập tức sẽ được chứng kiến những biện pháp phản công của Iran, một cường quốc Shiite thực sự tại khu vực. Chưa hết, một Syria “tan đàn xẻ nghé” sẽ trở thành chiến trường ủy quyền triền miên cho tất cả các cường quốc khu vực nói trên. Đa số giới chuyên gia chính trị phương Tây theo dõi tình hình Syria đều nhất trí rằng một khi chế độ Assad sụp đổ, sự ra đời một kỷ nguyên ổn định và tự do tại nước này chỉ là một ảo tưởng, tương tự những gì đã diễn ra tại Iraq sau sự sụp đổ của chế độ Saddam. Con đường hướng tới tương lai chắc chắn không chỉ cực kỳ gập ghềnh với Syria mà với cả khu vực Trung Đông. Chắc chắn Mỹ và các thành viên chủ chốt ở châu Âu đều đã được cảnh báo để phải giữ khoảng cách đối với các mối nguy hiểm tiềm tàng này.
T.L tổng hợp