Nhìn vào gương mỗi ngày có thể là một cố gắng không dễ chịu cho những người khởi nghiệp. Đó là khoảnh khắc thật khi họ để nỗi lo âu thoát ra và tự hỏi rằng sẽ còn bao nhiêu stress, bao nhiêu thất vọng và nếp nhăn nữa trước khi chạm được con số cần đạt hoặc có thể bắt tay với nhà đầu tư. Đó là lúc họ đối diện với những bí mật của chính mình. Những bí mật mà họ không thích ai khác phát hiện ra. Họ có thể cảm thấy bị cô lập, nhưng chắc chắn không đơn độc.
Mọi người thích giữ bí mật và nhà khởi nghiệp không là ngoại lệ. Sự thật, có ba bí mật riêng có thể cản trở người khởi nghiệp đạt đến thành công lớn hơn, nhanh hơn: hội chứng kẻ mạo danh, dính mắc vào sự tự chỉ trích và tình trạng tự so sánh. Nếu không được nhận diện, những phiền muộn này có thể đốn ngã sự thành công của họ. Tuy nhiên, một khi có thể vượt qua, điều này không chỉ giải phóng tiềm năng mà còn giúp các doanh nhân đạt được và thường là vượt xa mục tiêu của họ.
Hội chứng kẻ mạo danh
Hội chứng này xảy ra khi người khởi nghiệp cảm thấy không đủ năng lực hoặc liên tục tự nghi ngờ, điều này vẫn tồn tại cho dù điều ngược lại mới chính là sự thật.
Các doanh nhân khởi nghiệp thường lặp đi lặp lại với chính họ: “Tôi không thuộc về nơi này. Tôi không đáng để được chú ý và nhìn nhận về sự quan trọng, rồi mọi người sẽ phát hiện ra điều này…”. Thật không may là ngay cả nhiều doanh nhân thành công, tài năng vẫn tin rằng họ không đủ giỏi và đủ lực để tham gia cuộc chơi. Điều này có thể dẫn đến những cách hành xử không phù hợp nhằm che giấu nỗi sợ hãi ấy.
Họ cũng có thể né tránh chấp nhận mạo hiểm để không làm lộ ra những khiếm khuyết hoặc bằng lòng đạt được ít hơn, không tin rằng họ xứng đáng với những kết quả và cơ hội lớn hơn. Nỗi sợ đó phá hỏng sự thành công của họ biểu hiện qua những sai lầm trong thực tế và những thất bại tự gây ra.
Một khi doanh nhân khởi nghiệp thay thế được những cảm xúc này và sự hoang tưởng về việc sẽ bị phát hiện là “một doanh nhân giả danh” bằng những đánh giá thực tế và lành mạnh hơn về điểm mạnh và sự đóng góp của họ, họ sẽ có được sự tự tin. Và khi họ ít tập trung hơn vào những lỗ hổng kỹ năng của bản thân và tập trung nhiều hơn vào cách tốt nhất để tận dụng tài năng, năng lực của họ, họ sẽ tạo nên giá trị mới.
Dính mắc vào sự tự chỉ trích
Điều này xảy ra khi người khởi nghiệp bị mắc kẹt trong những sai lầm của quá khứ đến mức họ không thể tin vào thành công của tương lai. Nhà khởi nghiệp là những người nổi tiếng khắc nghiệt với những sai lầm và thất bại lúc ban đầu. Họ thường cho phép những khoảnh khắc được xem là đáng tiếc này làm hỏng tiềm năng của họ hoặc xóa đi khả năng thực hiện thành công ý tưởng kế tiếp.
Những dính mắc trong quá khứ này ảnh hưởng đến cách thuê người và sa thải nhân viên, cách thức và thời điểm ra quyết định, những mối quan hệ và hợp tác mà họ ưu tiên. Họ định nghĩa bản thân bằng những sai lầm thay vì sự hiểu biết mà họ có được từ những lần lỡ bước và nhận ra cách mà họ có thể chuyển hóa kiến thức đó thành sự khôn ngoan để tránh những sai lầm tương tự sau này.
Cho qua sự giận dữ và hận thù chống lại chính mình có lẽ còn khó hơn bỏ qua chuyện người khác xâm hại chúng ta. Nhưng, nhà khởi nghiệp bắt buộc phải làm điều đó. Điểm mấu chốt không phải là tránh trách nhiệm mà là chấp nhận trách nhiệm cho bài học đã trải qua. Một khi nhà khởi nghiệp nhận ra rằng kinh doanh và cuộc đời là những cung đường cần phải học tập dài lâu, họ sẽ sẵn sàng hơn để bỏ qua những sai lầm của quá khứ, họ có thể mang lại thành quả cho ý tưởng kế tiếp một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tình trạng so sánh
Đây là một trong những hình thức xấu nhất của sự tự lạm dụng ở nhà khởi nghiệp. Nhiều người quá bận so sánh với doanh nghiệp và doanh nhân khác, sống trong thế giới “nên có” và “nên là” quá nhiều đến mức đánh mất sự tập trung vào con đường của chính họ. Khi tự so sánh theo cách này, họ có thể đi lệch sang hướng khác, thử con đường của người khác. Họ pha loãng tài năng của mình và cuối cùng đánh mất “phép thuật” của riêng họ.
Khi điều này xảy ra, họ “trôi dạt” quá xa, thường kiệt sức và đánh mất những người ủng hộ họ. Ngược lại, kiên định trên con đường của chính bạn là dành toàn lực cho sự tập trung, năng suất và kết quả.
Khi các doanh nhân khởi nghiệp sẵn lòng để lộ những bí mật này – dù chỉ là cho chính họ, và nỗ lực giải quyết chúng – họ có thể chuyển biến tích cực và đạt được thành công lũy tiến trong kinh doanh. Những nhà khởi nghiệp thường nói họ phải trả giá đắt để phác nên một con đường mới. Và cái giá đó có thể phản ảnh trong những bí mật mà họ giữ kín.
– Theo Entrepreneur