Bồn binh và bùng binh trong từ điển
Từ cuối thế kỷ 19, từ bùng binh đã được ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị với nghĩa là “khúc sông rộng lớn mà tròn” (Huình Tịnh Paulus Của, 1895, tr.79).
Thanh Nghị trong Việt Nam tân từ điển (1951) chú nghĩa bùng binh là “Vật bằng đất, trống ruột, có rạch một cái kẻ dùng để dành tiền” (tr.161). Vật này giống con heo đất/ ống heo để dành tiền. Và ở mục từ bồn binh: “[danh từ, tiếng Pháp: square, place] Vườn có cây hoa hình tròn ở chỗ công cộng (thường trước kia có ban nhạc nhà binh hay lại đó tấu nhạc cho dân chúng nghe)” (tr.152).
Dictionnaire Vietnamien Chinois Francais (1957) của Eugène Goun giảng về bồn binh: “Square, place (autrefois les soldats y donnaient des concert de musique, d’où le nom “bồn binh” (tr.110). [quảng trường, nơi (ngày xưa lính đến biểu diễn âm nhạc, từ đó gọi là “bồn binh”]. Còn mục từ bình bùng là “tirelire” [ống heo] (tr.120). Bình bùng là một cách đọc khác của bùng binh.
Việt Nam bách khoa từ điển (1961) của Đào Đăng Vỹ thì giải thích từ bùng binh với hai nghĩa khác nhau: “Cái hộp, cái bình, cái thùng có lỗ nhỏ để bỏ dành tiền. Chỗ vòng tròn như cái bùng binh, công trường: chỗ bùng binh trước chợ Bến Thành. (Pháp) tire-lire. Rond-point, place publique. (Anh) Money-box. Circus, pulic square” (tập 2, tr.111).
Về sau, nhiều sách cũng viết cơ bản như vậy. Nhưng trong Từ điển tiếng Việt (2007) của Quang Hùng và Khắc Lâm chua nghĩa bồn kèn:
“Nền cao hình đa giác có lan can sắt, ở giữa mối đường rộng để thỉnh thoảng đoàn nhạc nhà binh đến trổi nhạc cho dân chúng nghe giải trí (thời Pháp thuộc)” (Nxb Từ điển bách khoa, tr.82).
Đây là lần đầu tiên từ bồn kèn xuất hiện trong từ điển tiếng Việt, từ một địa danh cụ thể là “Bồn Kèn” xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 ở giao lộ Nguyễn Trãi – Lê Lợi ngày nay, trở thành một danh từ chung.
Cũng trong sách này, bồn binh được chép lại từ định nghĩa trong Từ điển Việt Nam (1970) của Lê Văn Đức (tr.82) và từ bùng binh được chuyển chú sang bồn binh (tr.88).
- Xem thêm: Luẩn quẩn những vòng bùng binh
Qua các tự điển phát hành xưa nay, tôi thấy trong các từ điển ở miền Bắc, thì bùng binh được hiểu là “khoảng đất rộng, nối các trục đường” hoặc “vòng xoay”, “vòng tròn”, “quảng trường” ở các giao lộ, và “Vật bằng đất, trống ruột, có rạch một cái kẻ dùng để dành tiền” (tức heo đất). Các từ điển này đều chuyển chú “bồn binh” sang “bùng binh”.
Còn các từ điển trong Nam thì hiểu bùng binh, ngoài nghĩa là “khoảng đất rộng, nối các trục đường”, thì còn hiểu sai về bùng binh như “Khoảng sông rộng nối liền các nhánh sông” (Huỳnh Công Tín), “chỗ nước sâu và rộng trong một đám ruộng” (Bùi Thanh Kiên).
Định nghĩa “khúc sông rộng lớn mà tròn” của Huình Tịnh Paulus Của là chính xác và sớm nhất (1895), chứng tỏ từ bùng binh có trước từ bồn binh.
Đầu thế kỷ 20 với sự xuất hiện “bồn binh” đầu tiên ở Sài Gòn và cũng của miền Nam ở vị trí giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi, thường gọi là ngã tư “Bồn Kèn”, nơi hàng tuần, lính Tây thường biểu diễn nhạc cho dân chúng xem, sau này mới gọi là “bùng binh” Cây Liễu, có đài phun nước.
Từ đó, xuất hiện danh từ “bồn binh” (Việt Nam tân từ điển, 1951), hiểu là cái bồn, nơi binh lính tụ tập để biểu diễn âm nhạc. Nó mượn hình ảnh cái bồn để chỉ “chậu sành” hay “khoảng đất trồng hoa cảnh hình cái chậu” (Đào Văn Tập, Tự điển Việt Nam phổ thông, 1951, tr.99).
Và do “bồn binh” xuất hiện ở giao lộ, có hình vòng tròn, nên người ta đã dùng từ “bùng binh”, vốn chỉ một loại địa hình trên sông, để gọi tên cho nút giao thông trong thành phố có “vòng xoay ở giữa tỏa đi các hướng”.
Từ “bồn binh” có nghĩa tương đương với “bùng binh”, chủ yếu ở các từ điển của miền Bắc, nhưng trên thực tế người Nam bộ vẫn quen gọi là “bùng binh”.
Gần đây, Bộ Giao thông vận tải cho ghi bảng tên các nút giao thông này là “vòng xuyến”, liền bị dân tình phản ứng nên phải thay trở lại là “bùng binh”.
Bùng binh trong địa danh
Nam bộ có khá nhiều địa danh mang tên Bùng Binh, được đặt cho rạch, vàm, núi, cầu, đường, xóm, ấp… Trước năm 1945, ở khu vực Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) có con rạch mang tên Bùng Binh.
Khu vực quận 3, quận 10 ở TP. Hồ Chí Minh cũng có rạch Bùng Binh, nối từ Bộ Tư lệnh TP. Hồ Chí Minh (khu vực Câu lạc bộ Lan Anh), chảy qua đoạn cống ngầm dưới đường Cách Mạng Tháng Tám ra kinh Nhiêu Lộc, dài 500m.
Đầu thế kỷ 21, rạch này được đặt cống ngầm để làm thành con đường mang Rạch Bùng Binh ngày nay.
Tên rạch Bùng Binh đã xuất hiện trên bản đồ của Pháp năm 1923. Ta thấy rõ ràng con rạch Bùng Binh nối ra kênh Nhiêu Lộc, gần như ôm trọn một doi đất giống như cù lao ở giữa, có đường xe lửa cắt ngang con rạch.
Một con rạch dài 5km và một cây cầu mang tên Bùng Binh ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng (Cần Thơ), chảy xuyên hương lộ 10.
Bùng Binh là tên gọi của đoạn sông Sài Gòn chảy qua địa phận các xã Đôn Thuận, Hưng Thuận (Trảng Bàng), từ rạch Ụ đến cầu Cả Chúc, dài 3km.
Đoạn sông Sài Gòn chảy qua khu vực Đôn Thuận uốn cong như một con rồng, ở ngay phía chân ngôi mộ Trùm Cả Đặng Thế Trước, vị tiền hiền của xứ Trảng Bàng.
Vào cuối mùa thu hoạch lúa hay mùa mưa, ở đoạn sông Sài Gòn uốn khúc quanh co này có nhiều rơm rạ, lục bình, cây gỗ lớn từ thượng nguồn trôi xuống, đến đây các vật trôi cuộn lại thành vòng xoáy, xoay tròn nhiều ngày sau đó mới tiếp tục xuôi về hạ lưu (Vương Công Đức, Trảng Bàng phương chí, tr.460-461).
Tên của nó còn được đặt cho ấp, cầu (đường tỉnh 787), bến đò, ngã ba, trường tiểu học trong khu vực này.
Địa danh Bùng Binh này nổi tiếng đến mức được nhắc đến trong Đại Nam quốc âm tự vị với “tên chỗ ở về Tây Ninh” (tr.79).
Một cây cầu trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nối với Tây Nam bộ, bắc qua con rạch này, bị tạm dừng đầu tư từ năm 2011. Hiện, đoạn Chơn Thành – Đức Hòa (đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An) đang được đề xuất làm đường cao tốc.
Vĩnh Long có vàm Bùng Binh, ấp Long Hưng (phường 5, TP. Vĩnh Long).
Theo Trần Minh Thương (Sóc Trăng), ở chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) trước đây xuất hiện một xoáy nước rất mạnh, đường kính non 1 mét, gọi là bùng binh Ngã Năm, ghe xuồng rất sợ khi đi ngang qua đây.
Chợ nổi Ngã Năm là giao điểm năm con sông đi các ngả: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thạnh Trị, Phụng Hiệp.
Bùng binh nằm đúng năm ngả sông, nay do các đập ngăn mặn, và các kênh dẫn nước nên nước xoáy yếu đi nhiều.
Hiện nay, nhiều người lớn tuổi ở đây vẫn dùng địa danh bùng binh Ngã Năm để chỉ cho mọi người biết khoảng sông mênh mông chỗ giao nhau của năm dòng sông.
Núi Bùng Binh ở phường Bửu Long, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và núi Bùng Binh thuộc ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai).
Dọc theo xã Suối Cát, men theo quốc lộ, nằm sâu bên trong cũng có dãy núi mang tên Bùng Binh, thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Nơi này có chợ chuối tồn tại nhiều năm nay và rất sôi động vào những ngày giáp tết.
Cầu Bùng Binh trên đường huyện 30, thuộc huyện Châu Thành (Trà Vinh). Cầu Long Thanh ở phường 5, TP. Vĩnh Long, xây bằng gỗ tạm năm 1900, thay bằng sắt năm 1937, cũng gọi là cầu Bùng Binh.
Xóm Bùng Binh ở xã Hòa Thành, TP. Cà Mau. Bùng Binh còn được đặt cho tên ấp ở các địa phương như: xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh); xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa (Long An); xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau); xã Long Hòa, huyện Châu Thành (Trà Vinh); huyện Chợ Mới (An Giang) v.v…
Công trường trước chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh) thường gọi là bùng binh Sài Gòn hay bùng binh Quách Thị Trang. Thời Pháp thuộc gọi là bùng binh Cuniac, năm 1955 đổi tên là Diên Hồng, sau năm 1963 đổi thành tên trên.
- Xem thêm: “Trả lại em yêu”: Bùng binh cây liễu
Tóm lại, hai từ “bồn binh” và “bùng binh” đều là phương ngữ Nam bộ. Từ “bùng binh” xuất hiện trễ lắm vào cuối thế kỷ 19, để chỉ một dạng địa hình dưới nước.Còn “bồn binh” ra đời vào đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn, dùng để gọi “giao lộ ở giữa có vòng xoay”.
Ở miền Bắc “bồn binh” còn được hiểu là “heo đất”. Dựa vào đặc điểm “rộng lớn mà tròn”, nên “bùng binh” từ một loại thủy danh (“vòng xoáy nước”), được chuyển nghĩa để chỉ “giao lộ ở giữa có vòng xoay” còn được gọi là “bồn binh” ở các thành phố, một địa hình ở trên bờ.
“Bồn kèn” là từ phái sinh của từ “bồn binh”, từ một địa danh cụ thể nó biến thành danh từ chung trong từ điển.
“Bùng binh” vẫn được sử dụng phổ biến trong các từ điển lẫn trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đây là hiện tượng chuyển nghĩa rất lý thú trong phương ngữ Nam bộ, thể hiện dấu ấn sông nước trong tư duy của cư dân vùng đất này.