Argentina chính thức vỡ nợ lần thứ hai trong vòng 13 năm, sau khi hạn chót mà Tòa án Mỹ đặt ra vào ngày 31-7 đã trôi qua mà không hề có thỏa thuận nào được đưa ra giữa chính phủ nước này và các quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ.
Trước đó, các quỹ đầu tư của Mỹ đã yêu cầu nước này phải thanh toán đủ 1,3 tỉ USD giá trị số trái phiếu chính phủ mà họ đang nắm giữ, không chấp thuận đề nghị nhận lợi nhuận giống như các quỹ đầu tư khác tham gia vào quá trình tái cơ cấu nợ năm 2005 và năm 2010.
Theo giới phân tích, tác động của lần vỡ nợ này đối với nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực Mỹ Latinh sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và không quá nặng nề như lần trước đó.
Năm 2001, nước này đã không thể thanh toán số nợ 100 tỉ USD và rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính được xem là tồi tệ nhất trong lịch sử. Sau khi vỡ nợ, bất ổn xã hội tại Argentina bùng phát với hàng trăm người thương vong trong các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố. Các ngân hàng đã phải đóng băng tài khoản của người gửi để ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt.
Tuy nhiên, rơi vào tình trạng vỡ nợ sẽ khiến nền kinh tế Argentina vốn đang khủng hoảng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa. Kinh tế nước này có thể suy giảm tới 3,5%, lạm phát tăng lên mức 41% và chỉ số tiêu dùng sẽ giảm 3,8% vào cuối năm.
Argentina có thể phải tiếp tục phá giá đồng nội tệ, vốn đã bị mất giá tới 20% kể từ đầu năm nay, để bảo toàn lượng dữ trữ ngoại tệ của mình.
T.K