Lịch sử của Ngày Nhân đạo Thế giới (NĐTG) tính đến nay chỉ vỏn vẹn khoảng bốn năm, nên không ít người vẫn còn xa lạ với ý nghĩa của nó. Cuối năm 2008 Đại hội đồng LHQ chọn ngày 19-8 hằng năm làm Ngày NĐTG, với mục đích đánh dấu một thời điểm trong năm mà mọi người trên toàn cầu cùng tưởng nhớ đến những người đã hy sinh tính mạng khi đang làm việc nhân đạo cũng như những người hằng ngày vẫn đang cống hiến cho cộng đồng.
Lý do chọn ngày 19-8 bởi vào ngày này năm 2003, 22 nhân viên của LHQ đã chết trong một trận đánh bom khủng bố tại trụ sở LHQ ở Baghdad (Iraq), trong đó có Sérgio Vieira de Mello – một nhà hoạt động nhân đạo nổi tiếng người Brazil. Năm 2012 là năm thứ tư kỷ niệm ngày NĐTG và thay vì quảng bá bằng hình thức thông thường, LHQ đã bắt tay với Beyoncé để xây dựng một chiến dịch có tên I Was Here (tạm dịch: Tôi đã ở đây).
Theo đó trước ngày 19-8 khoảng một tháng, LHQ cùng các tổ chức nhân đạo và Beyoncé cùng nhau kêu gọi một tỉ người viết ra thông điệp của họ cho Ngày NĐTG trên hai mạng xã hội Facebook và Twitter. Kết quả thu về còn hơn cả mong đợi khi tổng cộng có hơn một tỉ 30 triệu người ủng hộ chiến dịch này. Andrew Essex, giám đốc điều hành công ty quảng cáo Droga5 (Mỹ) – một trong những đơn vị tham gia chiến dịch, cho biết: “Có thể nói rằng đây là cuộc vận động vì mục đích tốt đẹp lớn nhất trong lịch sử mạng, một sự đoàn kết tuyệt vời giữa những người nổi tiếng, các nhãn hiệu và những tổ chức phi chính phủ. Hãy nghĩ nó như một “We Are The World” của thời truyền thông đại chúng”. Với mục đích chính là đánh vào nhận thức của mọi người ở khắp nơi trên thế giới thì ngoài việc vận động số lượng người ủng hộ cực kỳ ấn tượng, LHQ còn sử dụng âm nhạc như một chất xúc tác mạnh mà Beyoncé là lựa chọn lý tưởng để hiện thực hóa kế hoạch đó. “Đêm nay Beyoncé mang đến nhiều hơn tài năng tuyệt vời của cô ấy. Cô ấy đã mang đến cảm hứng để giúp đỡ người khác” – Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Jan Eliasson nói về Beyoncé vào đêm 10-8 khi cô chuẩn bị trình diễn trước hơn 1.200 khán giả để ghi hình làm video tại đại sảnh Đại hội đồng LHQ ở New York.
Chiến dịch I Was Here được đặt tên theo ca khúc nằm trong album thứ tư (2011) của Beyoncé và do nữ nhạc sĩ kỳ cựu Diane Warren sáng tác. Tham gia chiến dịch quy mô lớn này của LHQ, Beyoncé và Diane Warren đã quyết định góp I Was Here, để LHQ sử dụng miễn phí nhằm quảng bá cho Ngày NĐTG năm nay. Mặc dù đã được sáng tác từ hơn một năm trước, nhưng nội dung của I Was Here lại rất phù hợp cho chiến dịch ngày 19-8. Ca khúc này gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ về khao khát của con người được để lại dấu ấn trong cuộc sống, được cống hiến hết sức mình và được nhớ đến. Những câu hát như “Tôi muốn nói tôi đã sống từng ngày một cho đến khi nhắm mắt. Tôi biết tôi đã trở thành một phần trong cuộc sống của ai đó. Những trái tim tôi chạm tới sẽ là bằng chứng mà tôi để lại. Rằng tôi đã tạo nên sự khác biệt và thế giới này sẽ thấy tôi đã từng ở đây” trong I Was Here mang một ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc.
Sau khi album thứ tư phát hành, không ít nhà phê bình cho rằng với vị trí hiện tại của mình Beyoncé không phải là người thích hợp để hát một “ca khúc để đời” như I Was Here. Nhưng khi video ghi lại màn trình diễn I Was Here của Beyoncé tại Đại hội đồng LHQ ra mắt, qua đó cô hát với một màn hình khổng lồ trình chiếu những thước phim tư liệu cảm động về các hoạt động nhân đạo trên thế giới, thì chất giọng đang ngày càng trở nên hoàn hảo của Beyoncé và xúc cảm trong cách trình diễn của cô đã thuyết phục ngay cả những khán giả khó tính nhất. Bản ballad I Was Here khi được đặt trong chiến dịch này cũng trở nên sáng rõ hơn về thông điệp và có sức lay động dữ dội. Đài CBS News mô tả màn trình diễn bằng những tính từ “tuyệt vời” và “ngoạn mục”, trong khi nhật báo Daily News khen ngợi: “Cô ấy đã phô diễn một giọng hát sống mạnh mẽ cho ca khúc”.