Sự bất bình đẳng đã thể hiện rõ từ thập niên 1980 sẽ trở nên trầm trọng khủng khiếp vào năm 2050. Cách thức phân phối của cải trên thế giới gần bốn mươi năm qua đã cho thấy sự bất bình đẳng ngày một gia tăng khắp thế giới.
Theo báo cáo của các nhà kinh tế học L. Chancel, G. Zucman và T. Piketty tác giả cuốn Tư bản luận thế kỷ XXI (Le Capital au XXI siècle), kể từ khi kinh tế tự do hóa, phần lợi tức quốc gia của 10% dân số giàu có ở Nga từ 21% vọt lên 46%, ở Trung Quốc từ 27% lên 41%. Năm 2016, đứng đầu thế giới bất bình đẳng là Trung Đông (1% dân số giàu chiếm 61% lợi tức quốc gia), kế đến là Brazil, Ấn Độ đồng hạng (55%).
Nhịp điệu tiến hóa bất bình đẳng ở Tây Âu khác so với Mỹ. Thập niên 1980, phần lợi tức quốc gia của 50% dân số nghèo ở Tây Âu là 24%, nay là 22%, còn ở Mỹ từ 21% tụt xuống 13%. T. Piketty cho rằng hiện tượng đó là do tác động của các chính sách công hai bên bờ Đại Tây Dương khác nhau.
Theo báo cáo lập từ 175 triệu số liệu thống kê và thuế khóa của dự án Cơ sở dữ liệu giàu – nghèo và thu nhập, nạn nhân chính của hiện tượng này là tầng lớp trung lưu. L. Chancel khẳng định từ năm 1980 đến nay, 1% dân số giàu hưởng lợi gấp đôi, thu nhập của 50% dân số nghèo tăng đáng kể, chỉ tầng lớp trung lưu là không tăng mà còn giảm. Đến năm 2050, phần lợi tức của người giàu thế giới từ 33% lên 39%, còn của lớp trung lưu từ 29% hạ xuống còn 27%.
L. Chancel cho rằng tình trạng các bất bình đẳng ngày một tăng có thể tránh được, nếu theo quỹ đạo Tây Âu. Còn như cứ theo xu hướng hiện nay ở Mỹ, các bất bình đẳng ngày một xấu đi.
- theo HuffPost