Ngày 30-6 vừa qua, tại Thụy Điển, Ikea đã khai trương bảo tàng Le Louvre đồ nội thất nhỏ của hãng – những cái kệ, những chiếc túi vàng, xanh, các bộ danh mục, chùm chìa khóa lắp ráp Allen… được trưng bày như những tác phẩm hội họa. Chừng 20 ngàn món đồ sưu tập và tư liệu lưu trữ trưng bày trên diện tích 7.000m2.
Khi đội kèn đồng tấu nhạc tưng bừng diễu ngang qua, phụ trách bảo tàng Carina Kloek Malmsten tự hào: “Chúng tôi có nhiều câu chuyện để kể”. Ikea chính là viết tắt chữ cái đầu tên họ nhà sáng lập Ingvar Kamprad, trang trại gia đình Elmtaryd và quê cha Agunnaryd. Từ một người bán diêm khiêm tốn, năm 1958 Ingvar Kamprad mở cửa hàng đồ gỗ phong cách Thụy Điển đầu tiên ở Almhult, nay đã trở thành một trong số những người giàu có nhất hành tinh. Doanh số hằng năm của Ikea hiện là 30 tỉ euro, với 150.000 người làm công. Buổi ban đầu, đồ gỗ, phụ kiện, dụng cụ nhà bếp… còn chịu ảnh hưởng của các nhà thiết kế Đan Mạch, nhưng từ năm 1960, Ikea không ngừng đổi mới kiểu dáng theo hướng hấp dẫn nhất đối với người tiêu dùng.
Nhưng bảo tàng cũng đã gây nên tranh cãi về sự phát triển “đế chế” Ikea. Trước hết là mô hình tối ưu hóa thuế khóa làm ô danh dòng họ Kamprad – 35 năm nay sinh sống ở Thụy Sĩ, thụ hưởng chế độ thuế khóa ưu đãi đặc biệt. Ikea thuê nhân công rẻ mạt trẻ em Pakistan để dệt thảm, gỗ đóng kệ sách ngâm tẩm hóa chất độc hại quá mức cho phép… Trên tấm bảng “Những sai lầm của chúng tôi” treo ở nơi trang trọng, nhà sáng lập Ikea tự thú: “Sai lầm lớn nhất hồi trai trẻ là giao du với họ hàng bên nội phát xít” – bố đẻ Kamprad người Đức.
Hai ngày trước khai mạc bảo tàng (28-6), Ikea gấp rút cho thu hồi toàn bộ 29 triệu tủ quần áo loại Malme ở Mỹ và 6,6 triệu cái ở Canada, vì bập bênh, đổ, làm chết trẻ em. Tháng 2-2016, chính Ikea thông báo xin lỗi một trẻ 22 tháng tuổi bị tủ áo quần loại Malme đổ đè chết ở bang Minnesota. Từ năm 1989, ở Mỹ từng xảy ra năm vụ trẻ em bị tủ quần áo nhãn hiệu Ikea đổ và đè chết.
Lê Lành theo Le monde (DNSGCT)