Nhiều người nói vui, làm giàu không phải là chuyện khó, mà là chuyện… cực kỳ khó. Bởi vậy, rất nhiều người dù từng làm nhiều nghề, trải qua nhiều thử thách, gian nan trong cuộc sống, nhưng đến tuổi về hưu vẫn chưa có được sự tự do tài chính.
Theo T. Harv Eker, một triệu phú đồng thời là tác giả quyển sách Bí mật tư duy triệu phú, thực ra thử thách lớn nhất mà mỗi chúng ta gặp phải trên con đường chinh phục mục tiêu tài chính, không phải là những trở ngại bên ngoài, như môi trường sống, điều kiện xã hội, mức độ cạnh tranh của thị trường… mà là những vấn đề bên trong – những thứ tác động trực tiếp đến tư tưởng, suy nghĩ của chúng ta, khiến chúng ta đưa ra những hành động thiếu
chính xác.
Dưới đây là ba thử thách, cũng là ba rào cản tâm lý lớn nhất mà chúng ta cần phải vượt qua, để có thể đưa ra những hành động, quyết định đúng đắn nhất nhằm hoàn thành mục tiêu tài chính.
Sống thật với chính mình
Theo Trent Hamm, cây bút chuyên về tài chính cá nhân cho các trang như Business Insider, Forbes, Inc, MSN Money… đồng thời là người sáng lập website tài chính thesimpledollar.com, rất nhiều người gặp vấn đề về tiền bạc và gần như không thể giải quyết chúng trong suốt cuộc đời họ, bởi họ ít khi sống thật với chính mình.
“Tôi từng trò chuyện, gặp gỡ rất nhiều người và nhận ra rằng, đa phần những người này dù đã làm việc hơn 30 năm, có một vị trí và mức thu nhập rất tốt, nhưng vẫn không thể có được sự tự do tài chính cho bản thân. Họ tiêu xài hoang phí, mua những thứ không dùng đến, đưa ra những quyết định đầu tư thiếu cẩn trọng và tệ nhất – họ cứ nghĩ mình là một người giàu có”.
Trent Hamm cho rằng, mỗi chúng ta từng có lần rơi vào cái bẫy tâm lý không chịu sống thật với chính mình, bởi nhiều nguyên nhân, chẳng hạn muốn gây ấn tượng với người khác, chiều theo cách sống của những người xung quanh, quên đi những vấn đề stress trước mắt, hoặc có thể do bị tác động từ báo chí, truyền thông hay những tin tức nhận được hằng ngày.
“Đừng bao giờ giả vờ mình là người giàu có hoặc sử dụng tiền vì những mục đích vô nghĩa, thay vào đó, hãy sống thật với bản thân bạn. Những người xung quanh bạn có thể sẽ trầm trồ vì chiếc xe mới, ngôi nhà mới, những món đồ đắt tiền của bạn. Nhưng họ không sống cuộc đời của bạn, họ không hiểu bạn là ai, cần gì và có những gì. Vì thế, hãy sống thật với chính mình, để sau này không phải hối tiếc”.
Thỏa hiệp với bản thân
Sau tám năm làm việc, cặp đôi Joe và Ali Olson đã chính thức nghỉ hưu trước tuổi 30 để có thể du lịch vòng quanh thế giới cùng với con gái của họ, Annabella.
Chia sẻ về chặng đường hoàn thành giấc mơ triệu phú của mình với tờ Business Insider, Joe và Ali Olson cho rằng, điều khó khăn nhất mà họ phải đối mặt, chính là làm quen với những rủi ro trong cuộc sống và cương quyết không thỏa hiệp với chính mình.
“Để có thể nghỉ hưu trước tuổi 30, chúng tôi đã phải làm quen với nỗi sợ hãi đến từ sự rủi ro và những cám dỗ thỏa hiệp với bản thân. Chúng tôi biết rất nhiều người sau khi lên một kế hoạch tài chính tỉ mỉ, với sự tư vấn của những chuyên gia tài chính hàng đầu, vẫn cứ giậm chân tại chỗ cho đến khi họ già. Bởi họ luôn sợ rằng, nếu chẳng may việc đầu tư thất bại, chẳng may nghỉ việc rồi thất nghiệp, hay kinh doanh rồi thua lỗ, thì sẽ thật tồi tệ. Thế là họ thỏa hiệp với bản thân, tiếp tục giữ cuộc sống an toàn của mình thêm một năm, rồi hai năm, rồi nhiều năm nữa cho đến khi họ quên đi kế hoạch tài chính mình từng rất tâm huyết trước đó”.
Theo Joe, chìa khóa ở đây là bạn phải dám đương đầu. Bởi đối mặt với rủi ro, ai cũng đều sợ hãi. Nghĩ đến viễn cảnh sẽ thất bại, dễ bị chùn chân. Chúng ta đều muốn sự an toàn. Nhưng trớ trêu là, kỳ tích chỉ xảy ra khi chúng ta dám chấp nhận rủi ro.
Cảm giác tội lỗi của thành công
Theo Mad Fientist, một blogger người Mỹ, đồng thời là một chuyên gia về phần mềm, người đã về hưu ở tuổi 34 sau khi có hàng triệu USD trong tài khoản, thì nhiều người trong chúng ta có một tư duy khá kỳ lạ, đó là cảm thấy tội lỗi khi thành công hơn những người xung quanh.
“Rất nhiều người, trong đó có cả tôi, từng cảm thấy tội lỗi khi mình được thảnh thơi, may mắn, thành công quá sớm, trong khi bạn bè, đồng nghiệp, người thân vẫn miệt mài trên bàn làm việc, từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác, dù họ còn tài năng và chăm chỉ hơn mình. Để rồi cảm giác “mình không xứng đáng có được thành công” dần dần khiến tôi bỏ lỡ việc thay đổi và hoàn thiện mình, bỏ lỡ những cơ hội, những kế hoạch tài chính đúng đắn. Và thế là, tôi dần dần tự đồng hóa mình với những người xung quanh, những người cũng không có được sự tự do tài chính”.
Vì thế, Mad Fientist cho rằng, để chiến thắng được cái bẫy tâm lý này, cách đơn giản nhất là hãy kết bạn và dành nhiều thời gian cho những người bạn ngưỡng mộ, những người có thể khiến bạn cảm thấy tội lỗi vì không bằng họ, để từ đó bạn có thể phát triển bản thân, cố gắng và nỗ lực hơn nữa, nhằm có được những sự thành công như họ.