Dường như đang có một cuộc vận động liên kết giữa lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhằm bảo vệ những giá trị của phương Tây, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua của nhà tỉ phú Donald Trump, người đi theo chủ nghĩa biệt lập và sẽ không còn can thiệp nhiều ra bên ngoài nữa.
Tạm biệt châu Âu trước khi hết nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không đến Anh quốc, đồng minh truyền thống của Mỹ, mà chọn nước Đức, như thể là ông muốn giao cho Thủ tướng Merkel tiếp nối vai trò của ông trong việc duy trì sự gắn kết khối Liên minh châu Âu và Mỹ.
Ông Donald Trump đã gây lo ngại cho phương Tây khi tuyên bố sẽ hành động theo phương châm “nước Mỹ trước đã”, kể cả trong quan hệ giữa Washington với các nước châu Âu. Trong bối cảnh này chỉ có nước Đức là bức tường thành vững chắc nhất, vì nước Anh phải lo chuyện Brexit, trong khi Pháp và Ý, hai trụ cột khác của châu Âu, đang gặp nhiều khó khăn kinh tế.
Theo nhận định của bà Daniela Schwazer, Giám đốc Viện nghiên cứu DGAP của Đức, nhìn thấy những tác động từ chiến thắng của Trump đối với châu Âu, Thủ tướng Merkel chắc chắn nghĩ rằng nhiệm vụ của bà chưa chấm dứt và bà phải tiếp tục lãnh đạo châu Âu.
Đa số dân Đức nay tin rằng Thủ tướng Merkel sẽ ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới, vào lúc uy tín vẫn còn rất cao, thậm chí còn tăng thêm kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Vấn đề là trên trường quốc tế, khuôn khổ hành động của nước Đức rất hạn hẹp vì không nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Berlin cho tới nay vẫn không muốn can thiệp quân sự ra bên ngoài.
Nhiệm vụ của bà Merkel càng khó khăn vì sau chiến thắng của nhà tỉ phú New York, sẽ có thêm nhiều nước chỉ trích chính sách nhập cư hào phóng của bà, cũng như chủ trương thúc đẩy tự do mậu dịch toàn cầu và tích cực chống biến đổi khí hậu. Đây quả là một gánh nặng quá lớn trên vai của vị nữ thủ tướng Đức, cho dù bà là một người rất có bản lĩnh.
V.Đ (DNSGCT)