Nhiều người thắc mắc vì sao họ ăn uống đủ chất, không làm việc nặng nhọc mà vẫn bị thoái hóa khớp. Bệnh nhân đã đến điều trị hết nơi này đến nơi khác mà bệnh vẫn không dứt hẳn. Càng cố gắng tập thể dục để cải thiện tình trạng thoái hóa khớp, người bệnh lại càng cảm thấy khớp đau và biến dạng nhiều hơn. Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, Phó chủ tịch Hội Y học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh giải thích:
Thoái hóa khớp là tình trạng cấu trúc bề mặt khớp và hệ thống nâng đỡ như: bao khớp, mặt sụn, dây chằng… bị thoái hóa, làm cho bề mặt khớp bị hỏng, nghiêng, mặt sụn không còn trơn láng, hệ thống dây chằng suy yếu, gây hiện tượng sưng, đau đớn, khớp gối bị biến dạng. Khớp gối, khớp háng, khớp cổ chân, khớp vai và khớp cổ tay dễ bị thoái hóa nhất vì các khớp này có tần suất vận động nhiều và chịu sức ép lớn từ trọng lượng của cơ thể.
Đa số các trường hợp thoái hóa khớp là do quá trình lão hóa. Cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, khớp sẽ bị mòn và yếu dần theo tuổi tác. Các chấn thương như: gãy xương khớp, đứt dây chằng… cũng góp phần thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp. Dù các chấn thương này đã được điều trị nhưng sau một thời gian ngắn, khớp nhanh chóng bị suy yếu hoặc hỏng. Ngoài ra, nhóm bệnh lý đặc biệt như: tiểu đường, viêm đa khớp, gout… cũng là tác nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng thoái hóa khớp.
Thưa bác sĩ, con số hơn 50% người trên 35 tuổi và 80% ở người trên 70 tuổi có biểu hiện triệu chứng của thoái hóa khớp có phải là ty lệ thống kê được ở Việt Nam trong những năm gần đây?
Những con số này là thống kê tỷ lệ thoái hóa khớp ở các nước phát triển, còn ở Việt Nam thì chưa có số liệu cụ thể. Nhưng kết quả các khảo sát cho thấy, thoái hóa khớp rất hiếm gặp ở người trẻ tuổi. Ba đối tượng có nguy cơ cao nhất là: người từ 50 tuổi trở lên (tỷ lệ trên 50%), người vận động nhiều như vận động viên thể thao, công nhân thường xuyên khuân vác nặng… và đặc biệt là phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh (vì các khớp gối đã bị suy yếu do sự suy giảm các hormone nội tiết tố mà còn “quá tải” do tình trạng béo phì của cơ thể thì tình trạng thoái hóa khớp sẽ diễn ra rất nhanh).
Về mô học, thoái hóa khớp diễn tiến theo nhiều cấp độ. Ở cấp độ một, sụn khớp bị mềm đi, dập rải rác ở một vài điểm, lớp xương dưới sụn chưa bị thương tổn. Cấp độ này gọi nôm na là yếu khớp, chưa có các biểu hiện cụ thể. Chỉ khi vận động nhiều, bệnh nhân mới thấy đau và chỉ cần nghỉ ngơi, không vận động nữa thì cơn đau giảm hẳn. Ở cấp độ hai, tổn thương sụn lan rộng làm khe khớp bị hẹp đi, một số chồi xương lộ ra, khi vận động sẽ tạo ra những tiếng kêu bất thường. Ở cấp độ ba, khe khớp rất hẹp do tổn thương sụn đã trở nên nghiêm trọng, chồi xương lộ ra nhiều, có khi lớp xương dưới sụn cũng bị những hư hại làm cho bệnh nhân cảm thấy rất đau đớn khi vận động. Việc điều trị của bác sĩ cũng căn cứ trên các cấp độ này.
Được biết, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp như: không dùng thuốc (châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, chườm ngải cứu, đắp bùn nóng…) hoặc dùng thuốc (thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc bổ sung chất nhầy cho khớp, thuốc dinh dưỡng sụn khớp…). Đâu là cách điều trị hiệu quả nhất?
Cách điều trị hiệu quả nhất là kết hợp ba phương pháp, gồm: giảm đi triệu chứng phiền toái cho bệnh nhân bằng thuốc giảm đau, giảm sưng…, nâng cao sức khỏe của cấu trúc khớp: gân, cơ dây chằng, sụn bằng thuốc hỗ trợ chống loãng xương, chống thoái hóa sụn… và điều tiết sinh hoạt của bệnh nhân như: tránh những tư thế bất lợi, ăn uống các chất dinh dưỡng, giảm cân, sử dụng thuốc hỗ trợ…
Bác sĩ cần có thời gian trao đổi, kiểm tra, thăm khám thật kỹ, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để hiểu rõ tình trạng khớp của bệnh nhân ở mức độ nào. Từ đó mới đưa ra một phương pháp chữa bệnh bài bản kết hợp giữa thuốc men với việc điều tiết sinh hoạt và các bài tập thể dục phù hợp với thể trạng bệnh nhân.
Các phương pháp chữa bệnh dân gian như: xoa dầu nóng, massage, đắp lá… có phải là cách điều trị tốt?
Các biện pháp trị liệu dân gian này chủ yếu là để giảm đau, hay nói đúng hơn là che giấu cơn đau chứ chưa điều trị đúng trọng tâm. Cảm giác đau là một phản ứng có lợi của cơ thể để con người biết rằng hoạt động mình đang thực hiện là một việc quá sức đối với khớp, hoặc cơ thể mình đang có vấn đề, cần ngưng, giảm hoạt động và có biện pháp can thiệp, hỗ trợ cho khớp. Do đó, muốn điều trị hữu hiệu thoái hóa khớp thì ngoài việc sử dụng thuốc giảm đau, bệnh nhân cần được điều trị kết hợp với hai phương pháp khác là nâng cao sức khỏe của cấu trúc khớp và điều tiết sinh hoạt của người bệnh.
Bác sĩ đánh giá như thế nào về phương pháp điều trị bằng Đông y nói chung và châm cứu nói riêng?
Đông y nói chung và châm cứu nói riêng chỉ là các liệu pháp bổ trợ với mục đích giảm đau. Liệu pháp này chỉ nên sử dụng như một phần trong chiến lược điều trị thoái hóa khớp.
Thực tế, thoái hóa khớp không thể điều trị bằng bất kỳ một toa thuốc đơn giản nào mà cần phải có sự kết hợp ba phương pháp mà tôi đã đề cập ở trên.
Phẫu thuật thay khớp đã phổ biến ở nhiều bệnh viện, đây có phải là phương pháp điều trị hữu hiệu nhất hiện nay?
Bản chất của phẫu thuật thay khớp là phẫu thuật bọc sụn, làm bằng phẳng lại cấu trúc bề mặt khớp kèm theo việc chỉnh trục xương. Đây là một ca đại phẫu, bệnh nhân cần có sức khỏe tốt mới đáp ứng được mà chi phí điều trị cũng khá cao. Hơn nữa, khớp nhân tạo mới được thay thế không thể hoàn hảo như khớp cũ. Vì vậy, bác sĩ sẽ qua nhiều bước kiểm tra mới xác định trường hợp nào nên phẫu thuật bọc sụn. Thường chỉ những trường hợp khớp đã hư hỏng nghiêm trọng, phần sụn đã dập vỡ nhiều chỗ, mặt khớp nghiêng, biến dạng, mỗi bước đi đều đau đớn hoặc điều trị nội khoa một thời gian không cải thiện thì mới phải tiến hành phẫu thuật thay khớp.
Đối với những đối tượng lớn tuổi bị tiểu đường, cao huyết áp…, việc tập thể dục như đi bộ, chạy bộ để giảm cân, tăng tuần hoàn máu là rất cần thiết. Nhưng vận động nhiều lại ảnh hưởng xấu đến khớp gối. Bác sĩ có lời khuyên nào cho những trường hợp này?
Với những đối tượng lớn tuổi, thừa cân và có các yếu tố bệnh lý ảnh hưởng đến thoái hóa khớp thì các biện pháp tập thể dục sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của khớp. Do đó, cần hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục ở những tư thế ít tạo áp lực cho xương khớp nhất. Chẳng hạn, việc chạy bộ có thể thay thế bằng chạy xe đạp, hai phương pháp này có khả năng tiêu năng lượng gần như bằng nhau mà khớp gối lại không chịu nhiều sức ép từ cơ thể. Ngoài ra, trọng lượng cơ thể con người còn khoảng 1/5 khi ở trong môi trường nước. Vì vậy, việc luyện tập dưới nước sẽ giảm lực ép lên khớp gối, cột sống và các khớp khác đến năm lần.
Chiến lược điều trị thoái hóa khớp là phải điều trị tổng thể cho bệnh nhân chứ không chỉ chữa lành một triệu chứng. Nên quá trình trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân là vô cùng cần thiết, đặc biệt là người lớn tuổi. Qua đó, bác sĩ mới có cái nhìn tổng quá về tình trạng sức khỏe của toàn bộ cơ thể người bệnh chứ không chỉ biết đến bộ phận đang được điều trị. Nhờ vậy việc chữa trị thoái hóa khớp sẽ hiệu quả hơn.
Phải chăng bệnh nhân thoái hóa khớp nên đến các bệnh viện lớn để điều trị tốt hơn?
Bệnh nhân thoái hóa khớp có thể điều trị ở bất kỳ trung tâm nào có khoa chấn thương chỉnh hình, từ những bệnh viện nhà nước như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, Đại học Y Dược đến những bệnh viện tư nhân như An Sinh, FV… Bệnh nhân thoái hóa khớp không chỉ cần một bác sĩ giỏi chuyên môn mà còn phải có thời gian trò chuyện, tư vấn, giải thích và có phương án điều trị phù hợp với sức khỏe, thể trạng và nhu cầu của bệnh nhân. Những bác sĩ như vậy không chỉ có ở các bệnh viện lớn.
Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.