dẫn đầu xu thếTư duy mở không có nghĩa là cả tin, mềm yếu hay thiếu chính kiến. Nó có nghĩa là sẵn sàng lắng nghe và xem xét các quan điểm đối lập và khác biệt. Khi nghĩ về nhà quản lý hiệu quả, chúng ta thường liên tưởng đến hình ảnh của một cá nhân tự tin, đảm đang, quyết đoán, không ngại đưa ra quyết định và định hướng cho đội nhóm.
Với suy nghĩ này, việc cởi mở với những ý tưởng hoặc đề xuất mới của người khác là một kỹ năng quản lý bị bỏ qua và đánh giá thấp. Tuy nhiên, tư duy cởi mở có thể là tài sản đối với các nhà quản lý bởi lí do sau.
Giải quyết vấn đề tốt hơn
Luôn có những hướng dẫn, quy tắc cụ thể giúp bạn hoàn thành công việc dễ dàng nhất. Ở khía cạnh nào đó, điều này thật tuyệt bởi bạn có thể đạt được các mục tiêu của mình một cách thiết thực và hiệu quả, đồng thời tiết kiệm được thời gian và sức lực.
Nhưng khi phải đối mặt với những thách thức mới, việc áp dụng các phương pháp giải quyết vấn đề như bạn vẫn làm sẽ không hoàn toàn hiệu quả.
Sở hữu tư duy mở sẽ giúp bạn suy nghĩ chín chắn hơn, đặc biệt là khi đối mặt với các tình huống khó lường. Nó sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát và suy nghĩ thấu đáo hơn về cách tốt nhất để giải quyết vấn đề không chỉ trong ngắn hạn mà còn về lâu dài. Sẽ không có hai vấn đề nào giống nhau và tư duy cởi mở sẽ giúp bạn linh hoạt hơn trong việc tìm ra giải pháp.
Khiến nhân viên có cảm giác được trao quyền
Các nhà quản lý không chỉ chịu trách nhiệm về việc trở thành người giỏi nhất có thể mà còn mang đến điều tốt nhất cho những người xung quanh. Một nhà quản lý biết lắng nghe sẽ cho nhân viên cơ hội đưa ra những ý tưởng mới. Điều này giúp các thành viên trong nhóm tin rằng tiếng nói của họ được lắng nghe.
Hành động này đặc biệt quan trọng đối với nhân viên có thành tích cao – những người muốn nắm quyền chủ động đối với công việc mà họ được giao. Họ muốn cảm thấy mình có khả năng đưa ra quyết định, khắc phục mọi vấn đề nảy sinh và cảm giác được trao quyền này khiến họ sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm cho bất kỳ quyết định sai lầm nào. Đây là cách nhân viên học hỏi, phát triển và cuối cùng là thành công.
Tư duy cởi mở giúp doanh nghiệp luôn dẫn đầu xu thế
Hầu hết các ngành công nghiệp ngày nay đang phát triển nhanh chóng, có nghĩa là các phương pháp cũ đã được thử và thành công không còn phù hợp. Cách duy nhất để đảm bảo doanh nghiệp của bạn tồn tại là đi trước xu thế bằng cách không ngừng tiếp thu cái mới.
Duy trì tư duy mở với tư cách là một nhà quản lý có nghĩa là bạn ít có khả năng đi theo lối mòn khi thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày. Tư duy cởi mở khiến chúng ta ham học hỏi một cách tự nhiên, từ đó có nhiều khả năng hoàn thiện bản thân cũng như nâng cao kiến thức và hiểu biết từng ngày.
Nghiên cứu các xu hướng mới và giải thích dữ liệu cũ theo những cách mới có thể là chìa khóa để duy trì hoạt động kinh doanh của bạn theo cách tốt nhất.
“Khi có tư duy mở, bạn tập trung vào việc trao quyền cho nhân viên bằng cách lắng nghe và phản hồi ý kiến, vấn đề, cách suy nghĩ và cách tiếp cận công việc của họ.”
Vậy bạn có phải là nhà quản lý có tư duy mở? Hãy tham khảo một số dấu hiệu sau đây.
Dấu hiệu của nhà quản lý có tư duy cởi mở
– Tích cực tìm kiếm lời khuyên và phản hồi từ người khác mà không sợ rằng ý tưởng của mình bị đánh giá thấp
– Tò mò và mong muốn học hỏi từ người khác;
– Luôn cân nhắc kỹ ý tưởng của mình so với ý tưởng của đồng nghiệp;
– Khiêm tốn về kiến thức và chuyên môn của bản thân và thừa nhận rằng mình sẽ không có tất cả các câu trả lời và luôn nghĩ đến khả năng mình có thể sai;
– Luôn lắng nghe ý kiến của người khác và sau đó cân nhắc, suy nghĩ về những thông tin mới;
– Có sự đồng cảm với người khác;
– Quyết đoán và tin rằng mọi người đều có quyền chia sẻ ý tưởng và suy nghĩ của mình;
– Suy nghĩ chín chắn, đặc biệt là khi đối mặt với những tình huống khó lường;
– Cuối cùng, một nhà quản lý cởi mở và sẵn sàng lắng nghe sẽ khuyến khích nhân viên của họ đưa ra những ý tưởng mới. Nó giúp các thành viên trong nhóm hình thành sự tự tin rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và nuôi dưỡng lòng trung thành.
Làm gì để trở nên cởi mở hơn?
Mặc dù có một chút khó khăn nhưng bạn hoàn toàn có thể trở nên cởi mở hơn. Để làm được điều đó, trước tiên bạn sẽ phải chuẩn bị để điều chỉnh suy nghĩ của mình, tức là chấp nhận quan điểm rằng bạn có thể sai. Bước tiếp theo là lắng nghe với tâm thế để hiểu sâu về vấn đề hơn là phản hồi lại ý tưởng của người khác.
Với những thông tin mới này, hãy tự hỏi mình một số câu hỏi chính:
– Bạn thực sự biết bao nhiêu về chủ đề này?
– Nguồn của thông tin mới có đáng tin cậy không?
– Bạn đã tham khảo những ý tưởng khác với ý tưởng của mình trong lĩnh vực này chưa?
– Có những thành kiến nào có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn?
Các nhà quản lý cần có tư duy mở. Họ cần thoát ra khỏi khuôn mẫu suy nghĩ thông thường của mình để tìm ra những ý tưởng mới. Bạn có thể tìm thấy cơ hội hoặc cơ hội có thể tìm tới bạn… miễn là bạn có tinh thần cởi mở. Hãy giữ một tư duy cởi mở và tâm thế sẵn sàng, cơ hội sẽ tìm đến bạn ở nơi bạn ít mong đợi nhất.