Mọi người đến Thái Lan thường chỉ đổ xô đi viếng cảnh chùa ở những ngôi chùa nức tiếng Bangkok, như chùa Phật Ngọc, chùa Phật Nằm, chùa Bình Minh… mà chưa biết ở các tỉnh thành khác, không cách thủ đô bao xa, cũng có rất nhiều chùa chiền thờ Phật tráng lệ. Hơn thế còn mặc trầm với niên đại hàng trăm năm, bên cạnh những đại tự xây mới.
Thực ra, ở Thái Lan, hiện giờ có tới 41.205 Phật điện, và chỉ một vài trăm Phật điện là tọa lạc giữa lòng Bangkok, còn đa số đều nằm ở ngoại vi, hướng về trung tâm như một bông sen nở từng lớp cánh. Dưới đây là 7 ngôi chùa lớn đang được xem là đẹp nhất đương thời.
Đi về phía Bắc Bangkok, 10 giờ xe chạy, bạn sẽ gặp một ngôi chùa hết sức lộng lẫy. Đó là Chùa Vàng Wat Phra That Doi Suthep ở trên một ngọn núi cao nhất (1.073m) của tỉnh Chiang Mai, và đã ra đời từ năm 1368 theo Phật giáo Nguyên thủy. Chuyện kể rằng, đại sư Sumanathera của Vương quốc Sukhothai nằm mộng, được thần linh bảo đến Pang Cha đón xá lị Phật. Tại đây, ông đã tìm thấy một mảnh xương vai của Đức Phật và đã mang xá lị Phật về, dâng lên nhà vua Dhammaraja – người trị vì Sukhothai.
Vốn mảnh xương có phép lực cực kỳ huyền diệu, ví dụ như trước sự thành kính của Sumanathera, xá lị Phật đã tỏa kim quang rực rỡ, rồi thoắt ẩn thoắt hiện, thế nhưng trước mặt bá quan văn võ của vua Dhammaraja, xá lị Phật chỉ hiển hiện như bao mảnh xương thường khác bất động, nên vua hồ nghi, liền giao xá lị Phật cho đại sư giữ.
Ngược lại, vua Nu Naone của xứ Lan Na khi biết tin về xá lị Phật thì vô cùng mừng rỡ, lập tức sai người vời ông đến Lan Na, mà nay là Lamphun, miền Bắc Thái Lan để xin xá lị Phật thờ phụng. Khi tới được Lan Na vào năm 1368, mảnh xương bỗng nhiên tách đôi; mảnh nhỏ được vua cho thờ ngay tại Wat Suan Dok, còn mảnh lớn đặt trên lưng voi trắng, cho thả vô rừng, nhằm tìm nơi dựng đại Phật điện. Chú voi đã leo tít lên đỉnh Doi Suthep, rống 3 lần và nằm xuống. Tin là điềm lành, vua đã cho xây trên núi một ngôi đền bằng vàng với bảo tháp cao đến 24m và chia nhiều tầng bậc, biểu thị cho các cõi trời và quá trình tu hành đắc đạo.
Xưa kia, đường lên chùa hãy là đường đất, song hôm nay đã được lát đá để Phật tử vừa tiện đi lại vừa ngồi hóng mát. Ngoài cảnh đẹp xanh tươi của núi rừng đôi bên, điều đầu tiên du khách nhìn thấy, như đã nói là một tháp nhọn chedi chói lọi. Cũng thấy rất nhiều tán lọng, tượng vàng trang trí dọc đường, gồm tượng rắn thần Naga nhiều đầu ở các lan can, lối vào cũng như lọng che Đức Phật, và một hình ảnh không thể thiếu nữa là tượng voi trắng tại khá nhiều điểm bằng kích cỡ thật.
Trong khi ngôi chùa trên có sắc vàng sáng rực và cổ kính gần 700 tuổi, thì một ngôi chùa khác cũng nguy nga không kém, là Wat Rong Khun ở tỉnh Chiang Rai lại có một màu trắng muốt, nên được gọi là Bạch Tự, và chỉ mới 23 tuổi. Tất cả là do chùa được kiến tạo theo lối mới, dùng đá, vữa trắng cùng các mảng phù điêu – tượng đắp làm trọng. Ngoài tượng Phật dát vàng và các bích họa sặc sỡ về luân hồi, gần như mọi thứ ở đây đều có màu trắng, thể hiện cho sự thanh bạch, vô tư, hồn nhiên, không có gì quấy nhiễu nổi của cửa thiền.
Đại thể, chùa có 9 phần: phần chính là đại đường thờ Phật sơn trắng và ở trên tường giữa các mảng phù điêu trùng điệp là hàng loạt những miếng gương để phản chiếu ánh sáng mặt trời, tượng trưng cho trí tuệ và công đức Phật tỏa khắp. Đằng sau nhà trắng là nhà vàng, ngụ ý thân thể Phật, sự cao quý cùng hoàng gia. Phật tử muốn thăm chùa, chỉ có một cách duy nhất là đi thẳng từ mặt trước, ngoài đường vào qua 2 cây cầu, cũng là 2 phần trong quần thể.
Cây cầu thứ nhất ngoài cùng là cầu sinh tử hay cầu luân hồi; ở đó ta sẽ phải qua một cái hồ, giống như một hố sâu, một cánh cửa địa ngục với hàng trăm cánh tay giơ lên nhằm tóm bắt, đẩy đưa con người sa ngã, lâm vào đói khổ, bệnh tật, tội lỗi. Và ở đầu kia là cây cầu thứ hai, nơi trấn giữ của tử thần và Rahu, người quyết định số phận vong nhân. Qua đó, toát ra thông điệp chúng sinh cần phải buông bỏ những thói xấu, dục vọng như tham sân si… để được bình yên, thoát khỏi luân hồi.
Mới đầu, Wat Rong Khun là một ngôi chùa gỗ đã xuống cấp, song đến năm 1997, nhờ một họa sĩ có tâm huyết với đạo Phật, cũng rất tài ba trong việc thiết kế đền chùa truyền thống nên chùa đã được xây mới với một phong cách hoàn toàn lạ mắt. Anh đã không tiếc công sức và bỏ ra hơn một triệu đô la để dựng chùa, mà đến nay là một trung tâm văn hóa Phật giáo, nơi gặp gỡ của nhiều quan khách quốc tế và hoàng gia.
Không chỉ cổ mà còn là một ngôi chùa lâu đời nhất Thái Lan, Chùa Wat Phra That Lampang Luang còn tối linh vì giữ xá lị tóc Phật khi Ngài còn tại thế. Phật thoại kể rằng, cách đây 2.500 năm, Đức Phật đã tới đây và cho một sợi tóc của Ngài làm vật thờ. Về sau, khi Phật nhập Niết Bàn, tro cốt của Phật cũng được chia cho chùa và thờ ở chedi trung tâm.
Xuất hiện từ thế kỷ 13, tại tỉnh Lampang, mang kiến trúc Lanna và Thai Lu, tức họa tiết dát vàng, đại tự, do đó cũng có tên là Đền Xá lợi Phật Lampang. Vì có thánh tích vô giá, trong nhiều thế kỷ, tăng ni trông coi chùa rất ngặt, đưa nơi này trở thành một pháo đài kiên cố, trong khi tự thân cũng nằm trên một quả đồi cao và có tường gạch bao quanh. Nhờ thế, chùa được xem là một kiến trúc tiêu biểu của tu thành viện (wiang). Khi tới gần, du khách sẽ ngạc nhiên trước những bức tường cao khều, đồ sộ quanh Phật đường, và vào trong còn bất ngờ nữa trước những linh thú như sư tử, linh xà khá to mà cũng rất thanh mảnh, nhẹ nhàng.
Chùa Wat Pha Sorn Kaew ở tỉnh Phetchabun cũng là một linh tự muôn người ngưỡng vọng, đồng thời là một thắng cảnh đệ nhất trời Thái, bởi có lối bài trí hấp dẫn với tôn tượng của ngũ Phật trên cao 830 mét, trông xuống theo dõi và phù trì trần thế. Với ý tưởng về một xứ sở mãi mãi thanh bình, nơi thiền định và giác ngộ chân lý, bắt đầu từ năm 2004, trên núi Khao Kho đã có ngôi chùa, mà trên mái là 5 pho tượng Phật khổng lồ bằng sứ trắng ngồi liên tiếp, trong đó tượng cao nhất đội vương miện tháp trụ thuôn nhọn, biểu thị của mọi thành tựu thù thắng.
Những pho tượng khác nhỏ dần, để lộ đầu trần với hằng hà ốc tóc của Phật, tượng trưng cho trí tuệ vô biên. Cả 5 vị Phật đều ngồi một đài sen vĩ đại, được cách điệu như một hồ sen, nở vạn đóa hoa và có màu trắng muốt, in vào nền núi xanh tươi trông thật an lành, trong trẻo. Việc lựa chọn màu trắng đã cho tôn tượng quý danh là tượng Phật Ngọc và như một tượng đài đẽo từ kim cương vậy!
Cũng với cảm hứng này và nhằm đặc tả thất bảo trong thế giới Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà, mỗi lối đi, bậc thang, khoảng sân và cả những phù đồ tại đây đều được nạm đá, gạch, ngói, thủy tinh nhiều màu sặc sỡ tựa châu ngọc. Tất thảy có hơn 5 triệu viên gốm sứ, thủy tinh, pha lê đã được ốp vào chùa, dưới nhiều họa tiết, hình học, tranh vẽ khác nhau song đều mang phong cách hiện đại của nghệ thuật khảm Antoni Gaudi.
Đền Chân lý vừa là một điện thờ Phật giáo, Hindu giáo vừa là một bảo tàng trưng bày các hiện vật lịch sử tín ngưỡng ở Thái Lan. Tọa lạc tại thành phố Pattaya, theo lối Ayutthaya, đây là một quần thể kiến trúc hoàn toàn từ gỗ, đa phần là gỗ teak, panchart, mai takien với những mảng điêu khắc cầu kỳ – tinh xảo, hơn thế còn thờ đa thần bởi người Thái, người Hindu, người Khmer, người Hoa…
Do đó, đền rất bề thế, với diện tích hơn 13 hecta và có nội cung lên tới 2.115m2 với nhiều tháp nhọn, mà cao nhất là 105m. Khởi công từ năm 1981 nhưng đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành, nhất là những phù điêu chi tiết về người, chim cá, voi, sư tử, rồng rắn và nhiều Phật Thánh, nhằm phản ánh cái nhìn của người xưa về vũ trụ và triết học Đông phương. Trong đó luôn bày tỏ niềm tôn kính, sùng bái đối với 7 tạo hóa mà không có họ không có chúng sinh. Đó là trời, đất, mẹ, cha, nhật, nguyệt và tinh tú.
Trong quần thể này, gian chính giữa và gian phía Bắc được dành làm chùa thờ Phật, trên đỉnh của bảo tháp là pho tượng của Kalaki cưỡi ngựa, biểu thị của Phra Sri Ariyametrai – vị Bồ tát cuối cùng đã đắc đạo và trở thành Đức Phật thứ 5 trong 5 vị Phật. Còn trong đại điện có tháp Busabok lưu giữ xá lị Phật, đặc biệt là xá lị răng Phật. Xung quanh điện còn thấy nhiều tượng Quán Thế Âm, thị hiện trong nhiều hình tướng cùng nhiều pháp khí để có thể nhìn thấy, nghe rõ từng sự cầu cứu mà ra tay cứu giúp.
Công viên lịch sử Ayuthaya cũng là điểm tới của bất cứ ai muốn hiểu về đạo Phật và lối kiến trúc huy hoàng ngày xưa thời Ayuthaya, một trong các cố đô Thái Lan từ năm 1350. Nằm cách thủ đô Bangkok 80km, đây đã từng là một thành phố chùa chiền của một đại vương quốc bảo hộ đạo Phật với hàng nghìn tháp Phật, đền chùa mà giờ đều là phế tích. Cả thành cổ vĩ đại đã được xem là một công viên lịch sử và vào năm 1991 trở thành Di sản thế giới.
- Xem thêm: Những công trình Phật giáo nổi tiếng
Người ta đã khảo cổ được ở Ayuthaya 67 ngôi chùa, gồm nổi bật nhất là Chùa Wat Mahathat, cùng vô số tượng đài Phật đá. Những ngôi chùa tựu trung đều nằm trên một hòn đảo giữa ngã ba sông nên có phong cảnh vô cùng thơ mộng. Không chỉ vậy, nhiều đại tự như Wat Yanasen, Wat Ratchaburana hay Wat Phra Sri Sanphet… còn có dạng tháp stupa nhọn hoắt và được làm theo kiểu Khmer với một prang (tháp nhọn) chính giữa trên một phần đế chữ nhật và 4 tháp nhỏ vây quanh hùng vĩ.
Trải dài trên sân còn thấy cả trăm pho tượng Phật khoác áo cà sa vàng đỏ, và được thắp nến lung linh mỗi đêm. Ngoài Wat Mahathat với thủ Phật được bao bọc bởi rễ cây cổ thụ, hay được lui tới nhất còn là Wat Lokayasutharam do có một pho tượng Phật nằm, nhập Niết Bàn cực lớn, gọi là Phra Buddha Saiyart, dài 37m, cao hơn 8m, gối đầu lên một dịch quán.
Hoàn toàn khác lạ so với mọi ngôi chùa, hoặc có thể nói là theo phong cách Đông Tây, Thái-Hoa kết hợp là Chùa Wat Samphran ở tỉnh Nakhon Pathom, cách Bangkok chỉ 40km. Chưa rõ chùa được kiến thiết năm nào song đã được đăng ký từ năm 1985. Và rất nổi tiếng vì là quần thể của 2 kiến trúc nhà cao tầng, một vuông, một tròn và đều sơn hồng, trên mái chứa điện thờ, tượng Phật. Đặc biệt ở tòa nhà hình trụ tròn cao 17 tầng, 80m, quanh thân có một con rồng màu xanh cực lớn đang quấn chặt và hướng lên trời.
Vì thế, chùa còn có tên là Thanh Long Tự. Trong văn hóa châu Á, rồng là vua của muôn loài, hơn thế đã quy phục Phật Pháp, chịu làm vật cưỡi của các vị Phật, Bồ tát. Nó cũng gắn với lửa, nước, mưa, gió, mây, sóng cùng nhiều điều tốt lành khác nên rất được ưa chuộng. Phần lớn các chùa chiền đều có rồng hoặc rắn Naga, song không đâu lại có một con rồng tocurac, mà chỉ duy nhất đã bao trọn một khu nhà. Khi đứng ở trên miệng nó, có thể phóng tầm mắt ra cả quận Sam Phran cùng những vườn dừa mênh mông.