Đã 25 năm trôi qua từ khi hiện tượng kinh tế thần kỳ Nhật Bản đạt đến mức đỉnh năm 1989, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới không ngừng vật lộn với hàng loạt đợt giảm phát và đình trệ kinh tế. Năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát động chương trình kinh tế lớn nhất từ trước đến giờ nhằm xóa bỏ hiện tượng giảm phát với hàng loạt những gói kích cầu và cải tổ được biết đến với tên gọi Abenomics. Tuy nhiên, năm 2016 này sẽ quyết định sự sống còn của công cuộc phục hồi kinh tế ấy thông qua ba yếu tố như sau.
Thứ nhất là tăng lương. Đến nay, ông Abe đã không ngừng gây áp lực đối với giới doanh nghiệp trong nước nhằm tăng lương cho người lao động với hy vọng sẽ tạo ra chu kỳ thúc đẩy tiêu dùng đi lên, từ đó tạo ra lợi nhuận cao hơn cho giới doanh nghiệp và tiếp tục tạo điều kiện tiếp tục tăng lương. Như một sự hỗ trợ nhẹ và động viên cho giới doanh nghiệp, chính phủ nước này đã lên kế hoạch giảm mức thuế doanh nghiệp từ 32% xuống còn 30% bắt đầu từ tháng 4-2016. Nếu ông Abe thành công trong việc thuyết phục lãnh đạo các doanh nghiệp sử dụng khoản tiết kiệm thuế vào việc tăng lương, thì có thể góp phần thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên cả nước.
Thứ hai là thuế giá trị gia tăng (VAT). Chi tiêu quốc nội đã gặp phải nhiều thử thách từ khi chính phủ giới thiệu mức VAT mới trong 2014 từ 5% lên 8%. Nợ quốc gia Nhật Bản đã chạm mức cao kỷ lục gần 250% giá trị GDP cả nước và Tokyo buộc phải làm mọi cách để gia tăng thu nhập quốc gia. Chưa dừng tại đấy, VAT tại Nhật được lên kế hoạch gia tăng lên 10% trong năm 2017 bất chấp không ít phản đối từ nội bộ chính phủ sau khi quan sát thấy phản hồi của thị trường tiêu dùng bán lẻ trong hai năm trở lại đây. Chi tiêu dân dụng trong 2016 sẽ được giám sát rất cẩn trọng đóng vai trò quyết định liệu nền kinh tế lớn thứ hai châu Á có thể chịu đựng một đợt tăng thuế tiêu dùng trong năm tới hay không.
Thứ ba là giá trị đồng yen. Giá trị đồng bạc này đã giảm mạnh 30% kể từ năm 2012 và được xem là một lợi thế cạnh tranh rất lớn cho giới doanh nghiệp xuất khẩu Nhật. Hiện tại, các nhà sản xuất nước này chủ yếu cạnh tranh với các công ty Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc do đó giá trị đồng yen xuống thấp sẽ đóng vai trò gia tăng sức cuốn hút của hàng hóa Nhật tại thị trường hải ngoại do giá thấp hơn và lợi nhuận thu về bằng USD hoặc euro khi chuyển sang yen sẽ giúp gia tăng lợi nhuận nội địa. Tuy nhiên, giá đồng yen xuống thấp khiến cho sức mua của các doanh nghiệp xuất khẩu giảm sút, đặc biệt tại lĩnh vực năng lượng và thực phẩm. Do đó, trong năm nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) buộc phải tái xem xét chính sách tiền tệ nhằm cân bằng giữa sức cạnh tranh của giới xuất khẩu và nhu cầu tiêu
dùng hàng hóa nước ngoài của người tiêu dùng trong nước. Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chorằng kế hoạch tăng lãi suất tiền gửi căn bản đồng yen của BOJ chỉ phức tạp hóa vấn đề.
B. Trịnh theo Investopedia (DNSGCT)