Nói là lưng chừng vì người gửi tiết kiệm dĩ nhiên kỳ vọng mức cao hơn; một khi lãi suất huy động giảm nữa, việc gửi tiết kiệm có thể không còn hấp dẫn, người gửi sẽ rút tiền để đổ vào các kênh đầu tư khác. Nhưng với người đi vay, cụ thể hơn là các doanh nghiệp, thì mức lãi suất cho vay của ngân hàng hiện vẫn cao, nhiều khi đã vượt khỏi sức chịu đựng của họ. Mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại từ 13 – 16%/năm, nhưng chỉ dành cho các doanh nghiệp hoạt động tốt, được ngân hàng “săn đón” mà thôi. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ bị áp lãi suất cao hơn và ngân hàng cũng chẳng mấy mặn mà. Rất nhiều doanh nghiệp cho biết, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, nếu lãi suất cho vay khoảng 10%/năm thì hoạt động sản xuất kinh doanh của họ mới thực sự có hiệu quả.
Tuy nhiên, những điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất như trong các đợt cắt giảm năm ngoái hiện chưa xuất hiện. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng đầu năm nay đã tăng 2,59% so với cuối năm 2012. Dù mức tăng được nhận định là không cao so với hai tháng dịp tết nhiều năm gần đây, nhưng không vì thế mà có thể lạc quan, đặc biệt khi xăng dầu – đầu vào của tất cả các ngành kinh tế – vẫn đang chực chờ tăng giá. Việc không tăng giá xăng ngay trong thời điểm này chỉ nhờ vào Quỹ bình ổn xăng dầu mà thôi.
Ngoài ra, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của nước ta tháng 2-2013 đã giảm xuống 48,3 điểm, từ mức 50,1 điểm trong tháng 1 – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Điều này báo hiệu một sự giảm sút, trong đó cả sản lượng sản xuất và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm. Đặc biệt, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ mười liên tiếp. Chi phí mua hàng trung bình thì lại tăng tháng thứ hai liên tiếp, do giá một số mặt hàng nguyên liệu thô, kể cả kim loại và lương thực – thực phẩm tăng, khiến các nhà sản xuất phải điều chỉnh giá bán hàng, đẩy giá xuất xưởng tăng lần đầu tiên trong mười tháng qua. Việc giảm sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế vẫn còn rất khó khăn, trong đó có nguyên nhân từ kỳ nghỉ tết. Ngoài ra, quá trình giảm vay nợ vẫn đang tiếp tục diễn ra, càng làm suy yếu nhu cầu nội địa.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, vì vậy, vẫn còn nhiều khó khăn. Trong hai tháng đầu năm, cả nước có hơn 8.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập chỉ là 8.000. Tiếp cận vốn vay giá rẻ vẫn là điều khó khăn đối với giới doanh nghiệp. Vậy nên, cho dù dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng hai tháng đầu năm tăng trưởng âm 0,16% so với cuối năm 2012, thì các ngân hàng cũng chưa phải lo ngại, do nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vẫn rất lớn.
Với những lý do trên, có thể thấy việc tiếp tục cắt giảm lãi suất huy động là không đơn giản. Nếu tình trạng giá cả đầu vào gia tăng và lạm phát cơ bản vẫn rình rập tăng tốc thì cơ hội để hạ lãi suất là không cao. Thay vào đó, các nhà điều hành có thể hướng đến những mục tiêu khác. Nhu cầu cấp thiết nhất của nền kinh tế vẫn đang là giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tăng tổng cầu để giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp. Việc kiểm soát chặt chẽ lạm phát ở mức thấp chính là cơ sở để duy trì tính ổn định của nền kinh tế, tạo niềm tin cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là nhà đầu tư.
Minh Hằng