Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1-5 đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc mời gọi các nước cùng sử dụng những cơ sở đang xây dựng trên Biển Đông. Cơ quan trên cũng nhấn mạnh Trung Quốc phải ngừng ngay mọi hoạt động cải tạo đất hiện nay.
Quan điểm của Mỹ là hoạt động xây dựng trên các vùng lãnh thổ ở Biển Đông không đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực và Washington không quan tâm đến đề xuất này.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jeff Rathke, Trung Quốc cần phải ngừng ngay mọi hoạt động cải tạo đất để hạ nhiệt căng thẳng. Ông nói: “Nếu mong muốn làm giảm căng thẳng, Trung Quốc có thể chủ động tiến hành các bước đi cụ thể nhằm ngừng hoạt động cải tạo đất”.
Một trong các bước đi đó là Bắc Kinh nên hợp tác với các cơ chế đa phương hiện có trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thảm họa, đơn cử như cơ chế đặt dưới sự bảo trợ của ASEAN.
Trước đó, trong hội nghị trực tuyến với Tư lệnh Hải quân Mỹ Jonathan Greenert, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã bất ngờ đưa ra đề xuất kêu gọi các nước cùng sử dụng những cơ sở mà Bắc Kinh đang cho xây dựng, bồi đắp trên Biển Đông. Theo đó Mỹ và các nước khác có thể sử dụng những cơ sở dân sự mà Trung Quốc đang xây dựng trên Biển Đông để phục vụ mục đích tìm kiếm, cứu nạn và các mục đích khác.
Tuy nhiên, đề xuất của tướng Trung Quốc đã lập tức vấp phải chỉ trích của dư luận khu vực và quốc tế, cho rằng Bắc Kinh đang cố tình hợp pháp hóa các hoạt động xây dựng phi pháp ở Biển Đông bằng cách lôi kéo các nước cùng tham gia sử dụng.
Hiện Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động cải tạo và xây dựng trên bảy bãi đá ngầm ở Biển Đông để biến những địa điểm này thành các căn cứ có thể sử dụng cho mục đích phòng thủ quân sự và cung cấp các dịch vụ dân sự. Đáng chú ý, trong số này có nhiều điểm được xây dựng cả đường băng sân bay và cảng nước sâu cho các tàu hải quân cỡ lớn.
Trung Quốc còn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông, tuyến đường biển vận chuyển lượng hàng hóa trị giá lên tới 5.000 tỉ USD mỗi năm và là nơi có trữ lượng dầu khí lớn của thế giới.
N. Nam (DNSGCT)