Có nguồn gốc từ người Hoa (Triều Châu và Phúc Kiến), bánh củ cải nay là món ăn phổ biến ở các vùng đất phía nam sông Hậu, nhất là hai tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Để làm nhân bánh, củ cải trắng được gọt sạch, xắt nhuyễn rồi bóp sơ với nước muối loãng cho bớt chất cay, nồng và vắt thật khô. Khoai môn gọt vỏ, xắt sợi nhuyễn. Đậu phộng ngâm từ đêm trước đãi sạch vỏ đem nấu cho mềm. Thịt heo, lạp xưởng xắt hột lựu, tôm khô con vừa đãi qua nước cho bớt vị mặn; rau cần tàu rửa sạch, cắt khúc cỡ lóng tay. Bắc chảo nóng, rưới ít mỡ heo rồi phi hành tỏi thiệt thơm, xong cho thịt, tôm khô, lạp xưởng vào xào sơ. Kế tiếp cho củ cải và khoai môn vào xào đều đến khi sánh lại, nêm nếm gia vị vừa ăn. Công đoạn nhân bánh đã xong.
Trộn bột gạo với bột năng (bốn phần bột gạo trộn một phần bột năng), rưới nước âm ấm cho bột hơi sền sệt. Có thể trộn bột với nước cốt dừa nếu thích ăn béo. Đợi một thời gian bột nở. Trộn đều nhân bánh với bột. Thoa chút dầu vào khuôn rồi đổ hỗn hợp đã trộn vào, hấp cách thủy. Bánh củ cải đạt yêu cầu không quá mềm, không khô, không cứng. Cắn miếng bánh củ cải nghe hương thơm của rau cần, vị ngon của tôm khô, thịt, lạp xưởng, nước cốt dừa, đậu phộng, khoai môn, đặc biệt là vị hăng nồng của củ cải trắng đã tạo nên nét đặc trưng cũng như tên gọi của loại bánh này.
Minh Khuyên (DNSGCT)