Trung tuần tháng 2 vừa qua, bạo lực tiếp tục bùng phát tại thủ đô và 12 thành phố khác của Venezuela, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Lực lượng sinh viên đối lập vẫn tiếp tục các cuộc biểu tình phản đối tại Caracas cùng nhiều nơi khác, trong khi khoảng 15 ngàn người ủng hộ chính phủ cũng biểu tình trong ôn hòa theo lời kêu gọi của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Trước đó, trong ngày 12-2, ba người gồm hai sinh viên và một dân quân đã bị bắn chết, hàng chục người khác bị thương và hàng trăm người bị bắt giữ. Phía sinh viên chống đối lên án chính quyền đã tra tấn và đối xử vô nhân đạo đối với những người bị bắt, còn Tổng thống Venezuela Maduro thì tuyên bố là chính phủ ông đối mặt với một âm mưu đảo chính, chống lại nền dân chủ và chính phủ do ông lãnh đạo. Ông cũng lên án “những nhóm phát xít cực hữu” mà theo ông là đang đeo đuổi một âm mưu như hồi tháng 4-2002, khi một cuộc tuần hành khổng lồ của phe chống đối chính quyền Hugo Chavez đã dẫn đến kết quả có 19 người tử thương.
Một cuộc biểu tình tại thủ đô Caracas
Hiện nay cuộc xung đột tại Venezuela không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc nội mà đã gây ra những bất ổn trong quan hệ giữa Venezuela và các nước phương Tây. Ngày 16-2, ông Maduro công bố đã trục xuất ba nhân viên lãnh sự Mỹ mà theo ông là đã có âm mưu chống lại chính quyền Caracas. Mặt khác, vị tổng thống đương nhiệm của Venezuela cũng kịch liệt chỉ trích Washington sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” đối với tình hình Venezuela và yêu cầu trả tự do cho những sinh viên tranh đấu đã bị bắt giữ. Bên cạnh yếu tố chính trị dẫn đến cuộc xung đột, Venezuela đang trải qua những khó khăn lớn về kinh tế. Nước này là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, lên đến 56%, riêng giá cả thực phẩm tăng đến 70%, các sản phẩm cơ bản từ bột, sữa, dược phẩm đến phụ tùng xe hơi, giấy vệ sinh… đều thiếu thốn nghiêm trọng. Nhà nước Venezuela đang kiểm soát gắt gao lĩnh vực ngoại hối của ngành xuất khẩu dầu mỏ và nhiều công ty công, thương nghiệp khác. Chính những khó khăn này cũng góp phần giúp cho lực lượng sinh viên tranh đấu có được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng. Cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi mở cuộc đối thoại giữa hai phía và tôn trọng nhân quyền trong bất cứ tình huống nào của xứ sở. Nhưng các nỗ lực trên vẫn chưa nhận được sự chia sẻ của chính quyền Venezuela. Ông Maduro vẫn còn lên án các phương tiện truyền thông quốc tế đã kích động bạo lực thông qua những bài tường thuật của họ. Ông đã cho ngưng hoạt động của kênh thông tin NTN24 trụ sở đặt tại Bogota, đồng thời chuyển lời cảnh cáo gay gắt đến hãng tin AFP của Pháp. Theo nhà xã hội học Carlos Raul Hernandez, người đang giảng dạy khoa chính trị học tại Trường Đại học trung tâm Venezuela, tình hình hiện nay chỉ có thể dẫn đến những chuyển biến chính trị quan trọng một khi có sự nổi dậy của quân đội, nhưng điều này khó diễn ra tại Venezuela.
Lê Nguyễn tổng hợp