Sau gần 50 năm chói sáng trên bầu trời, từng là một trong những biểu tượng đánh dấu sự bùng nổ của ngành vận chuyển hàng không thế giới, chiếc Jumpo Jet đã kết thúc sứ mệnh vận chuyển hành khách ngay tại quê hương của nó. Trong tháng 11 vừa qua, các hãng hàng không vận chuyển hành khách của Mỹ đã chính thức thông báo chuyến bay chở khách cuối cùng của dòng máy bay Boeing 747 đã được thực hiện, tạo nên một nỗi buồn về sản phẩm từng đem lại nhiều thành công nhất cho ngành chế tạo máy bay của Mỹ.
Từ cuối năm nay, hành khách của các hãng hàng không Mỹ sẽ không còn có cơ hội được ngồi trên những chiếc Jumpo Jet B747 trong các chuyến bay thông thường nữa vì con chim sắt khổng lồ này chỉ chở khách trên những chuyến bay thuê hoặc chở hàng hóa. Thời đại hoàng kim của B747 bắt đầu khi Boeing cho ra mắt mẫu máy bay vốn được xem là một sự đột phá đầy ấn tượng của ngành vận chuyển hàng không Mỹ hồi cuối thập niên 1960. Nếu tính từ chuyến bay thương mại đầu tiên được khai thác từ năm 1970 thì Boeing 747 đã được sử dụng để vận chuyển hành khách đã gần 50 năm. Trước khi các hãng hàng không Mỹ công bố chuyến bay cuối cùng của B747, nhiều hãng hàng không lớn khác như Air France hay KLM cũng đã nói lời chia tay với mẫu máy bay này. Nói vậy nhưng hành khách vẫn còn cơ hội bay cùng B747 khi chọn các các hãng hàng không Lufthansa, Korean Air, Qantas hay British Airways, cho dù vài hãng cũng đã chuẩn bị chia tay B747.
Đươc xem như là một biểu tượng máy bay thương mại của mọi thời đại nhưng vị thế của B747 trong những năm qua bị lung lay bởi sự xuất hiện những dòng máy bay sử dụng động cơ đôi có khả năng đem lại nhiều lợi ích hơn. Với 1.500 chiếc đã được sản xuất và khai thác toàn thế giới sau gần 50 năm, B747 hiện không còn là mẫu máy bay được ưa chuộng dù có sức chuyên chở lớn, mà lý do đơn giản là không đem lại hiệu quả kinh doanh như mong muốn vì tiêu hao quá nhiều nhiên liệu. Sở hữu bốn động cơ khổng lồ, Boeing 747 từng được xem như là một chìa khóa mở bung cánh cửa, tạo ra sự bùng nổ phát triển của ngành vận chuyển hàng không Mỹ. Khả năng vận chuyển lên đến 600 hành khách trong một chuyến bay, có thể thực hiện những chuyến bay xuyên lục địa với khoảng thời gian được rút ngắn, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng du lịch và sự hợp tác quốc tế chính là những thành tựu mà Boeing 747 đã ghi dấu ấn trong lịch sử của ngành hàng không dân dụng.
Thực tế cho thấy sự kết thúc của Boeing 747 cũng là hệ quả của sự thay đổi xu hướng lựa chọn cách bay của hành khách. Nếu như trong thời hoàng kim của B747, hầu hết các chuyến bay quốc tế đường dài được khai thác độc quyền giữa các sân bay lớn và thường xuyên phải quá cảnh tại nhiều điểm thì ngày nay, hành khách ưa chuộng những chuyến bay trực tiếp, không điểm dừng và quan trọng là họ cũng không có nhu cầu phải đáp xuống những sân bay chính. Một thời, sở hữu vị thế nắm giữ những trục đường bay chính kết nối giữa châu Âu, Mỹ với châu Á, B747 đẩy các dòng máy bay tầm trung như B727, B737 hay A320 đảm nhận vai trò trung chuyển hành khách cho mình. Thế rồi, sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật chế tạo máy bay cùng sự thay đổi về nhu cầu di chuyển của hành khách đã kích thích sự xuất hiện những dòng máy bay như B767, B787, B777 hay Airbus A330 và cả A380… Sự hình thành những trục đường bay trực tiếp nối hai thành phố nhỏ thuộc châu Âu và châu Á cùng với sự xuất hiện của đối thủ A380 với khả năng tải số lượng khách nhiều hơn được xem như một cú knock-out dành cho B747.
Tuy nhiên, thời đại của Boeing 747 chưa hoàn toàn toàn kết thúc khi Qatar Airways mới đây thông báo dự định sẽ khai thác dịch vụ chở hàng bằng dòng Boeing 747-8 vốn hiện không có đối thủ xứng tầm trong cùng phân khúc. Lợi thế về thiết kế với phần mũi máy bay có thể được mở ra để vào bên trong hầm hàng đem lại nhiều đơn đặt hàng cho Boeing 747 phiên bản chuyên chở hàng hóa. Bản thân nhà sản xuất Boeing cũng chưa thể hoan hỷ vì lượng đặt mua phiên bản này còn rất hạn chế, mỗi năm chỉ xuất xưởng được vỏn vẹn… sáu chiếc!
Cho dù đã có một sự sa sút về phương diện kinh doanh nhưng Boeing 747 còn giữ được vị thế khi vẫn được chọn là dòng máy bay duy nhất chuyên vận chuyển các tổng thống Mỹ trong những chuyến công du. Hình ảnh của những chiếc Air Force One khi xuất hiện tại bất kỳ nơi nào trên thế giới luôn tạo được sức cuốn hút lớn. Boeing 747 đang sắp hoàn toàn rời khỏi thị trường vận chuyển hành khách thương mại và cả đối thủ là A380 cũng đang được dự đoán là khó tránh khỏi kết cục tương tự trong vài năm nữa để nhường chỗ cho những dòng máy bay hiện đại hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và cũng phù hợp với thị hiếu của hành khách hơn.